Cần xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản Việt trên thị trường quốc tế

Chủ Nhật, 20/03/2022, 09:42

Nông sản của Việt Nam phong phú, đa dạng, rất được thị trường thế giới ưa chuộng, nhưng giá trị mang lại chưa cao vì sản xuất còn manh mún, chưa theo quy trình tiêu chuẩn.

Đó cũng là lý do trong thời gian qua nhiều lô hàng xuất khẩu (XK) bị trả về vì chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng, hoặc sản xuất ồ ạt không cần biết nhu cầu của thị trường dẫn đến sản phẩm không tiêu thụ được buộc phải kêu gọi “giải cứu”… Sản xuất không có quy trình tiêu chuẩn không thể xuất bán ra thị trường nước ngoài, ngay cả bán trong nước cũng rất khó…

Để sản phẩm nông sản XK được ra thị trường thế giới, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn GlobalGap, cao hơn là organic - hữu cơ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay số nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn này không nhiều nên rất khó tiêu thụ ở thị trường các nước.

Ông Trần Phong Lan, Chủ tịch HĐQT Seagull ADC cho rằng: “Đa phần các nước muốn trồng hữu cơ thì đất phải bỏ hoang 3 năm, còn Việt Nam là 2 năm. Nhưng người nông dân Việt Nam thì không thể kiếm đâu ra mảnh đất mà chưa từng canh tác hóa học. Ai cũng biết sự cần thiết phải sản xuất hữu cơ, nhưng làm sao để sản xuất được thì rất khó đối với người nông dân. Tôi làm được vì tôi là doanh nghiệp (DN), tôi có nguồn lực”.

Ông Trần Phong Lan cho biết, DN của ông bắt đầu làm tiêu chuẩn VietGap, tiếp đến GlobalGap, nói không với các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật độc hại… thay bằng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học. Điều cực kỳ quan trọng khi thực hiện tiêu chuẩn là phải ghi chép lại tỉ mỉ. Việc ghi chép đầy đủ không chỉ để các cơ quan giám sát, điều tra mà có ích cho chính DN.

DN sẽ biết sai ở đâu, có điều chỉnh cho phù hợp. Với cách làm này, một đơn vị Nhật Bản đi tìm kiếm thị trường rất ngạc nhiên khi ghé đến farm trồng dưa lưới của Seagull ADC ở Tây Ninh. Chính họ đã giúp DN làm các thủ tục để đạt chứng nhận OrganicJAS (chứng nhận hữu cơ của Nhật Bản).

hc.jpg -0
Để nông sản chiếm lĩnh được thị trường XK cần phải xây dựng được các tiêu chuẩn quốc tế.

Tại Festival lúa gạo thường niên được tổ chức tại Vĩnh Long tháng 1/2022, HTX Tấn Đạt là đơn vị đầu tiên và duy nhất ở ĐBSCL đạt 3 chứng nhận quốc tế: Chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ EU (liên minh Châu Âu), USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) và Organic JAS. Ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc HTX Tấn Đạt chia sẻ, để có được kết quả đó phải mất cuộc hành trình dài tới… một thập niên. 10 năm trước, ông Đoàn Văn Tài tự áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ trên diện tích 1ha, hai năm sau mới hoàn thiện quy trình.

Khi làm có hiệu quả, ông Tài đã vận động được 65 thành viên tham gia HTX với diện tích lên 100ha, sản xuất khép kín hoàn toàn bằng quy trình hữu cơ. Hiện, lúa sản xuất hữu cơ của HTX Tấn Đạt bán ra có lợi nhuận cao hơn 1,4-1,5 lần so với sản xuất lúa chất lượng cao thông thường. Bên cạnh đó, HTX Tấn Đạt còn nghiên cứu và chế biến trà gạo thảo dược từ gạo hữu cơ cung ứng cho thị trường từ 200-300 sản phẩm/tháng.

Xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh, sạch, không chỉ để bảo vệ sức khỏe mà còn bảo vệ môi trường. Hiện nay các nước trên thế giới cũng tăng cường NK các loại nông sản đạt các tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là hữu cơ. Bà Tường Mỹ, điều hành Công ty Yoshimi (phân phối hàng Việt Nam qua Nhật Bản) cho biết, hầu hết mặt hàng nông sản đã qua chế biến của Việt Nam khi XK qua Nhật Bản thường gặp tình trạng bị nhiễm khuẩn E.coli và chứa chất bảo quản, trong khi thị trường Nhật kiểm rất nghiêm ngặt các tiêu chuẩn.

Người Nhật thích những trái cây đông lạnh như sầu riêng, mít, nhãn và có nhu cầu nhập nhiều mặt hàng này. Tuy nhiên, lo ngại các mặt hàng này thường vướng vào chất bảo quản và nhiễm khuẩn E.coli nên Công ty Yoshimi chưa dám XK nhiều. Ngoài ra, giá nông sản Việt cao hơn gấp rưỡi so với hàng Trung Quốc tại thị trường Nhật, khiến cho hàng Việt khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc tại thị trường Nhật.

Các DN cho rằng, giá sản phẩm hữu cơ cuả Việt Nam quá cao, chưa cạnh tranh được là do còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Vì thế, một khi DN đạt được những chứng nhận quốc tế như của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… là những thị trường “khó tính” bậc nhất, thì DN cũng có thể XK vào bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tuy nhiên, với thực trạng nông sản Việt hiện nay, số DN, HTX đạt được các chứng nhận quốc tế chưa nhiều, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng khuyên DN, có thể xây dựng tiêu chuẩn LocalGap trước (vì làm tương đối dễ hơn), để làm bước đệm chuyển lên GlobalGap và bước ra thị trường thế giới. Khi DN có chứng nhận LocalGap thì sẽ được cấp một mã số riêng, mã số riêng này sẽ được các nhà phân phối bán lẻ trên thế giới tham khảo.

Thúy Hà
.
.
.