Trò chuyện Chủ nhật

Kinh tế số - Chìa khóa của “bình thường mới” hậu COVID

Chủ Nhật, 21/11/2021, 09:15

Việt Nam đang chuyển đổi số đến đâu, trước những khó khăn thách thức đặc thù? Chúng ta phải làm gì để biến nguy thành cơ, thúc đẩy tiềm lực để xây dựng nền kinh tế số xứng tầm hội nhập? PV Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Trưởng Bộ môn, Chuyên gia Kinh tế số - Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân xung quanh chủ đề này.          

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gây khủng hoảng toàn cầu. Song, thay vì bị ảnh hưởng, công cuộc chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số lại diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và nó đang tận dụng chính dịch bệnh để vươn lên mạnh mẽ. Đó là thay đổi công nghệ cũ bằng công nghệ số, là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet… và nó sẽ là nền kinh tế “bình thường mới” hậu COVID.

Việt Nam đang chuyển đổi số đến đâu, trước những khó khăn thách thức đặc thù? Chúng ta phải làm gì để biến nguy thành cơ, thúc đẩy tiềm lực để xây dựng nền kinh tế số xứng tầm hội nhập? PV Chuyên mục Trò chuyện chủ nhật đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Trưởng Bộ môn, Chuyên gia Kinh tế số - Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân xung quanh chủ đề này.

Kinh tế số - Chìa khóa của “bình thường mới” hậu COVID -0
TS. Nguyễn Thị Bạch Tuyết.

PV: Thưa TS, là một chuyên gia về kinh tế số, bà đánh giá 2 năm qua, kể từ khi Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN.4.0, bức tranh chuyển đổi số của chúng ta có gì tiến bộ?

TS. Nguyễn Thị Bạch Tuyết: Trước hết, phải khẳng định rằng chuyển đổi số không phải là một trào lưu thời thượng mà nó đã trở thành một mệnh lệnh chiến lược đối với cả nền kinh tế, đặc biệt là với doanh nghiệp (DN), chuyển đổi số trở thành điều kiện sống còn. Sau 2 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam ở mức khá trong khu vực ASEAN. Đại dịch COVID-19 cũng là một "cú hích" để các ngành nghề, lĩnh vực số hóa với tốc độ nhanh hơn, thể hiện rõ nhất các lĩnh vực như: Thương mại, thanh toán, giao thông, giáo dục, y tế… Về phía DN, có tới 60% DN đã thiết lập và hiện diện trên nền tảng trực tuyến để trao đổi, cung cấp hàng hóa dịch vụ với khách hàng; công ty công nghệ trong nước tăng khoảng 200% trên Sàn giao dịch chứng khoán T.P Hồ Chí Minh; DN thiết bị viễn thông - tăng lần lượt 252,1% và 189,4%. Về phía Chính phủ, cũng đã số hóa hơn 2.000 thủ tục hành chính và dịch vụ công. Năm 2019, kinh tế số Việt Nam đạt trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP); năm 2020 đạt 14 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 bứt phá lên 52 tỷ USD.

Tuy nhiên, dù phát triển nhanh, nhưng chúng ta mới chỉ vượt qua chính mình, chứ so với thế giới thì vẫn đang có nhiều hạn chế. Kinh tế số phát triển tại Việt Nam chủ yếu vẫn là nền tảng giao dịch và được phát triển dựa trên các nền tảng sáng tạo đã có sẵn của thế giới; những nền tảng phát triển bởi Việt Nam còn hạn chế, tập trung chủ yếu ở các nền tảng thương mại điện tử, khả năng cạnh tranh so với các nền tảng thương mại lớn của các tập đoàn/công ty đa quốc gia chưa thực sự cao. Với chiến lược phát triển Metaverse của các ông lớn công nghệ trên thế giới như Facebook, Microsoft, Google... nếu chúng ta không làm chủ công nghệ sẽ có nguy cơ lệ thuộc và trở thành "nô lệ" của các ông vua lớn.

PV: Vậy khó khăn, vướng mắc thực sự nằm ở đâu?

TS. Nguyễn Thị Bạch Tuyết: Thứ nhất, do đặc thù kinh tế của nước ta là nước đang phát triển có trình độ kinh tế thấp nên thể chế của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, sự chuẩn bị luôn ở thế bị động. Chính sách cũng như các thiết chế thực thi, giải quyết tranh chấp và hiệu lực của cơ quan thực thi liên quan đến phát triển kinh tế số còn yếu, chưa đồng bộ và hiệu quả nên chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển kinh tế số. Thời gian qua, do sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, kinh tế số cùng các phương thức kinh doanh và các ý tưởng sáng tạo mới xuất hiện, chưa có tiền lệ đã làm cho các cơ quan quản lý nhà nước khá lúng túng trong quản lý các hoạt động kinh tế số.

Thứ hai, do đặc thù nền kinh tế tiền mặt (sử dụng tiền mặt quá lớn) nên đây là một yếu tố thách thức đối với kinh tế số. Tiền mặt được sử dụng cho phần lớn các giao dịch thương mại điện tử là một trong những trở ngại rất lớn phát triển kinh tế số. Nó thể hiện sự thiếu niềm tin và nghi ngờ lẫn nhau và làm giảm rất nhiều khả năng kết nối thành công các giao dịch.

Thứ ba, do đặc thù kinh tế nông nghiệp chiến tỷ lệ lớn. Với trình độ quản lý yếu kém, quy mô đầu tư nhỏ, trình độ công nghệ không cao, đơn giản mà nguyên nhân cũng bởi nguồn lực tài chính hạn chế nên đây là thách thức lớn khi tham gia kinh tế số. Ngoài ra, do nhận thức về chuyển đổi số của nhiều lãnh đạo DN mới chỉ thiên về công nghệ, nhưng thực tế việc chuyển đổi phải bắt đầu từ mô hình kinh doanh và tư duy lãnh đạo. Vai trò của công nghệ thông tin chưa đi cùng các nhà quản lý về chiến lược kinh doanh của một tổ chức nên cũng trở thành thách thức lớn.

PV: Vậy theo bà, yếu kém về chuyển đổi số thực sự của chúng ta là gì?

TS. Nguyễn Thị Bạch Tuyết: Thứ nhất, về cơ sở dữ liệu chưa thống nhất, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng. Việc kết nối dữ liệu đang là bài toán khó đối với Việt Nam. Nhiều bộ, ngành, địa phương cũng xây dựng cơ sở dữ liệu nhưng còn manh mún và phân tán, thiếu sự kết nối liên thông và hiện mới chỉ có 9 trung tâm dữ liệu chuyển dụng cho DN.

Thứ hai, về an ninh mạng, bảo mật và an toàn thông tin. Nền kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, Internet luôn chứa đựng nguy cơ lớn về bảo mật, an toàn thông tin, tài chính và tính riêng tư của dữ liệu, của các chủ thể tham gia kinh tế số. Nếu không bảo đảm an ninh mạng và an toàn thông tin sẽ cản trở mục tiêu đưa kinh tế số trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế nước ta.

Thứ ba, về nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực công nghệ thông tin - nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển kinh tế số, còn ít về số lượng, chưa bảo đảm về chất lượng. Giáo dục Việt Nam chưa theo kịp xu thế phát triển của kinh tế số, kinh tế sáng tạo của trong CMCN 4.0. Vấn đề này nếu không được quan tâm đầu tư thích đáng trong thời gian tới thì sẽ là một trở lực lớn cho phát triển kinh tế số ở nước ta.

PV: Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng sẽ có những thuận lợi. Đó là gì và chúng ta nên vận dụng ra sao?

TS. Nguyễn Thị Bạch Tuyết: Thuận lợi đầu tiên phải kể đến đó là Chính phủ Việt Nam đã thể hiện rõ mong muốn tham gia khát khao tham gia nền kinh tế số. Thủ tướng Chính phủ đặt ra những mục tiêu tham vọng: Mong muốn Việt Nam đứng trong nhóm 50 quốc gia đi đầu về phát triển công nghệ thông tin ngay từ năm 2025 và tham gia sâu rộng vào nền kinh tế số với các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.

Thứ hai, Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ cao, cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Học sinh/sinh viên Việt Nam được đánh giá có nền tảng toán học và công nghệ thông tin tương đối tốt, nhanh nhạy tiếp cận với công nghệ mới, đây chính là chìa khóa thành công để thúc đẩy kinh tế số ở Việt Nam phát triển.

Thứ ba, Việt Nam có mạng lưới hạ tầng mạng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin và Internet phát triển nhanh chóng, bao phủ rộng khắp; tỷ lệ người dân sử dụng Internet và điện thoại thông minh cao, nằm trong top đầu các nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Thứ tư, chính trị của Việt Nam ổn định. Đây là yếu tố quan trọng để các DN đầu tư nước ngoài hướng đến. Các DN có yếu tố nước ngoài thường đi nhanh hơn trong tiếp cận thị trường số; đồng thời cũng mang lại thu nhập cao hơn cho người dân, dẫn đến tầng lớp trung lưu phát triển và đây thực sự là nền tảng thúc đẩy thương mại điện tử nói riêng và phát triển kinh tế số nói chung.

PV: Vậy để phát huy những thuận lợi này, chúng ta cần làm gì?

TS. Nguyễn Thị Bạch Tuyết: Cần thành lập cơ quan thiết chế chuyên trách, có thẩm quyền, trách nhiệm cao trong việc phát triển kinh tế số. Cùng với đó, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy và hỗ trợ DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ chuyển đổi, phát triển trong nền kinh tế số. Xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về phát triển các DN công nghệ, ưu tiên phát triển các DN công nghệ số, DN công nghệ cao thực hiện thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách và số hóa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các DN. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính như đơn giản hóa, số hóa, điện tử hóa, minh bạch hóa thông tin để hỗ trợ người dân và DN. Tập trung vào việc phát triển chính phủ điện tử, giao dịch điện tử và thương mại điện tử; ngân hàng điện tử. Xây dựng chính sách về tiền số phục vụ các giao dịch điện tử, thúc đẩy mạnh việc thanh toán điện tử trong nền kinh tế số.

Ngoài ra, để DN chuyển đổi số, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ. Cùng với cải cách thể chế, luật pháp, Chính phủ cần có chính sách thu hút nhân tài từ những kiều bào đang tham gia các lĩnh vực số khắp thế giới.

Thứ hai, về phía các bộ ngành: Để đảm bảo chuyển đổi số thành công, các nhà hoạch định chính sách cần nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại quốc tế trong lĩnh vực chế biến, chế tạo bằng cách nắm bắt công nghệ số, khuyến khích áp dụng công nghệ, và thu hút đầu tư để tạo điều kiện cho các DN tham gia kinh tế số, đồng thời phải đảm bảo tiếp thu và nâng cấp kỹ năng, bảo mật dữ liệu cá nhân và an ninh mạng

Thứ ba, về phía các cơ sở đào tạo: cần bồi dưỡng nhân tài trẻ có năng lực đổi mới sáng tạo về công nghệ số thông qua chương trình học bổng quy mô lớn để chuẩn bị cho sinh viên ở giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp sẵn sàng trước thời đại số; xây dựng các chương trình kết hợp phát triển kỹ năng liên quan đến kinh tế số với tài trợ và cố vấn cho các doanh nhân số; đưa công nghệ vào giáo dục từ các giai đoạn đầu để đào tạo công dân số.

Thứ tư, về phía DN: Cần phải thay đổi mô hình phát triển, cần chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng có hiệu suất cao hơn. Mô hình kinh tế truyền thống - tích lũy vốn vật chất, lợi thế về cơ cấu dân số, mở rộng công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng nhân công thấp không còn phù hợp. Mô hình phát triển cũng cần cân nhắc đến tầng lớp trung lưu, tầng lớp có trình độ thì mới nâng cao được hiệu suất và sẽ giúp nâng cao năng suất và sản lượng, cũng như cải thiện chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng tinh tế hơn. Các DN cần tích cực chuẩn bị để nắm bắt các cơ hội cũng như bảo đảm tính cạnh tranh quốc tế trong nền kinh tế số toàn cầu, phải sẵn sàng cho một tương lai kỹ thuật số với các hình thức kinh doanh mới, phải đầu tư cho hạ tầng công nghệ, cho nguồn nhân lực và cho công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Thứ năm, về phía cá nhân: Mỗi người cần xác định mình phải trở thành công dân số, theo hướng tăng tính tự học, tự cập nhật và học suốt đời. Vì theo các nghiên cứu, gần 1/3 số nghề mới hiện nay không tồn tại cách đây ¼ thế kỷ, và sau ¼ thế kỷ nữa sẽ có 60% số nghề chưa xuất hiện bây giờ. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, truyền thông cần định hướng dư luận, giúp cho các DN, người dân và toàn xã hội có nhận thức đúng về nền kinh tế số, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho thích ứng xu hướng phát triển này. Cần làm cho xã hội nhận thức được rằng Chính phủ, DN và người dân đều có trách nhiệm và vai trò riêng biệt trong nền kinh tế số.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Hà An
.
.
.