FTA tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế

Chủ Nhật, 02/01/2022, 08:16

Trong năm 2021, Việt Nam trải qua một năm đầy thách thức trước đại dịch COVID-19, tuy nhiên, bằng tất cả sự nỗ lực Việt Nam vẫn được ghi nhận là điểm đến đầu tư hấp dẫn và kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt con số kỷ lục mới.

Điều đó cho thấy, Việt Nam đã ngày càng khai thác, tận dụng tốt hơn các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới để phát triển thị trường xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa, phát triển ngoại thương trong bối cảnh khó khăn, thách thức bởi đại dịch.

Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn sẽ gia tăng

Chuyên trang Vietnam Briefing của tập đoàn Dezan Shira & Associates ngày 31/12/2021 đăng bài viết nhận định các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng, lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022. Theo đó, một trong những yếu tố được cho sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 là các FTA của Việt Nam là một yếu tố thu hút các nhà đầu tư. Việt Nam sử dụng các FTA như một công cụ để tăng cường sức mạnh kinh tế và an ninh tài chính, giúp Việt Nam tiếp tục chuyển từ XK sản phẩm công nghệ thấp, hàng sơ cấp sang hàng công nghệ cao.

Ông John Campbell, Quản lý bộ phận BĐS Công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết, trong 20 năm qua, nhờ tốc độ tăng trưởng ổn định, nền kinh tế đi theo hướng xuất khẩu, sự gia tăng của các FTA, lực lượng lao động trẻ, các chính sách ưu đãi đầu tư cùng với vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất thu hút được sự chú ý nhiều nhất trong khu vực châu Á. Bất chấp một năm 2021 đầy thách thức, Việt Nam vẫn đang tiếp tục chuyển đổi từ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp có giá trị cao.

Các ngành công nghiệp giá trị thấp đang dần dần hình thành ở những khu vực khác tại Đông Nam Á, nguyên nhân là do Việt Nam không còn áp dụng các chính sách ưu đãi như trước nên việc tìm kiếm nguồn lao động cũng như đất đai giá rẻ tại Việt Nam trở nên khá khó khăn. Tuy nhiên, nhà đầu tư của những ngành công nghiệp có giá trị cao tại nước ngoài vẫn lạc quan về sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

Trên thực tế, trước sự diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phục hồi, với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Ngoài ra, cả nước còn có 1.535 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của DN với giá trị góp vốn là 5,03 tỷ USD và 2.262 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,86 tỷ USD. Điều đó cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.

“Dòng vốn FDI sẽ duy trì khả năng phục hồi nhờ 3 nguyên nhân chính. Đó là: Bất chấp những trở ngại từ các hạn chế và cấm đi lại liên quan đến COVID-19, vốn FDI vẫn chảy mạnh mẽ vào Việt Nam; XK sang Mỹ và châu Âu vẫn đang tăng mạnh, mặc dù với tốc độ chậm hơn; tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc đã được cải thiện đáng kể. “Với việc chuyển hướng trong ứng phó với đại dịch, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ và dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn sẽ gia tăng”, ông Harry Loh, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB tại Việt Nam khẳng định.

FTA tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế -0
FTA thế hệ mới là một trong những nhân tố góp phần phục hồi kinh tế và tăng trưởng sau đại dịch COVID-19.

Thúc đẩy đầu tư và xuất khẩu

Theo Bộ Công Thương, năm 2021, việc tận dụng các FTA để đẩy mạnh XK đã được thực hiện hiệu quả hơn. Ngay sau khi các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, với Kế hoạch thực thi Hiệp định đã được xây dựng kỹ lưỡng từ trước đó, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào triển khai thực hiện và đạt kết quả rất tích cực.

TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, tính đến tháng 11/2021, Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc đàm phán và ký kết thành công nhiều FTA với các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội về tăng trưởng kinh tế, đa dạng hoá thị trường XNK. Việc thực thi các FTA, đặc biệt là thương mại giữa Việt Nam và châu Âu tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, mặc dù kim ngạch XK tăng từ khi có EVFTA, nhưng doanh nghiệp (DN) Việt chưa tận dụng hết những cơ hội lớn tại thị trường tiềm năng này và vẫn đang tiếp tục mở ra cơ hội lớn cho thúc đẩy XNK của DN trong năm 2022.

“Thị trường XNK hàng hóa của Việt Nam vẫn tiếp tục được mở rộng và đa dạng hóa, sẽ có xu hướng chuyển dịch thị trường hàng hóa theo chiều sâu dưới tác động của việc thực hiện các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và các hiệp định vừa ký kết như RCEP, UKVFTA. Cùng với thực hiện các cam kết FTA với các nước châu Âu và các khu vực khác trên thế giới sẽ giúp phát triển thị trường XNK hàng hóa của Việt Nam trở nên đa dạng, cân bằng hơn và đạt hiệu quả tốt hơn”, TS Lê Huy Khôi nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) thực thi từ ngày 1/1/2022 được hy vọng sẽ là một trong những nhân tố góp phần phục hồi kinh tế và các DN Việt Nam có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch COVID-19... Theo đó, các DN Việt Nam có thể đẩy mạnh XK và mang lại hàng hóa chất lượng cao cho người tiêu dùng. Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu cao đối với nông sản XK của Việt Nam.

Lưu Hiệp
.
.
.