Dịch vụ logicstis đang cản đường xuất khẩu

Thứ Sáu, 21/01/2022, 08:23

Do tác động nặng nề của dịch COVID-19, hầu hết các thị trường xuất khẩu (XK) của doanh nghiệp (DN) trong thời gian qua đều có kim ngạch giảm.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù công tác kiểm soát dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, nhưng hoạt động sản xuất, XK của DN ở TP Hồ Chí Minh khó có thể sớm phục hồi do dịch vụ logistics gây ảnh hưởng trực tiếp đến XNK hàng hóa, khiến các các chuỗi cung ứng đối mặt áp lực lớn. Các thị trường trọng điểm của TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đang có xu hướng tăng cường áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch gây khó khăn cho hoạt động XK của DN.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, đại dịch COVID-19 đã có những thách thức rõ nét nhất đối với hoạt động XK của ngành lương thực, thực phẩm. Hoạt động XK của DN sang các thị trường lớn như Mỹ, EU... đều diễn ra rất chậm, giảm mạnh 1,6% so với năm 2020, do các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại - giao thương, phải tuân thủ các quy định về kiểm soát dịch bệnh. Trong bối cảnh kinh doanh mới, giá nguyên phụ liệu sản xuất tăng từ 15-40% so với thời điểm trước dịch và phí dịch vụ logicstis tăng cao. Đây là 2 vấn đề chính khiến các DN tỏ ra khá thận trọng trong việc nhận được đơn hàng mới.

Bà Chi dẫn chứng, từ năm 2020 cước vận chuyển hàng hóa đường biển tăng gấp 2-3 lần so với trước dịch COVID-19 và đến nay đã tăng gấp 5-6 lần thậm chí lên tới 10 lần. Cước phí từ Việt Nam đi Mỹ trước đây có giá chưa tới 2.000 USD/ container, vận chuyển 28 ngày đến nơi. Hiện nay giá tăng lên 13.000 - 15.000 USD/container, thời gian vận chuyển gần 3 tháng.

Tương tự, cước phí một container đi Nga từ 3.000 USD tăng lên 8.000 - 10.000 USD, thời gian vận chuyển hơn 3 tháng thay vì chỉ 25 ngày như trước … Việc đặt container rỗng và chỗ trên tàu cũng rất khó khăn, phải đặt chỗ trước tới vài tháng.

Giá nguyên liệu sản xuất tăng 15-40%, DN rất khó để điều chỉnh giá bán tăng tương ứng, do hầu hết các đơn hàng đã ký trước. DN phải duy trì tính cạnh tranh để giữ khách hàng và tạo việc làm cho người lao động. Việc giá thành sản xuất cao, thời gian vận chuyển kéo dài khiến cả DN XK lẫn đối tác phân phối ở nước ngoài đều rơi vào thế bị động do thời hạn sử dụng sản phẩm thực phẩm bị rút ngắn.

Dịch vụ logicstis đang cản đường xuất khẩu  -0
Xuất khẩu thời gian qua gặp khó khăn do chi phí logicstics tăng cao.

Hoạt động logictics có đóng góp rất quan trọng cho tăng trưởng XNK, là một mắc xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.  Với thị trường XK chủ lực cuả Việt Nam là Hoa Kỳ, chiếm 27% tổng giá trị XK năm 2021 (số liệu cuả Tổng Cục Hải quan).

Theo Hiệp hội Logictics TP Hồ Chí Minh (HLA), trong giai đoạn bùng phát dịch COVID -19 lần thứ tư, các tỉnh phía Nam đã áp dụng các biện pháp phòng dịch như: “3 tại chỗ”, “Một cung đường hai điểm đến”, nhà máy phong tỏa khi xuất hiện các F0… đã khiến nhiều DN ngưng hoạt động hoặc chỉ hoạt động một phần gây ra tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cảng biển, gây tỷ lệ tồn bãi, tồn kho cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các DN khai thác cảng, kho…

Còn các DN XNK thì phát sinh chi phí lưu cont, lưu kho, lưu bãi. Các biện pháp phòng chống dịch ở mỗi địa phương không nhất quán, DN không đảm bảo được sản xuất, ảnh hưởng đến cả chuỗi cung ứng. Ngoài ra, hệ thống giao thông chưa đồng bộ, thủ tục hành chính chưa thông thoáng, cùng với khó khăn do ảnh hưởng từ hoạt động hàng hải quốc tế (giá cước tàu tăng cao, thiếu container rỗng, kẹt cảng…) là những nguyên nhân khiến DN đã khó khăn, nay còn khó khăn thêm.

Bà Lý Kim Chi cho biết, trong những ngày đầu năm 2022, nhiều DN XK tại TP Hồ Chí Minh đã tất bật xuất hàng chục tấn hàng hóa sang các thị trường, dự báo một năm 2022 khá khả quan. Vì vậy, giải pháp căn cơ lâu dài là phải tổ chức  sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp hỗ trợ khác, đảm bảo các chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy. Đặc biệt, việc phát triển chuỗi dịch vụ logistics là hết sức cần thiết.

Ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logictics TP Hồ Chí Minh kiến nghị, cần tạo cơ chế đặc biệt cho các DN Việt Nam dẫn dắt thị trường, giảm chi phí logistics giúp ngành logistics Việt Nam phát triển thu hút sự quan tâm và sử dụng của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thực tế, các công ty logistics tại Việt Nam hiện chỉ mới cung cấp các dịch vụ phổ thông, cơ bản. Trong khi 65% hàng hóa NK và 73% hàng hóa XK được thực hiện bởi DN FDI. Hầu hết các gói logistics đều được chỉ định từ các gói thầu quốc tế và “miếng bánh” còn lại trong nước chỉ là một phân đoạn nhỏ trong chuỗi cung ứng.

Nhìn lại cách các công ty logistics của Châu Á phát triển, phần lớn công ty sản xuất sẽ ưu tiên công ty logistics quốc gia. “Như vậy, Chính phủ cần khoanh vùng các công ty sản xuất được xác định là mũi nhọn của quốc gia, định hướng ưu tiên hợp tác với các công ty logistics đầu ngành Việt Nam theo đúng tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng dịch vụ của công ty Việt Nam”, ông Cường nói.

Thúy Hà
.
.
.