Đưa nông sản lên sàn thương mại mở rộng cơ hội cho hàng Việt

Thứ Tư, 16/06/2021, 08:00
Trong thời gian qua, nhiều loại nông sản đặc sản của địa phương đang được đưa lên bán trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn tại Việt Nam và tăng được lượng hàng xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Những kết quả ban đầu cho thấy, đây là cơ hội rất lớn cho hàng Việt, bởi việc chinh phục thành công các thị trường ngách đã tạo nên một bước tiến mới cho hàng Việt trên thị trường quốc tế.


Nông sản Việt chinh phục thị trường EU

Ngày 12/6, lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương phát triển đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Lô hàng này đã tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA. Lô hàng do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ đưa sang Pháp thành công và sẽ có mặt trên kệ hàng của hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris.

Lô hàng gần 1 tấn vải thiều đầu tiên có gắn tem truy xuất nguồn gốc do Cục Xúc tiến thương mại phát triển được nhập khẩu chính ngạch qua đường hàng không vào Paris có ý nghĩa “khai thông” quan trọng cho trái vải nói riêng và nông sản Việt chất lượng cao nói chung. Trước đó, Công ty Cổ phần Pacific Foods đã chính thức xuất lô vải thiều Thanh Hà - Hải Dương đầu tiên đi Cộng hoà Séc. Lô hàng này được xuất theo Hiệp định EVFTA.

Đưa nông sản “lên sàn” đã trở thành một xu thế tất yếu của thời đại 4.0.

Dự kiến, trong tuần tới, lô vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang cũng lên đường chinh phục cộng đồng 27 quốc gia thuộc EU với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm rất khắt khe. Sau quả vải, mít, thanh long, gạo cũng sẽ được xúc tiến xuất khẩu sang EU. Cùng với vải, xoài, mít, nước mắm, gạo Việt cũng đang thành công trong việc tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do FTA và xuất thông qua thương mại điện tử.

Ông Vũ Anh Sơn – Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài suốt hơn một năm qua và đang diễn tiến phức tạp tại Việt Nam, đơn hàng vải thiều tới từ một đối tác uy tín tại Pháp đã xóa bỏ những nghi ngờ về năng lực cung cấp của Việt Nam, khẳng định thương hiệu, cũng như chất lượng quả vải Việt Nam nói riêng và hàng Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.

Trước những tín hiệu tích cực về việc xuất khẩu rau quả xuất khẩu sang EU với số lượng lớn thời gian gần đây, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của các mặt hàng rau, quả Việt Nam. Hàng Việt được miễn, giảm thuế nhập khẩu theo cam kết của EVFTA đã giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ chưa có các FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...

Để vào được thị trường EU, các lô vải thiều của Việt Nam xuất khẩu đều phải đạt chuẩn Global GAP, Vietgap và một loạt yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm của EU. Để xuất được hàng sang thị trường khó tính này, doanh nghiệp phải mất tới gần 3 năm tìm hiểu, đàm phán các thủ tục và điều kiện kỹ thuật cho việc xuất khẩu vải.

“Với tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục Xúc tiến thương mại, người tiêu dùng tại Pháp không những có thể ngay lập tức tiếp cận với thông tin sơ bộ về nhà xuất khẩu, quy trình chế biến hay các chứng nhận chất lượng của nhà xuất khẩu, mà toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình nuôi trồng, chăm sóc thu hoạch hay đóng gói đều được hiển thị rõ ràng theo trình tự thời gian. Với xu thế mới trên thế giới hiện nay là tiêu dùng có trách nhiệm, những gì tem truy xuất nguồn gốc itrace247 mang lại không chỉ đáp ứng được xu thế tiêu dùng mới ở việc minh bạch thông tin, thiết lập mối liên kết từ trang trại tới bàn ăn, mà còn mang lại hình ảnh về chính sách quản lý có chiến lược và trách nhiệm của Việt Nam”, ông Phú nhấn mạnh.

Nông sản lên sàn cần “chất lượng và mẫu mã”

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và nhằm hỗ trợ nông dân, nhiều loại nông sản theo mùa của các địa phương như: Hải Dương, Sóc Trăng, Bắc Giang… được các sàn TMĐT “ra tay” tiêu thụ giúp. Hàng trăm nghìn tấn nông sản tươi đã được tiêu thụ qua kênh này.

Mới đây, 6 sàn thương mại điện tử: Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Voso và Postmart, đã chung tay hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang. Không chỉ vải thiều, gần đây, nhiều loại nông sản tươi khác của Việt Nam, đặc biệt là rau quả như: Bí xanh Bắc Kạn; hành tím Sóc Trăng, bưởi hồng da xanh Bến Tre... cũng bước đầu được đăng bán qua sàn TMĐT.

Bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc Đối ngoại Lazada Việt Nam cho biết, việc đưa nông sản lên các sàn TMĐT đã phần nào hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm này hiệu quả hơn, đồng thời đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong nền kinh tế. Từ chiến dịch đưa sản phẩm tươi sống lên sàn, thông qua hỗ trợ về mặt công nghệ của các sàn TMĐT, không ít doanh nghiệp kinh doanh nông sản, thực phẩm tươi sống đã tiếp cận được khách hàng dễ dàng hơn, từ đó tăng doanh số.

Điều đó cho thấy, đưa nông sản “lên sàn” rõ ràng đã trở thành một xu thế tất yếu của thời đại 4.0, đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và phân phối.

Theo ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP HCM, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Te-food International, bên cạnh mẫu mã đẹp, doanh nghiệp muốn bán được hàng cần quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, giúp minh bạch xuất xứ sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và giúp doanh nghiệp thu thập được tài sản số của mình nhằm phục vụ cho việc chứng minh, đáp ứng sản xuất xanh, sạch - đòi hỏi của không ít thị trường nhập khẩu hiện nay và trong tương lai.

Bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết, năm ngoái, doanh nghiệp này bắt đầu xuất khẩu vải thiều Thanh Hà vào thị trường Nhật Bản và đã được người tiêu dùng ở nước này đánh giá cao, tiêu thụ tốt. Năm nay doanh nghiệp này dự kiến đưa khoảng 1.000 tấn vải thiều Thanh Hà tiêu thụ tại Nhật Bản.

Ngoài ra, còn xuất khẩu ở các nước Singapore, Úc, Lào, Trung Quốc. Dự kiến 200 tấn tiêu thụ trong thị trường nội địa…

Theo bà Hồng, năm nay, doanh nghiệp kết hợp tiêu thụ thêm vải thiều qua hình thức bán hàng online, khi đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, đòi hỏi một bên phải am hiểu về lĩnh vực này như cách bán hàng, tiếp thị sản phẩm… đồng thời đòi hỏi đầu tư về công nghệ và quy trình bảo quản; việc vận chuyển phải nhanh chóng. Ngoài ra, để xây dựng được uy tín trên kênh thương mại điện tử, DN phải kết hợp xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, đóng gói bao bì đẹp. Quan trọng nhất là chất lượng vải phải đồng đều theo đúng cam kết, tránh tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó”, gây ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh, việc đưa nông sản bán online sẽ tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và đặc biệt khuyến khích tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Hiện, cùng với kênh bán online trong nước, kênh thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm Việt ra thị trường nước ngoài cũng đang được đẩy mạnh.

Theo đó, Cục đang làm việc với sàn Alibaba để mở một gian hàng quốc gia, giới thiệu, quảng bá hàng Việt ra thế giới. Theo ông Phú, để xây dựng được kênh tiêu thụ bền vững, cần sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, các kênh phân phối. Trong đó, đặc biệt nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân canh tác… trong việc xác định, xây dựng thị trường tiềm năng, thị trường đích...

Theo đó, người trồng cần chú trọng hơn tới quy trình canh tác để đảm bảo chất lượng nông sản đồng đều; các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng phải cam kết chất lượng, giá... khi đưa sản phẩm lên kênh bán online, để tạo được sự tin dùng từ người mua.
Lưu Hiệp
.
.
.