Tăng cường liên kết để tiêu thụ nông sản

Chủ Nhật, 26/09/2021, 07:33

Trong khi lối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hình thức truyền thống gặp rất nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 thì các nông hộ liên kết sản xuất với doanh nghiệp (DN) và hợp tác xã (HTX) tại Lâm Đồng vẫn đang trụ vững trong đại dịch, đầu ra tương đối ổn định.

Thời gian qua, không ít gia đình tại Lâm Đồng phải nhổ bỏ sản phẩm vì không tiêu thụ được nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, ngụ thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng thì lại khác. Vừa thu hoạch xong gần 5 sào củ cải, gia đình ông Thắng liền xuống giống cà rốt ngay.

doanhnghiep 3.jpg -0
Sản xuất cà chua tại Công ty TNHH rừng hoa Bạch Cúc.

Theo nông dân này, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã gây rất nhiều khó khăn cho nông dân. Phần lớn sản phẩm nông nghiệp làm ra không thể tiêu thụ được do bị đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bị ngưng trệ.

Tuy nhiên, khác với nhiều gia đình trên địa bàn, hộ ông Thắng vẫn thu hoạch và bán hết vườn củ cải mặc dù giá cả thấp hơn bình thường nhưng vẫn đảm bảo có lời. Đó chính là ưu điểm của việc gia đình ông Thắng tham gia vào HTX sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Ngoài việc đảm bảo sản phẩm làm ra phải đạt yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap, hoặc cao hơn phải GlobalGap, các xã viên HTX được ký bao tiêu sản phẩm, chia sẻ những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình sản xuất, tiêu thụ.

Lợi thế của các HTX, DN sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng đã xây dựng được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm với các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, đầu ra tương đối ổn định, ngay khi cả dịch bệnh xảy ra hàng hóa vẫn được xuất đi.

Đặc biệt, tham gia vào HTX, liên kết sản xuất với DN, gia đình ông Nguyễn Văn Thắng cũng như các hộ khác còn thường xuyên nhận được thông tin rất hữu ích về dự báo thời vụ, tình hình tiêu thụ sản phẩm trên thị trường ở thời điểm hiện tại và tương lai.

Từ những thông tin này, người liên kết sẽ được lãnh đạo DN, HTX khuyến cáo việc xuống giống các loại rau, củ, quả và thời điểm gieo trồng phù hợp để không xảy tình trạng “khủng hoảng thừa” do tác động tiêu cực của thị trường.

“Do dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ nông sản giảm mạnh nên chúng tôi được lãnh đạo HTX khuyến cáo trồng các loại rau, củ trữ được dài ngày và giảm bớt diện tích xuống giống để không xảy ra cảnh đổ bỏ sản phẩm!..”, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nhưng HTX nông nghiệp Tiến Huy (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) vẫn nỗ lực thu mua, tiêu thụ sản phẩm và hạn chế tối đa thiệt hại cho bà con xã viên. Nhiều năm qua, HTX này đã hoạt động rất hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

HTX nông nghiệp Tiến Huy đã liên kết với 26 hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với gần 48ha. Khi vào HTX, người dân phải tuân thủ các quy trình sản xuất do HTX đưa ra, bắt đầu từ khâu làm đất, xuống giống, cho tới khi thu hoạch, đóng gói sơ chế để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Những hộ dân liên kết với HTX đều nhận được kế hoạch sản xuất cụ thể để đảm bảo nguồn cung cấp rau, củ, quả liên tục cho các đối tác.

Ông Võ Tiến Huy, Giám đốc HTX nông nghiệp Tiến Huy cho biết, hiện nay HTX đã tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định cho 80% nông sản liên kết với các hộ dân nên dù dịch bệnh COVID-19 bùng phát HTX vẫn hoạt động khá ổn định.

Không chỉ đầu ra, với phương châm cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận với người sản xuất, HTX nông nghiệp Tiến Huy đã thu mua nông sản của các xã viên theo giá thị trường thỏa thuận từ trước. Tới thời điểm thu hoạch, nếu giá thị trường sụt giảm 30% so với giá thỏa thuận ban đầu thì người nông dân chỉ phải chịu giảm giá khoảng 10%.

Ngược lại, nếu giá thị trường cao hơn giá thỏa thuận từ trước 30%, HTX sẵn sàng hỗ trợ giá thêm cho nông dân. “Điều này nhằm đảm bảo những nông hộ tham gia chuỗi liên kết lúc nào cũng được lợi hơn tự sản xuất đại trà… Giá cả ổn định, quyền lợi của người nông dân được đảm bảo, các xã viên yên tâm sản xuất hơn!...”, ông Huy cho biết.

Hiện trung bình, cứ 1.000m2 đất, nông dân hợp tác với HTX nông nghiệp Tiến Huy sẽ có lãi từ 100-200 triệu đồng/năm tùy vào loại cây trồng.

HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) sản xuất nông nghiệp thuê cả chuyên gia người Israel đến tư vấn để cải tiến kỹ thuật sản xuất rau, củ, quả theo hướng công nghệ cao. Cùng với việc tăng cường liên kết sản xuất với bà con nông dân, HTX còn đặc biệt chú trọng mở rộng chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, hình thành liên kết với các công ty, siêu thị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, gần đây, để đối phó với tình hình dịch bệnh COVID-19, HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH phát triển nông nghiệp cuộc sống xanh T&T và trở thành nhà cung cấp chiến lược cho DN này. Việc liên kết đã góp phần tăng số lượng thành viên của HTX lên 17 thành viên và 2 đơn vị liên doanh, nâng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao lên 37ha, sản phẩm tiêu thụ từ 1.000 tấn/năm tăng lên đến 5.000 tấn/năm.

Việc tăng cường liên kết, tiêu thụ sản phẩm trong dịch bệnh đã khiến HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú ổn định sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho các hộ liên kết, không để xảy ra tình trạng sản phẩm làm ra của các xã viên phải đổ bỏ do tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Việc tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với DN, HTX, giữa DN và DN trong tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên diện rộng không chỉ giúp ổn định duy trì sản xuất, chia sẻ rủi ro mà còn đẩy mạnh tiêu thụ, lưu thông hàng hóa, giúp người dân, DN và HTX vẫn kinh doanh có lời.

Khắc Lịch
.
.
.