Chung tay đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Thứ Sáu, 01/04/2022, 08:42

Thời gian qua, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã phối hợp rất tốt với các địa phương, hợp tác xã trong việc đưa nông sản lên sàn. Lượng tiêu thụ cũng đã bắt đầu tăng lên qua những phiên chợ mạng, tuần lễ nông sản. Việc này góp phần mở rộng đầu ra cho người nông dân, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách thuận tiện nhất.

Gỡ khó đầu ra cho nông sản

Ông Phạm Xuân Trường, Phó giám đốc Hợp tác xã (HTX) mỳ Chũ Xuân Trường (Bắc Giang) chia sẻ, từ giai đoạn đầu được thành lập (năm 2009), HTX gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, bà con thành viên HTX luôn trăn trở đầu ra cho sản phẩm. Giai đoạn đó, bà con cũng chưa biết đóng gói, khiến sản phẩm chưa bắt mắt. Để hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản, hơn 2 năm gần đây, bưu điện tỉnh Bắc Giang đã hợp tác với HTX để đưa sản phẩm lên kinh doanh trên sàn TMĐT Postmart và một phần bán tại các bưu cục. Bán hàng trên sàn Postmart, sản phẩm được tiếp cận với khách hàng mua lẻ, các khách hàng đại lý, doanh số tăng đến 20%. Điều này cũng giúp cho HTX yên tâm sản xuất, vơi bớt nỗi lo về đầu ra cho sản phẩm. Hiện, lượng tiêu thụ qua sàn Postmart đang chiếm khoảng 10% lượng sản xuất của HTX.

Chung tay đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử -0
Ứng dụng công nghệ số bán hàng online là xu hướng cần được đẩy mạnh.

Ông Vũ Nguyên Bình, Giám đốc HTX Nông sản sạch Bình Nguyên (thôn Quý Thịnh, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn) cho biết, năm 2022, dự kiến sản lượng vải của HTX là 450 tấn. Ông mong muốn tiếp tục được kết nối qua kênh bưu điện để tiêu thụ hết sản lượng vải này. Khi bán qua sàn Postmart, người nông dân nắm được lượng hàng hoá và chuẩn bị đầy đủ lượng hàng hoá đó, tự đóng bao bì theo đúng quy cách rồi bưu điện sẽ cho người đến vận chuyển. Giá cả vải thiều cũng rất ổn định và cao hơn khoảng 30% so với phương thức cũ. Người dân Bắc Giang cũng xác định sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng vải thiều thông qua việc sản xuất theo tiêu chuẩn. Đến nay, toàn bộ 40ha vải của HTX đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và dự kiến sẽ dần chuyển đổi 10ha sang sản xuất vải hữu cơ.

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Bắc Giang cho biết, không chỉ sản phẩm mỳ Chũ mà thời gian qua, rất nhiều sản phẩm nông sản của địa phương được bán hiệu quả trên các sàn TMĐT và được khách hàng đánh giá cao. Năm 2022, khi mùa vải thiều đang đến gần, đơn vị đặt mục tiêu đưa 96.000 hộ dân lên sàn thông qua công tác mở tài khoản trên sàn; hỗ trợ, đào tạo quy cách đóng gói sản phẩm, đào tạo cho bà con nông dân tiếp cận việc kinh doanh trên sàn để đa dạng đầu ra cho sản phẩm, tiêu thụ vượt 4.000 tấn vải thiều.

Ứng dụng nền tảng số để hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho sản phẩm nông sản

Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, năm 2022, Hội Nông dân Việt Nam và Bưu điện Việt Nam đặt mục tiêu rà soát, hỗ trợ 7,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật thông tin lên sàn TMĐT Postmart.vn, miễn phí toàn bộ các loại chi phí lên sàn. Nhân viên bưu điện hỗ trợ đăng ký các công cụ thanh toán điện tử kèm theo các chính sách đào tạo, tập huấn, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Bà Vũ Thị Thư, đại diện Tiki cho rằng, Tiki đã thành công trong các thương vụ giải cứu nông sản như vải Bắc Giang... Bà cho rằng, đặc thù của nông sản nằm ở mặt vận hành. “Nếu anh chị có thể mở bán ở các thành phố lớn thì không vấn đề gì, nhưng nếu ở các tỉnh, thành xa thì phải giải quyết câu chuyện vận hành. Hơn nữa, nông sản thuộc Tiki ngon - đang là mũi nhọn, chiến lược trọng điểm của Tiki nên chúng tôi đang có chính sách có hỗ trợ lâu bền", bà Thư nói.

Về phía Amazon, ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc Khu vực phía Bắc Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội, quan trọng nhất là chúng ta cần nhân sự chuyên trách. Mặt hàng nông sản nếu muốn hướng tới người tiêu dùng nước ngoài thì cần phải xây dựng thương hiệu mới, bằng ngôn ngữ tiếng Anh chẳng hạn. Quy định của thị trường - nếu muốn bán ở Mỹ thì phải có những quy định liên quan FDA...Nhiều khi rào cản lớn nhất nằm ở trong đầu chúng ta, nếu không bắt tay vào làm thì sẽ rất khó.

Lưu Hiệp
.
.
.