Hàng Việt đang hút các nhà thu mua quốc tế

Thứ Ba, 16/04/2024, 07:15

Với kim ngạch xuất khẩu (XK) trong Quý I/2024 đạt 93,06 tỷ USD (tăng 17% so cùng kỳ 2023), thương mại và XK của nước ta đang phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh đó do ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới, Việt Nam nổi lên là một đối tác tin cậy, có khả năng cung ứng hàng hóa chất lượng và đặc biệt là nguồn hàng không bị gián đoạn. Vì vậy, nhiều DN, tập đoàn quốc tế đã đến Việt Nam để mua hàng.

Mặc dù đến tháng 6/2024 Bộ Công Thương cùng UBND TP Hồ Chí Minh mới tổ chức chuỗi sự kiện về cung ứng hàng hóa quốc tế, nhưng hiện đã có nhiều tập đoàn phân phối và các đầu mối thu mua quốc tế như: Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Safeway (Hoa Kỳ); Falabella (Chi-lê); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); LuLu (UAE),... đã rất quan tâm đến sự kiện này.

Hàng Việt đang hút  các nhà thu mua quốc tế -0
Hàng Việt chiếm đến 95% tại hệ thống siêu thị thuộc Tập đoàn Central Retail.

Theo chia sẻ của ông Yuichiro Shiotani - Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam, với hệ thống bán hàng có trên 17 nước, Aeon đã thu mua sản phẩm của 48 nước và Việt Nam là thị trường đang rất được chú trọng. Hiện tại, Aeon đã XK chuối tươi sang Hồng Kông (Trung Quốc) và các sản phẩm may mặc, gia dụng, thanh long... và hiện đang tìm kiếm thêm những sản phẩm phù hợp để cung ứng cho các hệ thống phân phối ở nước ngoài. Theo biên bản ký kết hợp tác với Bộ Công Thương, mục tiêu đến năm 2025, Aeon sẽ XK hàng Việt 1 tỷ USD thông qua hệ thống siêu thị Aeon. Tuy nhiên ông Yuichiro Shiotani cũng cho rằng, DN sản xuất kinh doanh trong nước rất tốt, nhưng XK thì có nhiều thách thức. Bởi mỗi nước có quy định khác nhau về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm. Vì vậy để đáp ứng được các tiêu chuẩn của mỗi nước, thì DN cần nhiều thời gian, chi phí. "Bản thân tôi thấy, DN Việt Nam có khả năng đạt được các tiêu chuẩn nhưng quan trọng là DN đó có muốn đạt hay không. Thực tế có nhiều DN đối tác của chúng tôi đã đạt được các tiêu chuẩn này và XK thành công", ông Yuichiro Shiotani nói. Ông Nguyễn Đức Trọng - Trưởng phòng phụ trách phát triển nhà cung ứng mới của Tập đoàn Walmart cho biết, Walmart có khoảng 10.500 cửa hàng trên toàn thế giới. Việt Nam XK khoảng 7 tỷ USD cho các siêu thị của Walmart trên toàn cầu và là 1 trong 5 nước cung cấp hàng nhiều nhất vào Walmart. Tại Việt Nam, văn phòng thu mua của Walmart chủ yếu mua các mặt hàng: điện tử, dệt may, đồ chơi. Việt Nam đang trở thành điểm đến chiến lược cuả Walmart nên ngoài những mặt hàng "truyền thống" trên, Walmart đang mở rộng đa dạng nguồn hàng như thực phẩm, xoài đông lạnh, cà phê, trà… Những mặt hàng này đang có tiếng vang rất lớn ở thị trường Mỹ. "Việt Nam hiện nay đang là điểm đến ưa thích trong chuỗi chuyển dịch sản xuất toàn cầu của các tập đoàn lớn, tôi tin rằng các năm tới, tỷ trọng hàng "made in Việt Nam" XK sang các chuỗi siêu thị của Walmart ngày càng tăng", ông Trọng nhìn nhận.

Tuy nhiên, ông Trọng cũng nêu thực trạng là hiện nay có khoảng 500 DN tại Việt Nam đang cấp hàng cho Walmart, trong đó có nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). DN chủ là người Việt XK trực tiếp cho Walmart chiếm tỷ trọng thấp và hầu hết những DN này là những nhà cung cấp thứ cấp cuả Walmart. Nguyên nhân là do yêu cầu của thị trường Mỹ khá cao, trong khi đó DN Việt vẫn còn thiếu các điều kiện như dịch vụ. Dịch vụ ở đây không hẳn là chất lượng sản phẩm, dịch vụ giao hàng, mà còn là khả năng tìm hiểu thị trường để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng Mỹ. Do DN rất thiếu nền tảng đó, nên họ chưa có điều kiện làm việc trực tiếp với Walmart, trong khi Walmart luôn tạo điều kiện và ưu tiên làm việc trực tiếp với DN hơn là thông qua các đối tác.

Theo đánh giá của các nhà mua hàng quốc tế, Việt Nam đang trở thành công xưởng mới của thế giới, là mắt xích quan trọng và là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nếu các nhà mua hàng quốc tế muốn đa dạng hoá nguồn cung, muốn thiết kế một chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt trước những biến động của thị trường thì nên tìm tới Việt Nam. Tuy nhiên, để hàng Việt tiếp cận được trực tiếp với các nhà mua hàng quốc tế, đại diện các tập đoàn thu mua như Aeon, Walmart, Centrall Retail,… cũng khuyến cáo DN, trong xu thế tiêu dùng hiện nay các nhà thu mua quốc tế khi chọn nguồn hàng thì không chỉ dựa trên tiêu chí chất lượng sản phẩm, giá cả hay tốc độ giao hàng, mà đã thay đổi sang tiêu chí phát triển xanh, phát triển bền vững.

T.Hà
.
.
.