Khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu hàng trên thị trường xăng dầu

Thứ Ba, 11/10/2022, 06:00

Thời gian qua, cùng với việc tái diễn cắt chiết khấu cho các đại lý bán lẻ xăng dầu, việc cung ứng dầu trong hệ thống lại gặp vấn đề khi nhiều đại lý, cửa hàng không thể nhập được hàng. Theo đó, nhiều cửa hàng ở phía Nam đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh xin dừng bán gia tăng.

Trong khi đó, ở khu vực phía Bắc và trên địa bàn Hà Nội, tại một số cây xăng lượng người đi đổ xăng cũng tăng lên khá mạnh, có những thời điểm người mua xăng phải xếp hàng chờ tới 10-15 phút mới tới lượt. Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp (DN) và chuyên gia cho rằng, điều hành giá xăng dầu chưa phù hợp, ảnh hưởng đến người dân và DN.

Lỗ hổng trong quản lý, điều hành

Mới đây, tập thể 36 DN kinh doanh xăng dầu ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc không tính đúng, tính đủ chi phí trong giá cơ sở, dẫn đến DN phải chịu tình trạng giá mua cao hơn giá bán.

Cùng với đó, các DN cho rằng: "Việc điều hành của Liên bộ Công Thương-Tài chính thời gian qua có vấn đề nên gây ra bất lợi đến DN dẫn đến bất ổn thị trường". Dẫn quy định tại Nghị định 95, đơn kiến nghị cho biết: "Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố".

Tuy nhiên, do cách điều hành của Liên bộ nên xảy ra tình trạng chiết khấu âm. Do đó, các DN phân phối đã tìm cách "lách" quy định để bán ra cho DN bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định.

Trao đổi với PV Báo CAND, giám đốc một DN có hệ thống 6 cửa hàng và hơn 10 cây xăng ở khu vực phía Bắc cho biết, trung bình mỗi ngày công ty nhập 5-6 xe xăng dầu tại kho ở Hải Phòng, nhưng thời gian này việc nhập hàng cũng khó khăn vì có những lúc không có hàng nhập. Có thời điểm, kho hàng báo hết hoặc tàu chưa về thì phải chờ, nhanh thì 1-2 ngày, thậm chí có lúc do ảnh hưởng của thời tiết đến cả tuần lễ. Việc chậm trễ trong nhập hàng cũng dẫn tới việc cung ứng cho các cửa hàng, đại lý bị đứt quãng trong 1 khoảng thời gian nhất định. Do vậy, DN mong rằng trong cơ quan quản lý cần giải được những điểm bất hợp lý của thị trường xăng dầu hiện nay để gỡ khó cho DN, đặc biệt là nguồn cung và vốn.

Vụ Thị trường trong nước cho rằng, nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các DN đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của DN mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định. Nhiều DN đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến DN bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các DN, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.

Trên thực tế, một nguyên nhân khiến nguồn cung bị rối thời gian qua, là do Bộ Công Thương khi xử phạt và rút giấy phép kinh doanh nhập khẩu của 7 DN đầu mối xăng dầu đã không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tính toán việc giao cho DN khác nhập khẩu cung ứng cho phần thiếu hụt này. Cùng với đó, là sự lúng túng trong điều hành của cơ quan quản lý điều hành khi thị trường xuất hiện tình trạng bất ổn nguồn cung như thời gian qua.

Ngoài ra, theo văn bản được Bộ Tài chính công bố vừa qua cho thấy có độ "vênh" về điều hành của hai cơ quan chịu trách nhiệm về điều hành giá xăng dầu. Theo Bộ Tài chính, dù là cơ quan quản lý nhưng theo thống kê, sản lượng nhập khẩu xăng dầu quý III/2022 của các DN đầu mối đã giảm khoảng 40% với xăng, giảm 35% với dầu diesel so với quý II/2022. Đây là nguyên nhân thiếu hàng tại một số đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kéo theo giảm nguồn cung trên thị trường trong nhiều tháng qua.

Đặc biệt, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý III/2022, chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu sản phẩm dù trước đó đích thân Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đã chỉ đạo các đầu mối tăng cường nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Qua đó cho thấy việc quản lý thị trường của Bộ Công Thương đang có vấn đề.

"Nhận định của Bộ Công Thương cho rằng, việc chưa điều chỉnh chi phí vận chuyển trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng dẫn đến việc phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ không có chiết khấu để đảm bảo chi phí, duy trì hoạt động kinh doanh là chưa đủ cơ sở và chưa đúng với thị trường", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

1.jpg -0
Việc nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng bán hàng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh minh họa.

Làm gì để không gián đoạn nguồn cung?

Để xử lý vấn đề này, mới đây nhất Liên bộ Công Thương - Tài chính đã phối hợp rà soát và thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước (các chi phí trong kinh doanh xăng dầu) trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10. Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu và thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn, hạn mức nhập khẩu tối thiểu (đối với các thương nhân đầu mối) đã được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2022 để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm an ninh năng lượng, kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.

Gỡ khó về vốn cho DN, Vụ Thị trường trong nước cho biết, đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi nhằm giúp tăng nguồn lực để nhập khẩu từ nước ngoài và mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, việc điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu đến cảng tuy đúng đắn trong thời điểm hiện nay song chỉ là giải pháp tạm thời, giúp giải quyết khó khăn trước mắt. Về lâu dài, cần phải có một đề án về phân phối lưu thông mặt hàng xăng dầu. Phải cắt bớt các khâu trung gian để giá bán đến người dân là giá bán cạnh tranh nhất, DN tham gia kinh doanh xăng dầu có lợi nhuận hợp lý trong chuỗi cung ứng.

Trước đó, để tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong nước, trong văn bản khẩn gửi liên Bộ Công Thương - Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ngày 2/9, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã kiến nghị liên bộ cần kịp thời điều chỉnh chi phí premium (khoản phải trả cho các nhà cung cấp xăng dầu, coi như lợi nhuận của bên bán) và chi phí vận tải, vốn là các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở nhưng chưa được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá 11/7, và bổ sung ngay vào kỳ điều hành 12/9. Việc này nhằm giảm bớt khó khăn cho các thương nhân đầu mối. Cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát ngay từ đầu nguồn thông qua việc kết nối dữ liệu từ các kho của các thương nhân đầu mối trong việc tiếp nhận hàng nhập khẩu hoặc mua từ các Nhà máy lọc dầu trong nước.

TP Hồ Chí Minh có 121 cửa hàng tạm hết xăng dầu

Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết, đến chiều 10/10 trên địa bàn thành phố có 121 cửa hàng tạm hết xăng dầu.

Trong đó, nhiều nhất là Thủ Đức (21 cửa hàng), quận 12 (17 cửa hàng), Bình Tân (15 cửa hàng), Củ Chi (14 cửa hàng), Bình Chánh (8 cửa hàng), quận 7 và Gò Vấp (7 cửa hàng), Gò Vấp (7 cửa hàng), Tân Bình (6 cửa hàng), quận 8 (6 cửa hàng), Bình Thạnh (5 cửa hàng), quận 6 (4 cửa hàng), quận 5 (2 cửa hàng), quận 10 (2 cửa hàng), còn lại các quận 3,4, 11, Tân Phú và Hóc Môn đều có 1 cửa hàng.

Bên cạnh đó, còn có 5 cửa hàng đang tạm ngưng hoạt động gồm: DNTN  Thanh Nguyệt, địa chỉ 290 Lê Văn Khương, phường Thới An, quận 12, đóng cửa, trả mặt bằng, ngưng hoạt động từ ngày 1/10; Cửa hàng xăng dầu Chi nhánh Gò Vấp, thuộc Công ty Cổ phần công nghệ an toàn dầu khí Việt Nam, địa chỉ 439 Phan Văn Trị, phường 5, quận Gò Vấp tạm ngưng để sửa chữa; Chi nhánh Công ty TNHH vận tải dầu khí Lê Hoàng, địa chỉ 1474 Tỉnh lộ 10, Tân Tạo, Bình Tân đang ngưng hoạt động xăng dầu đã được Sở Công Thương thống nhất; Công ty TNHH Xăng dầu Lê Tuấn Anh, địa chỉ 344A Tân Hòa Đông, Bình Trị Đông, Bình Tân, hết hạn hợp đồng ủy quyền; Công ty TNHH TM Tân Hiệp - Trạm xăng dầu số K23, địa chỉ 287 Kinh Dương Vương, An Lạc, Bình Tân, đang làm thủ tục giải thể.

Có 9 cửa hàng đã nhập được xăng về cửa hàng để tiếp tục kinh doanh.

T.Hà

Lưu Hiệp
.
.
.