Doanh nghiệp xuất khẩu cần chuyển đổi sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn xanh

Thứ Năm, 29/02/2024, 08:45

Năm 2024, EU thực hiện nhiều quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững và những vấn đề phát triển xanh và sạch. Trong đó, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ thực hiện khai báo theo mẫu của EU từ tháng 6/2024... do đó, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập, đòi hỏi các nhà sản xuất, xuất khẩu (XK) phải có sự chuẩn bị và chuyển đổi sản xuất tương ứng để không bị loại khỏi cuộc chơi.

Hàng loạt quy định cần phải tuân thủ

Hiện, EU là một trong những thị trường XK top đầu của ngành thép Việt Nam. Theo nhận định, ngành thép vốn là ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, vì vậy, các DN cần hành động nhiều hơn để tuân thủ quy định mới theo Luật Bảo vệ môi trường. Nếu các doanh nghiệp (DN) thép Việt Nam không ứng phó tốt với CBAM, XK sang EU sẽ bị ảnh hưởng, nguy cơ hơn là mất thêm nhiều thị trường khác khi những quốc gia này đang xem xét áp dụng các quy định tương tự như CBAM.

Để thích ứng, đại diện Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, ngay từ đầu, Tập đoàn đã áp dụng công nghệ sản xuất tuần hoàn khép kín, hiện đại. Hòa Phát đã tính toán kỹ lưỡng và dành tới 30% vốn đầu tư cho các hạng mục môi trường. Các khu liên hợp sản xuất gang thép của Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất đều áp dụng hàng loạt các giải pháp và ứng dụng công nghệ mới nhất để tối ưu sản xuất cũng như tiết kiệm năng lượng. Mới đây, Hòa Phát được BSI xác nhận hoàn thành Báo cáo kiểm kê khí nhà kính theo Tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018. Tiêu chuẩn này là một khuôn khổ chắc chắn để thực hiện định lượng, tính toán và báo cáo phát thải, loại bỏ khí nhà kính của một DN hay một tổ chức. Đây cũng là một trong những chương trình mà DN sản xuất thép phải triển khai, làm tiền đề đáp ứng các yêu cầu khác khi XK hàng hóa ra thị trường thế giới, nhất là khu vực EU.

Doanh nghiệp xuất khẩu cần chuyển đổi sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn xanh -0
Doanh nghiệp cần xanh hoá sản xuất, xuất khẩu vào EU.

“Hiện, Công ty đã hoàn thành quá trình kiểm kê xác nhận theo ISO 14067: 2018 – Định lượng dấu vết carbon cho các dòng sản phẩm của Khu Liên hợp vào cuối tháng 1/2024. Dự kiến trong tháng 4/2024, BSI sẽ ban hành xác nhận Báo cáo Dấu vết Carbon trên sản phẩm theo ISO 14067:2018 cho các dòng sản phẩm của Hòa Phát”, đại diện Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho hay.

Trong khi đó, đối với ngành xi măng, CBAM được nhận định sẽ tác động tới hoạt động của DN. Theo ông Đỗ Tiến Trình, Tổng Giám đốc công ty xi măng VICEM Bút Sơn, các DN Việt đang đối mặt với thách thức về công nghệ, cơ chế chính sách. DN cũng đã chủ động giảm phát thải khoảng 20% carbon ra môi trường, như sử dụng bùn thải làm nguyên liệu thay thế bớt cho đất sét; đốt lò bằng rác để giảm bớt đốt than... Nhưng để XK sang EU được thuận lợi thì cần phải giảm thêm nhiều hơn nữa.

Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU, cho biết, các quy định về nhập khẩu trong năm 2024 của EU sẽ được thực hiện rất nhiều, chủ yếu liên quan đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững và những vấn đề phát triển xanh và sạch. Theo đó, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon sẽ thực hiện khai báo theo mẫu của EU từ tháng 6/2024. Các DN XK thép, xi măng, phân bón cần nghiên cứu quy định của EU để tính lượng CO2 thải ra trong quá trình sản xuất.

Đối với các nhóm sản phẩm quy định về trách nhiệm đến hạn của quy định chống phá rừng của EU cũng sẽ áp dụng từ tháng 6/2024, yêu cầu các mặt hàng liên quan như XK cà phê, đồ gỗ, cao su phải thực hiện chứng nhận chống phá rừng và bộ quy định này cũng tương đối chi tiết và kỹ thuật, đòi hỏi tất cả DN Việt có liên quan phải kê khai chuẩn bị dữ liệu... Trong năm 2024, EU tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm đối với tất cả các nhóm hàng thực phẩm nhập khẩu vào Liên minh châu Âu. Đồng thời, EU cũng dự định đưa ra các quy chế về Ecodesign (thiết kế sinh thái) trong ngành dệt may với yêu cầu giảm thiểu tối đa những vấn đề rác thải trong lĩnh vực dệt may.

Đối với mặt hàng nông sản thì chương trình “từ nông trại đến bàn ăn” cũng dự kiến đưa ra quy định về chống rác thải thực vật... Cùng với đó, ông Quân cho biết EU cũng đang tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, giám sát thương mại nhất là các vụ việc lẩn tránh thuế từ các nước thứ 3. Đồng thời, trong tháng 1, EU cũng đã ban hành rất nhiều ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hầu hết ở mức 0.01mg/1kg, phê chuẩn chương trình kiểm soát thực phẩm có nguồn gốc động vật (Việt Nam là thủy sản, mật ong – đang xem xét trứng và sữa) và các biện pháp khẩn cấp và tạm thời kiểm soát an toàn thực phẩm tại cửa khẩu.

Doanh nghiệp chủ động thích ứng

Theo ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam, DN thép cần sản xuất thép xanh. Tuy nhiên, làm thép xanh là con đường dài, đòi hỏi nguồn lực về tài chính cũng như sự chủ động của DN, nhất là khi các quy định giảm phát thải carbon vẫn còn mới. Về phía Tổng công ty Thép Việt Nam, DN sẽ cố gắng đến năm 2050 sẽ trung hòa được carbon. Hiện, DN đang nắm bắt thông tin, chuẩn bị để ứng phó bởi mục tiêu là mở rộng thêm thị trường XK. Nếu không nắm kỹ quy định sẽ khó nắm bắt được cơ hội XK trong thời gian tới, nhất là khi thị trường trong nước ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Đối với ngành may, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, thị trường EU đang có những yêu cầu về cấm tiêu huỷ hàng dệt may, điều này sẽ tác động tới các DN dệt may Việt Nam. Mới đây, rất nhiều hãng sản xuất đã trình diễn các công nghệ tái chế sản phẩm từ các sản phẩm dệt may, từ quần áo. Do vậy, DN Việt Nam phải đầu tư nghiên cứu công nghệ, nhập khẩu các thiết bị, công nghệ để sản xuất các sản phẩm tái chế từ quần áo.

Để sản xuất bền vững, xanh hóa, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, các DN buộc phải có những thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất đã giúp các DN trong ngành dệt may giảm chi phí, nâng cao năng suất, tạo ra những sản phẩm chất lượng phù hợp với xu hướng trong đó, DN đang thích nghi dần với những đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, bắt buộc sử dụng nguyên liệu tái chế...

Lưu Hiệp
.
.
.