Đẩy mạnh cải cách để hấp dẫn nguồn vốn ngoại
- Nới room vốn ngoại, cơ hội dành cho chính doanh nghiệp
- Thị trường chứng khoán cần tiếp tục "giữ chân" vốn ngoại
- Vốn ngoại đổ vào địa ốc: Lo hơn mừng
Đáng ghi nhận, ngày càng có thêm nhiều dự án sử dụng công nghệ ở mức khá hoặc hiện đại, chủ yếu từ Hàn Quốc, Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển biến tích cực của một số ngành sản xuất công nghiệp (tập trung vào ngành chế biến, chế tạo) như máy tính và linh kiện, thiết bị quang học, điện thoại di động thông minh.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của doanh nghiệp (DN) ĐTNN ngày càng gia tăng theo thời gian và chiếm tỷ trọng khoảng 70% tổng KNXK cả nước; trở thành khu vực dẫn dắt về xuất khẩu. Cụ thể, KNXK của khu vực ĐTNN đạt hơn 95 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ và đã xuất siêu khoảng 12 tỷ USD. Đây là kết quả rất quan trọng, góp phần giảm mức nhập siêu cho nền kinh tế, chia sẻ cho sự nhập siêu của khối DN trong nước.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các nhóm hàng điện thoại và linh kiện, điện tử máy tính, linh kiện do DN ĐTNN sản xuất đang ở mức rất cao so với cùng kỳ năm trước. Một số DN điển hình như Samsung đã góp phần đáng kể trong tăng trưởng xuất khẩu, đạt hơn 27 tỷ USD (năm nay dự kiến đạt 30 tỷ USD). Tốc độ xuất khẩu của DN ĐTNN thuộc ngành dệt may, giày dép cũng giữ được mức tăng trưởng ổn định, với mức tăng lần lượt là 10,3% và 18,3% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, việc DN ĐTNN phát triển liên tục, sẽ kéo theo sự gia tăng về nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu, vật tư; nhất là linh kiện tại chỗ để tiết kiệm thời gian và chi phí so với phương án nhập khẩu từ nước thứ 3. Điều đó có nghĩa là DN nội địa sẽ có cơ hội tìm hiểu và trở thành nhà cung cấp cho DN ĐTNN một cách lâu dài, kết hợp tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, tất cả các chỉ số thống kê đều cho thấy, lượng vốn và hoạt động của khu vực ĐTNN vào Việt Nam đang diễn ra tích cực, đúng với nhận định gần đây của các chuyên gia rằng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế. Trước yêu cầu tăng tốc và chủ động hội nhập, các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh cải cách thể chế, từng bước áp dụng các điều kiện của một nền kinh tế thị trường đầy đủ để hấp dẫn dòng vốn ngoại.
Đồng thời, khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì Chính phủ sẽ tăng tốc cải cách thể chế kinh tế, hiện thực hóa những cam kết hội nhập trong đó có tăng tốc cổ phần hóa DN. Điều đó cũng là cơ hội cho DN trong và ngoài nước tăng cường hợp tác, mua cổ phần của nhau, tạo ra điều kiện đầu vào cho sự bùng nổ hoạt động mua bán - sáp nhập DN tại Việt Nam. Theo đó, TPP sẽ là điều kiện thuận lợi, là cú hích rất mạnh, tạo ra sức hấp dẫn về thị trường và lợi thế cho xuất khẩu đối với DN trong nước cũng như sự kết nối liên hoàn giữa các DN nội với DN ĐTNN. Theo đó, sẽ xuất hiện làn sóng ĐTNN mới, trong đó giới chuyên gia kinh tế nhận định rằng lượng vốn từ Mỹ đổ vào Việt Nam sẽ tăng rất mạnh, để sớm trở thành nhà đầu tư hàng đầu.
Bên cạnh đó, DN thuộc những nền kinh tế lớn, có sức mạnh về công nghệ như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng sẽ tăng tốc độ triển khai nhiều dự án, trong đó tập trung vào ngành công nghiệp chế tạo để mở rộng chuỗi sản xuất ở Việt Nam. Những ngành nghề có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, gạo, cà phê, nuôi trồng thủy sản, dược phẩm, du lịch giải trí, cơ sở hạ tầng, logistics… sẽ là đích nhắm của giới ĐTNN trong thời gian tới.