Hàng hóa "made in Việt Nam" đủ sức chi phối thị trường Tết

Thứ Bảy, 24/12/2022, 08:46

Trong tháng cận Tết Nguyên đán 2023, trên thị trường hàng hoá, nhu yếu phẩm phục vụ Tết khá đa dạng, phong phú. Tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ đa phần là hàng hoá Việt với chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, sức mua hiện vẫn chưa tăng.

Hiện các hệ thống phân phối, siêu thị, cửa hàng tạp hoá đã chuẩn bị đầy đủ hàng hoá để phục vụ người dân với nhiều sản phẩm thương hiệu Việt. Theo Bộ Công Thương, hiện hàng Việt đã chiếm tỷ lệ trên 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, còn tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỷ lệ này chiếm từ 60-96%.

319310702_440700451611723_1383342516152632156_n.jpeg -0
Gần Tết Nguyên đán, hàng hóa “made in Việt Nam” khá phong phú.

Tại siêu thị Co.opmart Hà Đông, các sản phẩm bánh kẹo, nước giải khát Việt được bày ở 1 khu riêng rất bắt mắt, với nhiều chương trình khuyến mại kèm theo. Về giỏ quà, siêu thị cũng có nhiều mẫu và giá thành từ 784.000 đồng tới 1,7 triệu đồng. Trong giỏ quà đa phần là sản phẩm Việt, các sản phẩm đặc sản, OCOP.  Tuy nhiên, tương tự những năm trước, các mặt hàng trong giỏ quà không có nhiều thay đổi, phổ biến vẫn là rượu vang, trà, hộp bánh, kẹo và 1 loại hạt. Tùy theo giá bán của giỏ quà mà sản phẩm được lựa chọn có thương hiệu khác nhau.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, hàng Việt Nam hiện chiếm tới hơn 90% hàng hóa đang bán tại siêu thị. Sau nhiều năm nỗ lực với những thay đổi mang tính chiều sâu, "đến nay có thể khẳng định nhiều mặt hàng "made in Việt Nam" đã đủ mạnh để chi phối thị trường Tết Nguyên đán. Không chỉ nhà sản xuất nỗ lực đầu tư, đa dạng sản phẩm, tạo nét mới trong tiêu dùng, mà quan trọng là thay đổi tâm lý "sính hàng ngoại nhập" của người tiêu dùng, hàng nội được người tiêu dùng ưu tiên chọn mua bởi sự thay đổi căn bản về mẫu mã và chất lượng", bà Dung nhấn mạnh.

Tại chuỗi siêu thị GO!, Tops Market, các loại bánh kẹo Việt như Tràng An, Hải Hà, Richy và các loại bánh mứt kẹo do trong nước sản xuất chiếm đa số. Đại diện Central Retail cho biết, các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam luôn được ưu tiên tại các vị trí trưng bày tốt trong siêu thị và được miễn phí thuê quầy kệ. Đến nay, trên 90% doanh số của hệ thống bán lẻ này đến từ hàng nội địa và hàng sản xuất trong nước. Cùng đó, doanh nghiệp cũng thúc đẩy thu mua nông sản tại các vùng miền địa phương, đặc biệt ưu tiên thu mua tại vùng miền địa phương gần vị trí siêu thị; hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp bằng việc thực hiện chính sách thu mua tận vườn và đặt đơn hàng trực tiếp với các hộ nông dân và các hợp tác xã.

Tại AEON Việt Nam, hàng Việt cũng đang tăng tỷ lệ hàng Việt Nam, đặc biệt trong dịp Tết này.

Nhiều chủ cửa hàng tạp hóa cho biết, bánh kẹo nhập khẩu mẫu mã thường rất đẹp, sang trọng biếu hay ăn đều rất được. Tuy nhiên, giá thành cũng rất cao, cùng với đó hương vị nhiều loại cũng không phù hợp với người Việt Nam. Thêm nữa, việc mua bán trên mạng cũng không biết chất lượng thực hư ra sao nên người tiêu dùng cũng e ngại khi đặt hàng. Trong khi đó, nhiều sản phẩm hàng Việt hiện mẫu mã cũng rất đẹp và chất lượng. Đặc biệt, thị trường bánh kẹo Tết năm nay với điểm nhấn là nhiều loại trà, hạt, thực phẩm chế biến sẵn gắn mác organic với mẫu mã cải tiến, giá bán khá cao, nhưng cũng được nhiều người lựa chọn.

Trong dịp Tết, ngoài thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến sẵn, người tiêu dùng thường mua sắm nhiều nhất là các mặt hàng bánh mứt kẹo, trà, nước giải khát, thực phẩm khô.

318093992_1136450083675201_1754205208412432983_n.jpeg -0
Gần Tết Nguyên đán, hàng hóa phong phú nhưng sức mua chưa tăng.

Ông Nguyễn Văn Nhượng, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đông Nam Dược Việt Nam cho biết, người tiêu dùng ngoài việc mua sắm bánh kẹo, hoa quả cho ngày Tết để biếu tặng hay về sử dụng đều hướng tới mua thêm các sản phẩm bảo vệ sức khoẻ. Nắm bắt được xu hướng đó, công ty đưa ra các dòng sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, đặc trưng của từng vùng miền Việt Nam như sản phẩm hạt ngũ cốc dinh dưỡng, trà hoa cúc, trà hoa vàng, nụ hoa tam thất, cao atiso … Cùng với đó, các hộp quà tặng cũng được thiết kế sang trọng, ấm áp và các sản phẩm đều hướng tới chăm sóc sức khoẻ.

Ghi nhận thị trường cũng cho thấy, so với Tết năm ngoái, giá hàng Tết có xu hướng tăng nhẹ, từ 5-7% tùy mặt hàng. Tuy nhiên, với một số mặt hàng, nhà sản xuất và nhà phân phối cũng liên kết để khuyến mại, giảm giá cho khách hàng. Hiện, sức mua hàng Tết trên thị trường chưa tăng cao đột biến.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết, tăng trung bình từ 15%- 30% so với Tết 2021. Các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% với kế hoạch phục vụ Tết năm 2021). Ngoài ra, Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ 131 xe chở hàng hóa thiết yếu của 23 doanh nghiệp được lưu thông 24/24h để đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết.

Rau xanh tăng giá mạnh

Trong những ngày qua, tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, rau xanh tăng giá mạnh, rau cải bắp tăng 10.000/1kg, với giá bán từ 15.000-20.000 đồng/1kg; cải thảo, hành tây, cà rốt, củ cải 15.000-20.000 đồng/1kg, tăng 5.000 đồng/1kg; khoai tây tăng 5.000 đồng 1 kg, từ 17.000 đồng/1 kg lên 20.000 -25.000 đồng/1kg tuỳ loại. Cà chua 30.000 đồng/1kg; rau muống, cải cúc, cần từ 7-8.0000 đồng/1 mớ tăng lên 12-15.000 đồng/1 mớ. Theo các tiểu thương, giá rau tăng trong thời gian qua là do thời tiết khắc nghiệt, nóng, lạnh thất thường, ít mưa, trời rét đậm khiến sâu bệnh phát triển. Dự báo từ nay tới Tết Nguyên đán 2023, rau xanh còn khan hiếm và giá cao. 

Trân Trân

Lưu Hiệp
.
.
.