Hàng Tết “made in Việt Nam” chiếm ưu thế

Thứ Tư, 04/12/2024, 08:27

Hàng Việt ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, đặc biệt trong dịp Tết. Điều đó cho thấy, sự chuyển đổi theo xu hướng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã hiện đại, giá cả phù hợp đã giúp cho hàng Việt đứng vững trên thị trường.

Chia sẻ với PV Báo CAND chiều 3/12, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng giám đốc Hệ thống siêu thị BRGMart cho biết, từ ngày 6/12, hệ thống siêu thị bắt đầu trưng bày hàng Tết. Năm nay, phần lớn hàng hoá phục vụ Tết là hàng Việt, chiếm hơn 80% toàn hệ thống, hàng nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 20%. Hàng Việt hay sản phẩm “made in Việt Nam” hiện chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, phong phú và hiện đại, cộng với việc các doanh nghiệp cũng quảng bá tốt trên nhiều nền tảng giúp người tiêu dùng nhận diện được tốt hơn và lựa chọn mua sắm. Về giá các mặt hàng đến thời điểm này là bình ổn, thậm chí vào dịp Tết, siêu thị sẽ triển khai nhóm sản phẩm hàng hoá không lợi nhuận như các hộp bánh, thịt… để tạo sức hút, kích cầu mua sắm.

6eea63cf-c042-41fe-8982-b97930736df5.jpg -0
Hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn.

Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cũng cho biết, sản phẩm bán tại Co.opmart hàng Việt chiếm hơn 90%. Người tiêu dùng cũng tin tưởng và lựa chọn các sản phẩm Việt, từ nông sản tới các mặt hàng thời trang, các mặt hàng thiết yếu. Theo bà Dung, người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt là do sản phẩm Việt phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân, chất lượng tốt, giá cả phù hợp với chi tiêu của các hộ gia đình. Trong dịp Tết này, các giỏ quà của siêu thị hàng Việt cũng chiếm trên 90%, với các sản phẩm đặc sản địa phương. Dự kiến, sức mua và doanh thu sẽ tăng khoảng 10% vào Tết Nguyên đán.

Chị Nguyễn Hoa, chủ cửa hàng tạp hoá ở (Hà Đông) cũng cho biết, ở khu dân cư, người tiêu dùng giờ đa phần lựa chọn hàng Việt, mẫu mã đẹp và giá cả phải chăng, phù hợp với mức sống của người dân. Hàng Việt giờ đa dạng từ các mặt hàng thiết yếu đến thời trang, tiêu dùng. Về nhập hàng Tết, chị Hoa cho biết, theo dự báo thị trường tốt hơn, nên chị cũng đã đặt hàng trước và dự kiến chỉ nhập hàng vào 3 tuần trước Tết, lúc đấy người dân mới đi mua sắm nhiều.

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Minh Hà (quận Hoàng Mai) cho biết, lựa chọn mua sắm hàng Việt là thói quen của gia đình chị, hàng Việt giờ đã đủ sức cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập và giá cả cạnh tranh, nhiều mặt hàng xuất khẩu nên lựa chọn hàng Việt là ưu tiên của nhiều gia đình. Còn chị Thanh Nga (Mỹ Đình) cho biết, hàng Việt giờ khá yên tâm về chất lượng, xuất xứ rõ ràng, giá cả cũng phải chăng. Tuy nhiên, mẫu mã nhiều sản phẩm vẫn khá bảo thủ, chưa bắt mắt.

Theo Bộ Công Thương, hàng Việt tại các các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khá cao, trên 80% tại các siêu thị; từ 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thị trường trong nước, từ đó chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, phương thức kinh doanh và xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu. Cách tiếp cận thị trường của doanh nghiệp cũng bài bản, hiệu quả hơn, vì vậy người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng đánh giá cao chất lượng, uy tín thương hiệu hàng Việt Nam.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, đến nay, các doanh nghiệp đã khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình 7-25% tùy mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán sẵn sàng phục vụ nhân dân. Hiện tại, toàn bộ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và đưa đến hệ thống phân phối.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, bên cạnh các giải pháp điều hành thị trường, dự trữ đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong dịp Tết, ngành Công Thương tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp triển khai nhiệm vụ bình ổn thị trường hàng hóa phục vụ người dân; khuyến khích hệ thống phân phối, phối hợp với các địa phương triển khai chương trình bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về ngoại thành, các khu, cụm công nghiệp phục vụ người lao động.

Đồng thời, vận động các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình hội chợ triển lãm hàng Việt gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Sở Công Thương cũng phối hợp với các lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhất là sản phẩm tiêu dùng trong dịp Tết.

Trân Trân
.
.
.