Bàn cách khôi phục ngành logistics - “mạch máu" của nền kinh tế

Thứ Tư, 15/12/2021, 07:29

Logistics là ngành dịch vụ được ví như là những “mạch máu”của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 khiến ngành này gặp nhiều khó khăn. Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 ngày 14/12 do Bộ Công Thương tổ chức, các chuyên gia kinh tế cho rằng, giải pháp khôi phục ngành logistics đóng vai trò quan trọng trong phục hồi nền kinh tế.

Thị trường logistics “đứt gãy” vì COVID-19

Tại Diễn đàn, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cho biết, khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp (DN) logistics đang gặp phải đó là đối phó với sự gián đoạn trong chuỗi cung cấp dịch vụ để duy trì hoạt động liên tục và sự tăng phi mã của cước vận tải biển cũng như sự thiếu hụt, mất cân bằng container trên toàn thế giới. Vấn đề tổ chức sản xuất, bố trí nhân lực làm việc phù hợp mà vẫn phải đảm bảo an toàn, các quy định về phòng, chống dịch như 5K hay thực hiện 3 tại chỗ… Bên cạnh đó, DN xuất nhập khẩu Việt Nam hiện có hơn 10 loại phí phải chịu đối với một container hàng xuất như: Phí chứng từ, phí xếp dỡ, phí vệ sinh container, phí cân bằng container, phí khai trọng lượng; vấn đề tỷ giá áp tùy tiện… rất nặng nề và phiền toái.

Theo thống kê của Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), có khoảng 15% DN bị giảm 50% doanh thu so với năm 2020 và hơn 50% DN giảm số lượng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế từ 10% - 30% so với cùng kỳ năm 2020. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ tháng 11/2020, hầu hết các hãng tàu thông báo tăng giá cước vận chuyển hàng container, với mức tăng từ 2-10 lần (tùy theo chặng). Cùng với những bất cập về giá cước, phụ phí hãng tàu nước ngoài đang thu cũng trở thành gánh nặng đối với chủ hàng Việt Nam.

Hiện, có hơn 4.000 DN logistics hoạt động chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế. Các DN logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt với các DN logistics nước ngoài. Chưa kể, DN dịch vụ logistics Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 95%), nhưng đa số là các DN nhỏ và siêu nhỏ cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao, vì vậy doanh thu của các DN logistics nước ngoài luôn chiếm thị phần logistics cao hơn. Do vậy, câu chuyện số hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh đã và đang được đặt ra cho các DN. “Từ góc độ thực tế, chúng ta thấy rằng bất kỳ ngành nào cũng cần DN lớn, DN mạnh, DN đầu đàn, dù đó là ngành viễn thông, công nghiệp điện tử, ngành dệt may, da giày và ngành logistics cũng như vậy”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương khẳng định.

Theo các chuyên gia, để góp phần quan trọng vào nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và hoạt động thương mại nói riêng, các DN logistics Việt Nam cần chú trọng tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như 3PLvà 4PL, dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế, dịch vụ logistics xuyên biên giới...

2.jpg -0
Cần đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp, doanh nghiệp logistics, xuất khẩu.

Cần phát triển nhân lực ngành logistics

Phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 với chủ đề “Phát triển nhân lực logistics”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, logistics là ngành dịch vụ được ví như là những “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng DN và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHGTVT cho rằng, phát triển nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam là yếu tố then chốt nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ logistics. Do vậy, cần có kế hoạch đào tạo, có ngân sách chi cho việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao một cách bền vững. Theo đó, xây dựng trung tâm đào tạo tại 3 vùng, có sự đầu tư chuyên sâu về nguồn nhân lực ngành logistics chất lượng cao. Đặc biệt là nâng cao về năng lực CNTT cho DN và lao động. 

Tham dự diễn đàn, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, để ngành logistics phát triển trước hết cần đổi mới thay đổi tư duy, khắc phục những điểm yếu của ngành logistics Việt Nam như chi phí quá cao, chuyển đổi số trong ngành logisitc còn yếu, chậm… Do vậy, cần đẩy mạnh liên kết giữa các DN, DN logistics, xuất khẩu. Cần phải thay đổi tư duy trong cách hợp tác, phát triển và thay đổi. Vừa có giải pháp để đảm bảo vai trò giữ vững chuỗi cung ứng, và có khả năng chống chịu với đại dịch và phục hồi. Trong đó, để phát triển ngành logisics, nhân lực ngành logistic cần có sự vào cuộc của DN và các bộ ngành.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để triển khai đồng bộ kế hoạch để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistic. Các ngành cần chú trọng, trọng tâm đẩy mạnh phát triển ngành logistic, hoàn thiện thể chế. Kiên trì các giải pháp để cắt giảm chi phí cho DN, các phương thức tái cơ cấu dịch vụ, tận dụng và khai thác hiệu quả kinh tế số, chuyển đổi số. Cần đặc biệt chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics. Nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Hoạt động logistics dự báo sẽ có thay đổi lớn trong thời gian tới, đòi hỏi cần phải có sự đào tạo, kỹ năng cho lao động. Cần có giải pháp đào tạo cụ thể, đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Lưu Hiệp
.
.
.