Thực thi các FTA sẽ giúp xuất khẩu hàng Việt tăng trưởng trong năm 2021

Thứ Tư, 30/12/2020, 08:14
Năm 2020, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, nhưng xuất khẩu của của Việt Nam vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Bên cạnh đó, việc các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là CPTPP, EVFTA đi vào thực thi sẽ là nền tảng vững chắc cho việc doanh nghiệp (DN) tận dụng cơ hội, đẩy mạnh XK vào các thị trường tiềm năng. Các FTA này sẽ là lực đẩy cho xuất khẩu bền vững trong năm 2021.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2020, dịch COVID-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, hàng loạt ngành nghề sản xuất bị đình/hoãn, chậm trả, thậm chí dừng/hủy đơn hàng khiến DN lao đao.

Đứng trước bối cảnh này, nhiều giải pháp khơi thông các thị trường có chung đường biên giới đã được mở ra như việc tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng tìm kiếm đối tác, bạn hàng trong cả chiều cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào lẫn hướng đầu ra cho sản phẩm hàng hóa.

Chính vì vậy mà không ít lĩnh vực, ngành hàng đã tìm hướng đi và “thoát hiểm” từ các thị trường ngách, sản xuất các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh mà thị trường ngoài nước đang khan hiếm như: Khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ y tế… giúp xuất siêu không những được giữ vững mà còn lập nên kỳ tích mới. Đặc biệt, cơ cấu hàng hóa XK tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng XK thô, tăng XK sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp.

Đáng lưu ý, xuất siêu ghi nhận mức kỷ lục 19,1 tỷ USD. Mức thặng dư năm 2020 cao hơn mức thặng dư năm 2019 (10,87 tỷ USD), cao hơn mức thặng dư năm 2018 (6,83 tỷ USD), gấp hơn 9 lần so mức thặng dư năm 2017 (2,11 tỷ USD) và gấp gần 11 lần so với mức thặng dư năm 2016 (1,78 tỷ USD).

Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (TCTK) cho biết, đóng góp vào sự bứt phá của kim ngạch XK có đóng góp rất lớn từ việc thực thi Hiệp định CPTPP, EVFTA. Trên thực tế, khi EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 thì kim ngạch XK của Việt Nam vào EU tăng lên đáng kể, trung bình, mức tăng khoảng 10-11% sau 3 tháng thực thi hiệp định EVFTA. 

Trong khi đó, so với các hiệp định khác, những năm đầu tiên, tỷ lệ DN tận dụng ưu đãi thuế quan chỉ chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 2-3%, nhiều là 8-9%. Điều đó cho thấy, dư địa để XK hàng hoá của Việt Nam vào EU là rất tốt, DN đã có sự chuẩn bị và tận dụng được cơ hội từ hiệp định. Theo đó, những ngành hàng như nông thuỷ sản, dày dép, dệt may… sẽ có lợi thế rất lớn trong năm 2021.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại ( Bộ Công Thương) cho biết, góp phần không nhỏ cho hoạt động XK năm 2020, là hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức thành công trên 50 hội nghị quốc tế trực tuyến và trên 500 phiên giao thương trực tuyến, phủ khắp 5 châu.

Thống kê sơ bộ, tổng số DN Việt Nam và nước ngoài được hỗ trợ kết nối trực tuyến là khoảng 100.000 lượt với đa dạng các mặt hàng như: Sản phẩm phòng dịch, nông sản, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng, đồ trang trí nội, ngoại thất và vật liệu xây dựng, giày dép, sản phẩm thể thao.

Nhận định về xuất khẩu năm 2021, TS Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) và chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đều cho rằng, trong năm 2021, các FTA sẽ tiếp tục là lực đẩy cho hoạt động XK của năm 2021.

Năm 2021, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch XK sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2020 và cán cân thương mại tiếp tục duy trì vị thế xuất siêu. Để đạt được mục tiêu này, ông Trần Thanh Hải cho rằng, Bộ Công Thương xác định thể chế là khâu đột phá quan trọng; trong đó lưu ý tới hoàn thiện hệ thống thể chế xử lý, ứng phó với các vấn đề mới chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, phòng vệ thương mại và những tác động của dịch COVID-19 với cấu trúc chuỗi cung ứng.

Đồng thời, tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực để mở rộng thị trường XK, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu; đa dạng hóa thị trường và mặt hàng XK, cơ cấu lại các ngành hàng XK hiệu quả hơn để chinh phục đỉnh cao mới. Đặc biệt, việc tháo gỡ khó khăn cho DN vẫn là ưu tiên trọng tâm.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hồi phục của các thị trường, các DN cần lưu ý tới hoạt động xúc tiến thương mại và tận dụng lợi ích từ Hiệp định EVFTA, nhất là thông qua quy tắc xuất xứ, hàng hoá có truy xuất nguồn gốc rõ ràng để tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động XK.

Lưu Hiệp
.
.
.