Kết nối giao thương, tiêu thụ nông sản vùng Đông Nam Bộ
Nông sản Việt rất đa dạng, có sản phẩm độc đáo, đặc sản rất hay, thậm chí giá trị cao nhưng vì sao lại khó đi vào chuỗi siêu thị? Đây là vấn đề được thảo luận nhiều trong khuôn khổ tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ diễn ra trong 2 ngày 17 – 18/3.
Vùng Đông Nam Bộ có các tỉnh thành: TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, với diện tích 23,6 ngàn km2, dân số hơn 18 triệu người. Đây là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước; đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách Nhà nước; là địa bàn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI cả nước.
Từ năm 2016 đến nay, các tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ đã triển khai chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, đạt được những kết quả quan trọng. Đại diện Công ty Sài Gòn Co.op cho biết, thực tế nông sản Việt rất đa dạng nhưng số lượng nông sản đạt chuẩn OCOP đi vào kệ trưng bày của chuỗi siêu thị còn hạn chế. Do các doanh nghiệp có sản phẩm độc đáo, đặc sản, giá trị cao nhưng sản lượng ít, quy mô nhỏ nên khó đi vào chuỗi siêu thị lớn. Để nông sản lên được kệ siêu thị còn đòi hỏi cả một quy trình sản xuất nghiêm ngặt và khâu giám sát chặt chẽ từ chất lượng, hình ảnh quảng bá... Công ty Sài Gòn Co.op định hướng trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường mở rộng thêm nguồn hàng cho các nông sản đạt chuẩn OCOP, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho nông sản Việt, cũng như cho doanh nghiệp và hợp tác xã trong vùng.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng Nhà nước, nhà phân phối và nhà sản xuất đều có trách nhiệm chung xây dựng giao thương, kết nối để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Trong đó, trách nhiệm nhà phân phối rất quan trọng, bởi chỉ họ mới biết người tiêu dùng cần gì và hướng dẫn lại nhà sản xuất. Phía Nhà nước phải có sự đầu tư về các vấn đề đào tạo, rèn luyện, huấn luyện những hộ nông dân bình thường từng bước đi lên. Tất cả các tỉnh xây dựng không gian, các kệ trưng bày sản phẩm địa phương, góp phần đưa sản phẩm địa phương về thành phố.
Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, để phát triển vùng trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh xác định 7 nội dung cần đẩy mạnh như hợp tác quy hoạch, kết nối cung cầu, giao thông hạ tầng... Ngoài ra, cần xem xét việc có nên lập tổ chức hội đồng vùng hay không, tổ chức thế nào, điều phối hoạt động ra sao và có nên thành lập quỹ cho việc phát triển hạ tầng giao thông vùng.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, để chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đạt được kết quả cao, các địa phương trong vùng cần có phân cấp mạnh mẽ, ưu tiên nguồn vốn đầu tư để phát triển; cần phải chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể của mỗi địa phương, của vùng và hoàn thiện quy chế hoạt động. Riêng TP Hồ Chí Minh cần chủ động hơn nữa trong tháo gỡ những khó khăn hiện tại của địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương phát triển; có trách nhiệm chủ động tháo gỡ các điểm nghẽn hiện tại của địa phương và khu vực. TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng cần tăng cường kết nối dữ liệu số trong quá trình hợp tác, phát triển để giải quyết nhanh các công việc, chương trình hành động vùng…
Các tỉnh, thành đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2023 về các nội dung: Công tác quy hoạch; cơ chế điều phối phát triển vùng; kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại đầu tư; kết nối giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ; hợp tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác trên lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Việc ký kết chương trình hợp tác đến nay đã được 6 năm và đã đạt được những kết quả nhất định.