Gỡ điểm “nghẽn” trong xuất khẩu nông sản

Thứ Sáu, 15/09/2023, 07:06

Hiện nay, Việt Nam là nhà cung ứng trong Top 3 thế giới về cà phê, lớn thứ nhất về hạt điều, lớn thứ nhất về hạt tiêu, lớn thứ ba về gạo...Dự báo cả năm 2023, nhiều khả năng XK rau quả sẽ cán mốc 5 tỷ USD.

Ngày 14/9, tại hội thảo “Đưa nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài” tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, liên tục những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông sản, thủy sản và thực phẩm duy trì tốc độ tăng trưởng trên hai con số và đạt 53,2 tỷ USD trong năm 2022, tăng xấp xỉ 10% so với 2021, trong đó có nhiều nhóm hàng có kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD. Năm 2023, bất chấp nhiều khó khăn của thị trường, kim ngạch XK các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam được dự báo vẫn sẽ vượt qua con số 50 tỷ USD.

Gỡ điểm “nghẽn” trong xuất khẩu nông sản -0
Ảnh minh hoạ.

Hiện nay, Việt Nam là nhà cung ứng trong Top 3 thế giới về cà phê, lớn thứ nhất về hạt điều, lớn thứ nhất về hạt tiêu, lớn thứ ba về gạo... Trong số các sản phẩm nông sản, rau quả là một trong những điểm sáng trong các nhóm ngành hàng xuất khẩu của cả nước. Dự báo cả năm 2023, nhiều khả năng XK rau quả sẽ cán mốc 5 tỷ USD.

Trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục vẫn là 3 thị trường XK lớn nhất. Giá trị XK sang Trung Quốc tăng 9,8%, trong khi XK Hoa Kỳ giảm 27,4% và Nhật Bản giảm 10,6%. Vì vậy, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường hấp dẫn nông sản Việt Nam nhờ nhu cầu lớn sau dịch COVID-19 cộng với lợi thế về vị trí địa lý gần, khiến chi phí logistics và rủi ro về thời gian thấp hơn các thị trường khác. 

Mặc dù, ngành nông sản Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực, nhưng thách thức vẫn còn rất lớn .Điển hình, thị trường EU, giữa tháng 5 đã ban hành đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), cuối tháng 6 ban hành Quy định Chống suy thoái rừng (EUDR). Có thể thấy, các quy định về bảo vệ môi trường tại các thị trường XK chủ lực của Việt Nam như EU, Bắc Mỹ và các thị trường Đông Bắc Á ngày càng chặt chẽ hơn. Chính phủ Hoa Kỳ và Canada cũng đang cân nhắc các cơ chế tương tự CBAM và EUDR của EU.

Với những thách thức như trên, bà Nguyễn Thảo Hiền cho rằng, để có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường thì việc chuyển đổi xanh hóa, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu và xu hướng này đang dần hình thành “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu.

T.Hà
.
.
.