Gỡ nút thắt điều hành thị trường xăng dầu
Tại tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 30/7, các chuyên gia cho rằng, để thị trường xăng dầu phát triển cần xác định rõ vai của Nhà nước và doanh nghiệp (DN) tại nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.
Ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong việc điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhất là điều hành giá đã được cơ quan quản lý thực hiện bám sát đúng quy định của các nghị định và các văn bản pháp luật hiện nay cũng như theo giá thế giới.
Từ đầu năm 2024 đến nay, diễn biến giá xăng dầu có lúc tăng, giảm. Trong đó, 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu có xu hướng tăng; từ cuối tháng 4 đến nửa đầu tháng 6, giá có chiều hướng giảm; từ nửa đầu tháng 6 đến đầu tháng 7, giá lại tăng liên tiếp 4 phiên; sau đó, 3 phiên gần đây, giá có xu hướng giảm. Đánh giá tổng quát và so sánh mặt bằng giá ở đầu tháng 1 với hiện nay thì không có nhiều biến động.
Về các yếu tố tác động đến giá xăng dầu trong nước, ông Bình thông tin, giá xăng dầu thế giới hiện nay chiếm khoảng 65-77% so với giá xăng dầu trong nước, tùy theo mặt hàng xăng dầu. Về yếu tố chi phí, thuế chiếm khoảng 12-29% giá xăng dầu. Một số yếu tố cấu thành giá nữa là lợi nhuận, hoạt động trích, chi quỹ… cũng ảnh hưởng tới giá xăng dầu. Tựu trung lại, giá thế giới là nhóm tác động lớn nhất tới giá xăng dầu.
“Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng một nghị định mới để thay thế cho các nghị định xăng dầu hiện nay, nội dung đang nghiên cứu và chúng tôi hy vọng sẽ có những bước chuyển biến trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, hướng tới hoạt động kinh doanh xăng dầu phù hợp điều kiện thực tế hiện nay”, ông Bình thông tin.
Đánh giá về vai trò điều hành giá xăng dầu của cơ quan quản lý, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho hay, Nhà nước có vai trò lớn trong việc điều hành giá xăng dầu. Điều đó thể hiện trong nhiều kỳ biến động lớn về giá xăng dầu trên thế giới, chúng ta đã có những chính sách để không tạo ra cú sốc bất thường về giá xăng dầu.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Cường, dù Nhà nước kiểm soát về giá, ấn định giá nhưng giá vẫn phải theo thế giới; việc điều hành giá vẫn mang tính chất mệnh lệnh hành chính áp đặt cho các DN kinh doanh xăng dầu. “Đối với công cụ về thuế hay sử dụng công cụ trích quỹ bình ổn, thực chất là dùng chính nguồn lực của ngân sách hoặc nguồn lực của người dân để tạo ra bình ổn giá chứ chúng ta chưa sử dụng công cụ sức mạnh của thị trường”, ông Hoàng Văn Cường nêu.
Nêu lên các “nút thắt” trong các nghị định về kinh doanh xăng dầu hiện hành, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, đó vẫn là cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, đặc biệt là vấn đề giá. “Chúng ta quy định kỹ quá, rõ ràng cơ quan quản lý Nhà nước vẫn 7 ngày phải xác định giá (theo Nghị định 95, 80), như vậy cơ quan quản lý Nhà nước làm thay cho DN, kể cả những giai đoạn giá chỉ 15.000 đồng/lít cũng vận hành đúng như thế, chế tài cũng như thế đến khi giá lên đến 33.000 đồng năm 2022 cũng chỉ có những cơ chế đó vận hành. Do vậy, việc xác định giá trong giai đoạn này là một "nút thắt" lớn nhất. Chúng ta phải có cơ chế gì để xác định cái gì thuộc về thị trường để các DN quyết định”, ông Bùi Ngọc Bảo nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, việc hoàn thiện nghị định mới về quản lý kinh doanh xăng dầu là cần thiết để phù hợp với biến động của thị trường xăng dầu hiện nay.
Trước các bất cập của thị trường xăng dầu, có ý kiến cho rằng nên thành lập sàn giao dịch xăng dầu. Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, xem xét có nên hình thành sàn giao dịch xăng dầu hay không. Sàn giao dịch đó phải bảo đảm tính minh bạch và ổn định của thị trường và trên cơ sở đó xây dựng cơ sở pháp lý như thế nào. Nếu chúng ta thành lập được sàn giao dịch xăng dầu thì rất tốt và cần thiết vì sẽ tăng cường tính minh bạch, công khai về giá cả, giao dịch, giảm thiểu rủi ro; tạo cơ hội đầu tư cho tất cả các các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có quyền tham gia.
Hiện nay, có 39 DN kinh doanh đầu mối, trong đó 6 DN lớn nhất chiếm thị phần tương đối lớn, khoảng 88%. Phần lớn các DN này đều có vốn của Nhà nước, cho nên khi có sàn giao dịch, thị phần sẽ được chia lại, các khu vực tư nhân sẽ tham gia sâu hơn vào thị trường xăng dầu…