Đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị hàng Tết

Thứ Hai, 06/11/2023, 06:08

Các nhà vườn tại Đồng bằng sông Cửu Long đang tất bật chuẩn bị hàng hoá bán trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Nhà vườn mong thời tiết thuận lợi để sản xuất tăng năng suất và chất lượng, giá bán ổn định phục vụ nhu cầu khách hàng.

Làng hoa TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) đã vào vụ sản xuất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm 2024 và Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc. Bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng Phòng kinh tế TP Sa Đéc cho biết, diện tích hoa kiểng hiện nay là 950 ha, tăng hơn 222 ha so với năm 2022. Tổng diện tích hoa kiểng phục vụ Tết khoảng 100 ha các loại, chủ yếu là cúc, hồng, cát tường, vạn thọ, lan, mai... nhiều nhất là cúc mâm xôi. Các nhà vườn đã xuống giống hơn 40 ha gồm cúc mâm xôi, hạnh, hoa hồng, trong đó cúc mâm xôi hơn 266.000 chậu. Đến giữa tháng 10 âm lịch, nhà vườn tiếp tục xuống giống các loại hoa như vạn thọ, cúc các loại, thược dược, cẩm chướng…

cay trai tet 2.jpg -0
Nhà vườn ở Đồng Tháp vào vụ sản xuất hoa, kiểng phục vụ thị trường Tết năm 2024.

“Tôi xuống giống 4.000 chậu cúc các loại. Năm nay các nguyên liệu phục vụ cho trồng hoa như giỏ, tro trấu, phân rơm, vật tư nông nghiệp ổn định nên đỡ phần chi phí sản xuất. Tuy nhiên, mưa nhiều nên phải chăm sóc kĩ và bón phân thích hợp để giảm thiểu thiệt hại”, ông Lê Văn Út (xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc) nói.

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) cho hay: “Thời tiết không thuận lợi, theo dự báo các tháng cuối năm nay nhiệt độ cao và mặn đến sớm. Thời tiết khắc nghiệt sẽ làm các hộ sản xuất gặp khó khăn là hoa nở sớm nên khả năng không chỉ Chợ Lách mà cả ĐBSCL sẽ hao hụt lượng hoa so với mọi năm. Ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nhà vườn trồng hoa phải trữ nước tưới và chăm chút kỹ vườn hoa để giảm hư hại”. Dự kiến năm nay, huyện Chợ Lách sẽ cung ứng từ 18-19 triệu sản phẩm cho thị trường Tết truyền thống, gồm: cúc mâm xôi, vạn thọ, mào gà, cát tường, đồng tiền, mai vàng…

Các nhà vườn cũng đang chăm chút cho vườn cây ăn trái để có hàng bán trong dịp Tết. Lão nông Nguyễn Việt Bằng (ngụ xã Đông Thạnh, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) ngày nào cũng ra thăm vườn trồng 300 gốc vú sữa Hoàng Kim để thu hoạch đúng dịp Tết. “Có năm vào dịp Tết, vú sữa Hoàng Kim lên đến 100.000 đồng/kg, tôi không đủ bán. Hai năm nay tuy giá có hạ xuống nhưng vẫn ở mức cao, trung bình từ 45.000-50.000 đồng/kg và thường thương lái đã đặt cọc trước”, ông Bằng thông tin.

Thị trường Tết Nguyên đán hàng năm đều xuất hiện các loại trái cây “độc, lạ”. Có gần 10 năm kinh nghiệm làm trái cây tạo hình, chủ yếu là trên bưởi và dừa, ông Huỳnh Thanh Tâm (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho hay đã đầu tư nghiên cứu cải tiến khuôn tạo hình cho nở bề rộng, thay đổi phông chữ, cho ra sản phẩm đẹp hơn mẫu mã cũ. Ông Tâm bày tỏ: “Số lượng bưởi và dừa tạo hình nhiều hơn năm rồi. Bưởi tạo hình thỏi vàng, bưởi in chữ nổi Tài - Lộc… có khoảng 1.000 trái, dừa hồ lô khoảng 2.000 trái. Giá bán các sản phẩm rẻ hơn khoảng 10% so với năm rồi. Hy vọng mẫu mã mới cải tiến và giá bán rẻ sẽ kích cầu thị trường Tết”.

Như mọi năm, ông Huỳnh Công Thống (ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) sẽ cung ứng cho thị trường Tết loại cây tự lai tạo ra là nho thân gỗ. Năm nay, dự báo người tiêu dùng sẽ siết chặt chi tiêu nên ông Thống chỉ làm 150 cây để bán với giá từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng/cây. Ngoài ra, ông còn làm thêm các sản phẩm từ trái nho thân gỗ như: rượu, nước ép, nho sấy dẻo.

Văn Vĩnh
.
.
.