Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và phát triển kinh tế số

Thứ Tư, 05/01/2022, 09:42

Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp (DN), chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022.

Doanh nghiệp lạc quan về sự phục hồi

Đánh giá về triển vọng kinh tế năm 2022, ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, với cách tiếp cận thích ứng an toàn để phát triển kinh tế, các địa phương thực hiện khoanh vùng nhỏ nhất, xử lý triệt để các ổ dịch.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2022, các đường bay quốc tế có thể được mở cửa trở lại và mở thêm, khách quốc tế có cơ hội đến Việt Nam và người Việt Nam có thể đi du lịch nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để ngành du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, từ đó kích thích các ngành dịch vụ khác phát triển như lưu trú, ăn uống, bán buôn, bán lẻ... Đồng thời với việc mở rộng các hình thức vận chuyển (đường bộ và đường sắt), kết nối với thương mại quốc tế sẽ linh động hơn đối với cả hàng hóa và hành khách, ngành vận tải của Việt Nam cũng sẽ có kỳ vọng tăng trưởng cao trở lại.

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và phát triển kinh tế số -0
Việt Nam đang tiếp tục được coi là một trong những thị trường năng động và hấp dẫn nhất trên thế giới.

Đặc biệt, vượt qua nhiều khó khăn, toàn ngành công nghiệp tiếp tục khởi sắc giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2021 tăng 4,82% so với năm 2020. Đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế cả nước tăng trưởng trong năm 2022. Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các DN cho biết, dự kiến quý I/2022, có 45,6% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2021; 36,1% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sau khi Chính phủ ban hành và triển khai Nghị quyết số 128 nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước đã xây dựng và triển khai kế hoạch an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái mới.

Cụ thể, hoạt động sản xuất, nhất là tại các tỉnh, thành phố tập trung phần lớn các hoạt động sản xuất công nghiệp quan trọng của cả nước như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... đã có những chuyển biến tích cực. Tại hầu hết các địa phương, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, sản xuất đã khôi phục trở lại, các DN tăng tốc sản xuất để kịp giao hàng theo các hợp đồng đã ký kết.

Để tăng tốc phát triển sản xuất công nghiệp trong năm 2022, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128.

Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng. Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công lớn, đặc biệt là các dự án về năng lượng, hạ tầng phát triển ngành nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, giao thương của nền kinh tế cũng như phát triển thị trường cho một số ngành sản xuất chủ lực như thép, cơ khí, vật liệu xây dựng, ôtô…

Thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế

TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, năm 2022, động lực tăng trưởng kinh tế sẽ là xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư công.

Về tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, năm 2022, đà phục hồi kinh tế của thế giới có thể bị chậm lại, tuy nhiên cùng với động lực từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới Việt Nam đã tham gia, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 dự báo sẽ khởi sắc. Bên cạnh đó, FDI vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, động lực tiềm năng nhất cho tăng trưởng là đầu tư công. Việc tập trung vào những công trình trọng điểm, công trình lớn, có sự lan tỏa, công trình cơ sở hạ tầng ở những vùng kinh tế trọng điểm, sẽ tạo đà cho răng trưởng kinh tế năm 2022.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) cũng kỳ vọng XK sẽ tốt lên trong năm 2022 và XK toàn ngành sẽ tăng khả quan hơn ít nhất 10%. Riêng với Thành Công, việc ký kết đơn hàng cho năm 2022 đã đến hết tháng 6/2022 và chúng tôi dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 15% so với năm 2021.

Ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, năm 2022, triển vọng kinh tế Việt Nam có 3 động lực tăng trưởng mới. Đó là động lực tăng trưởng trong lĩnh vực XK; Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ kinh tế xanh và nhu cầu trong nước. Khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao hơn và có tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, nhu cầu trong nước sẽ được thúc đẩy. Chính những yếu tố này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nền kinh tế. Năm 2022, WB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được những tham vọng đã đề ra, đó là trở thành quốc gia có thu nhập cao, thịnh vượng vào năm 2045.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, năm 2022, với kinh nghiệm phòng, chống dịch đã có, cộng với tốc độ phủ vaccine phòng COVID-19 ở mức cao, nền kinh tế Việt Nam lại có độ mở tương đối lớn đối với các nền kinh tế khu vực và thế giới, đây là cơ hội để Việt Nam tăng trưởng XK và thu hút FDI. Để đạt được mức tăng trưởng cao trong năm 2022, Việt Nam nên quan tâm nhiều hơn thúc đẩy chuyển đổi số để chuyển sang nền kinh tế số.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, thì kinh tế số, chuyển đổi số chính là giải pháp mang lại hiệu quả cao nhất. Theo đó, Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho khu vực DN, trong đó bao gồm cả những hộ kinh doanh cá thể, tạo thuận lợi tiếp cận với công nghệ, cùng với đó hình thành kho dữ liệu phục vụ cho kinh tế số, chuyển đổi số.

Ở góc độ DN, ông Đào Quang Dũng - CEO Eastern Sun cho rằng, chuyển đổi số sẽ là mũi nhọn phát triển kinh tế đất nước năm 2022 cũng như những năm tiếp theo. Theo đó, DN cần xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với tình hình mới, tái cấu trúc và tiến hành áp dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số. Tuy nhiên, quá trình hồi phục kinh tế cũng như DN còn cần đến sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước, như chính sách tài chính, đào tạo, đầu tư vào công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển và giải quyết bài toán an sinh xã hội.

Ông Michele Dercole, Chủ tịch Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam cho rằng, thị trường Việt Nam đang tiếp tục được coi là một trong những thị trường năng động và hấp dẫn nhất trên thế giới, mang đến cho các nhà đầu tư nước ngoài nhiều cơ hội thuận lợi hơn trong các lĩnh vực như công nghiệp, công nghệ cao. Đặc biệt, với các FTA thế hệ mới sẽ giúp cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn, tạo điều kiện mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam. Kết quả thu hút FDI năm 2021 đã cho thấy sự tin tưởng vào triển vọng phục hồi kinh tế nhanh của Việt Nam từ phía các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 2022, triển vọng tích cực của nền kinh tế Việt Nam rất khả quan, với dư địa tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, cảng biển, đường cao tốc, dịch vụ tài chính, hậu cần, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, bền vững sinh thái, chuyển đổi số, thương mại điện tử, du lịch… Do vậy,  trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, Việt Nam nên mở cửa trở lại với thế giới sẽ là một biện pháp rất hiệu quả để thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài.

Trân Trân
.
.
.