Nới room vốn ngoại, cơ hội dành cho chính doanh nghiệp

Thứ Hai, 10/08/2015, 09:22
Là kênh huy động vốn cho nền kinh tế, câu chuyện tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) (room) tại các công ty đại chúng- có thể lên tới 100% cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết (DN), đang mở ra cho thị trường chứng khoán (TTCK) một có hội lớn thu hút dòng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Theo các chuyên gia, việc nới room sẽ cải thiện tính thanh khoản, giúp DN thu hút vốn, đồng thời cũng là bước đi phù hợp bối cảnh hội nhập.
Một trong những vấn đề nổi cộm trên TTCK hiện nay đó là câu chuyện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo kế hoạch sắp xếp đã được duyệt, trong giai đoạn 2014 - 2015 cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 DN. Năm 2014 cả nước đã thực hiện cổ phần hóa 143 DN. Như vậy, kế hoạch năm 2015 sẽ còn phải cổ phần hóa 289 DN.

Bên cạnh đó, thống kê của Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã tung ra hơn 22.000 tỷ đồng để đầu tư ngoài ngành. Trong năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải hoàn tất việc thoái vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Điều này đồng nghĩa với TTCK sẽ có một lượng hàng hóa rất lớn.

Dù được đánh giá là những “hàng hóa tốt”, song với lượng cung quá lớn, cần phải có một lực cầu tương xứng để có thể hấp thụ. Vì thế, câu chuyện nới room cho vốn ngoại theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, được TS Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đây là “mẹo” của nhà quản lý.

Thừa nhận điều này, tiến sỹ Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch UBCKNN đánh giá, Nghị định 60 chính là giải pháp để giải tỏa vấn đề căn bản về lượng cầu cho quá trình cổ phần hóa. Bên cạnh đó, Nghị định 60 không chỉ tác động trực diện đến TTCK thông qua việc tăng thanh khoản và tăng tính minh bạch, mà còn tạo hiệu ứng cho nền kinh tế khi vai trò của TTCK được nâng lên, trở thành kênh huy động vốn cũng như phân bổ vốn hiệu quả...

Đánh giá về tiềm năng của TTCK trước dòng vốn ngoại, ông Lê Anh Tuấn- Kinh tế trưởng, Phó Tổng Giám đốc Đầu tư, Quỹ đầu tư DragonCapital cho rằng: “Cá nhân tôi đánh giá tiềm năng thị trường là rất lớn. Vốn hóa/GDP của Việt Nam hiện nay chưa tới 30% trong khi Thái Lan 110%, Indonesia khoảng hơn 50%, Singapore 130%, Philippines gần 70%. Việc nới room làm định giá Việt Nam tiệm cận hơn so với khu vực.

Tuy nhiên, xét về góc độ tổng thể vai trò TTCK trong nền kinh tế, chúng ta thường nhìn TTCK là kênh huy động vốn cho DN, nhưng chúng ta thường không nhắc tới một góc cạnh quan trọng hơn, là kênh tiết kiệm, đầu tư của dân chúng. Hiện tại người dân Việt Nam có thể gửi tiết kiệm, hoặc mua vàng, USD hay bất động sản.

2 kênh đầu tư vàng và USD chúng ta không khuyến khích, kênh đầu tư bất động sản không phải ai cũng làm được- có nghĩa là người dân Việt Nam có thể đầu tư trung và dài hạn chỉ có tiết kiệm mà thôi. Vai trò của TTCK chưa làm được kênh đầu tư tiết kiệm đó. Nhìn 500 DN đóng thuế cao nhất cho Việt Nam, số DN niêm yết rất thấp. Điều đó có nghĩa tiềm năng của TTCK đối với Việt Nam còn rất nhiều”.

Song, có một điều khiến nhiều DN lo lắng là liệu sau khi nới room, NĐTNN nắm tới 100% vốn, DN có bị thâu tóm? Trước những lo lắng này, TS Nguyễn Trí Thành cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu 100% vốn điều lệ của DN niêm yết, tuy nhiên phải hiểu Nghị định 60 đầy đủ hơn. Theo TS Nguyễn Trí Thành, vẫn có những điều kiện về nới room, không phải cứ mở là 100%. Thứ nhất là cam kết của Việt Nam về tỷ lệ sở hữu với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cam kết hội nhập.

Thứ hai là điều lệ của công ty niêm yết, Hội đồng quản trị nếu muốn “giữ mình” thì có thể ban hành điều lệ về tỷ lệ sở hữu. Trong khi đó, với tư cách đại diện một quỹ đầu tư có vai trò đưa vốn từ nước ngoài vào DN Việt Nam, ông Lê Anh Tuấn thẳng thắn: “Kinh nghiệm đầu tư hơn 15 năm của chúng tôi, ngay cả ở thị trường Thái Lan và một số nước khác cho thấy, việc nới room chưa có nước nào bị ảnh hưởng đến thị trường mà đều phục vụ phát triển kinh tế. Vì thế lo ngại thâu tóm từ bây giờ thì hơi thái quá”. 

Lệ Thúy
.
.
.