Hướng đi nào cho du lịch sau đại dịch?

Thứ Năm, 11/08/2022, 08:33

7 tháng đầu năm 2022, ước tính du lịch nội địa đón 71 triệu lượt khách, vượt chỉ tiêu đặt ra cho cả năm, nhưng  du lịch quốc tế chỉ đón 733.000 lượt khách, chưa đạt 1/5 chỉ tiêu đặt ra cho năm 2022. Trong khi đó, khách quốc tế mang lại nguồn thu cao gấp nhiều lần so với khách nội địa. Làm thế nào để thu hút khách quốc tế đang là bài toán nan giải của ngành du lịch Việt hiện nay.

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện nay chúng ta đã có nhiều chính sách để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Các tổ chức quốc tế có những đánh giá tích cực và các chỉ số tìm kiếm về du lịch Việt Nam trên internet rất cao.

Tuy nhiên, số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn quá khiêm tốn. 733.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022 là tính cả khách du lịch, các nhóm chuyên gia, lao động nước ngoài và mới chỉ đạt 15% kế hoạch năm 2022, bằng 8% cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, du lịch quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động xuất khẩu tại chỗ và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Ngoài ra, du lịch quốc tế phát triển cũng giúp củng cố và phát triển mối quan hệ kinh tế với các nước trên thế giới. Mặc dù số lượng khách du lịch quốc tế thấp hơn khách nội địa nhưng lại chiếm phần lớn doanh thu toàn ngành du lịch.

Hướng đi nào cho du lịch sau đại dịch? -0
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sau đại dịch còn khiêm tốn.

Do vậy, phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam không chỉ là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp và trên 2 triệu lao động du lịch, mà còn là yêu cầu cấp bách của hàng triệu người dân và hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ trong cả nước sống dựa vào ngành du lịch.

Trong bối cảnh các thị trường truyền thống vẫn chưa sẵn sàng đưa khách đến Việt Nam, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina gia tăng, lạm phát toàn cầu, nhiều doanh nghiệp du lịch quốc tế lớn chưa thực sự phục hồi, lực lượng lao động thiếu hụt… thì ngành du lịch và hơn hết là các doanh nghiệp cần phải sớm đưa du lịch quốc tế ở Việt Nam trở lại đà tăng trưởng như giai đoạn trước đại dịch. Đó là một công việc rất quan trọng mà cả ngành phải vào cuộc.

Về phục hồi du lịch quốc tế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Phạm Văn Thủy cho biết, với tình hình phức tạp như hiện nay, nhất là khi ảnh hưởng dịch bệnh do COVID-19 chưa hết, du lịch Việt tiếp tục bị ảnh hưởng từ nhiều điều kiện khách quan khác nên sẽ rất khó đạt mục tiêu về đón khách quốc tế như đã đề ra cho năm 2022. Hiện tại, Tổng cục vẫn đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan ở nước ngoài để cùng quảng bá, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và có nhiều giải pháp khác nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam…

Nhận định du lịch Việt Nam đang phục hồi nhanh và tiếp tục khẳng định là một trong những điểm đến hấp dẫn trên thế giới nhưng TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cũng cho rằng, so với trước đại dịch, du lịch quốc tế hiện nay có nhiều thay đổi. Việc nắm bắt được thị hiếu, nhu cầu du lịch của du khách quốc tế, chuẩn bị các điều kiện cần thiết của các doanh nghiệp du lịch, điểm đến để đáp ứng được đa dạng thị trường khách, thỏa mãn các nhu cầu tiêu dùng du lịch là hết sức quan trọng.

Về giải pháp, TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định, hướng dẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh của ngành du lịch trong thời kỳ mới và tăng cường phổ biến đến các doanh nghiệp, cộng đồng kinh doanh du lịch, đồng thời tăng cường quản lý, kiểm soát việc thực hiện các quy định mới này. Chúng ta cần đổi mới chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch chủ động triển khai kế hoạch, đề án phục hồi, phát triển sản phẩm du lịch mới lạ, đặc sắc nhằm thu hút du khách.

Đối với doanh nghiệp, cần tiếp tục nghiên cứu, tạo động lực trong phục hồi, phát triển thông qua hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách và các gói, chương trình hỗ trợ như hỗ trợ vay vốn, giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế trong giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư phát triển các loại hình sản phẩm du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch trải nghiệm cộng đồng theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững; tăng cường ứng dụng công nghệ vào du lịch nhằm nâng cao hiệu quả vận hành, quản lý, tăng cường sáng tạo sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu thay đổi của du khách. Cần tăng cường hợp tác xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, thúc đẩy sáng tạo trong sản phẩm và dịch vụ du lịch, tăng sức cạnh tranh cho các điểm đến trong nước, tăng cường hợp tác, kết nối tour/tuyến, phát triển sản phẩm du lịch mới với các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh trong vùng, quốc tế.

Ngoài ra, TS Nguyễn Anh Tuấn còn đề xuất nhiều giải pháp khác, trong đó có mở đường bay thẳng quốc tế tới các điểm đến an toàn, các quốc gia đã thành công trong kiểm soát dịch bệnh; xem xét cấp, miễn thị thực đơn phương cho du khách một số nước có thị trường khách giàu tiềm năng, thúc đẩy xu hướng du lịch không tiếp xúc thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ kĩ thuật số, trí tuệ nhân tạo.

Du lịch Quảng Trị phục hồi sau đại dịch COVID-19

Ông Phạm Công Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, du lịch Quảng Trị hiện đang nỗ lực vượt khó, bước đầu đạt được một số kết quả đáng mừng. Theo báo cáo, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Trị trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt trên 772.000 lượt, trong đó khách quốc tế 1.940 lượt, khách nội địa 770.960 lượt, ước tăng 55,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị diễn ra nhiều lễ hội, sự kiện, lễ kỷ niệm trọng đại của quê hương, đất nước đã tạo cơ hội để Quảng Trị quảng bá du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước. Riêng trong tháng 7/2022, du lịch Quảng Trị đón số lượng khách tăng mạnh; 100% cơ sở lưu trú ở TP Đông Hà, thị xã Quảng Trị, biển Cửa Việt và huyện Hướng Hóa đều có khách du lịch đặt phòng kín chỗ. Bên cạnh những loại hình du lịch mang tính hoài niệm, tham quan di tích lịch sử, gần đây du lịch Quảng Trị chú trọng phát triển loại hình du lịch trải nghiệm, sinh thái nông thôn, khám phá biển đảo, núi rừng… thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Đáng chú ý, trong tháng 7/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị đã xây dựng thí điểm và đưa vào khai thác chương trình tham quan, thăm viếng một số di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh vào ban đêm nhằm tạo sản phẩm độc đáo, hấp dẫn để thu hút khách du lịch, tăng thời gian khách lưu trú, góp phần tăng doanh thu, phát triển KT-XH; bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử. Đây được xem là một điểm nhấn mới cho du lịch Quảng Trị.

Ông Phạm Công Vinh cho hay, về sản phẩm du lịch đêm, đơn vị đã chỉ đạo Hội Lữ hành Quảng Trị phối hợp các điểm di tích ở đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị và bến thả hoa sông Thạch Hãn chủ động thiết kế các chương trình tour chi tiết để chính thức đưa vào khai thác sản phẩm du lịch mới và tổ chức thực hiện theo kế hoạch. Đồng thời tích cực tuyên truyền, quảng bá và kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên toàn quốc để du khách có cơ hội đến với những trải nghiệm mới mẻ này. (T.B)​​​​​

N.Nguyễn
.
.
.