Chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường Tết
Biến động kinh tế đã và đang tác động tới thu nhập và thói quen mua sắm của người tiêu dùng (NTD). Chính vì vậy, dự báo về tình hình và xu hướng mua sắm Tết 2024 được các doanh nghiệp (DN) đặc biệt quan tâm để chủ động nguồn hàng và giá cả…
Dự báo thời điểm cuối năm, sức tiêu thụ các sản phẩm ăn liền như mì gói, bún, miến, phở… sẽ tăng. Do đó, ông Phạm Văn Nam, đại diện Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, công ty chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ cho thị trường Tết tăng khoảng 20% so với ngày thường. Để hỗ trợ giá cho NTD, sau khi Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8%, công ty cũng đã tiếp tục triển khai giảm xuống còn 5% cho một số sản phẩm mì ăn liền. Đặc biệt, tình hình hiện nay giá nguyên liệu đầu vào đều tăng, nhưng công ty vẫn nỗ lực để có giá tốt nhất cho NTD.
Ông Lương Vạn Vinh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo chia sẻ, trong những tháng đầu năm 2023 giá nguyên liệu tăng rất mạnh, chỉ “rớt” xuống khoảng 4 tháng, nhưng sau đó từ tháng 9/2023 đã bắt đầu tăng trở lại, mức tăng hơn 10%. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ chậm nên DN chưa dám tăng giá bán lẻ vì sợ khó bán trong lúc NTD đang thắt chặt chi tiêu. Hơn nữa DN vẫn còn sử dụng nguyên liệu với giá cũ, nên phần nào cũng đỡ bị áp lực.
“Trước mắt DN vẫn tiếp tục giữ giá ổn định để chờ thị trường. Chỉ đến khi nào DN không còn lợi nhuận nữa thì mới tính tới việc tăng giá sản phẩm”, ông Vinh nói. Các hệ thống bán lẻ hiện đại cũng bị áp lực bởi các nhà cung cấp liên tục đề nghị tăng giá sản phẩm vì kiềm giá quá lâu, trong khi giá nguyên liệu liên tục tăng.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart (Saigon Co.op) cho biết, đơn vị cũng đã nhận được đề nghị tăng giá từ một số nhà cung cấp. Những nhóm hàng đề nghị tăng giá là thực phẩm công nghệ do liên quan đến biến động xăng dầu, nhóm hàng tiêu thụ mạnh trong dịp Tết, hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, đơn vị không đồng ý với việc tăng giá sản phẩm nên đã cùng ngồi lại với các nhà cung cấp để có giải pháp giữ giá sản phẩm. Theo ông Thắng, dự báo giá cả của thị trường Tết năm nay sẽ tốt hơn vì sức mua đang giảm. Lượng hàng Tết tại Saigon Co.op năm nay dự kiến tăng 30% so Tết năm ngoái. Riêng nhóm hàng thiết yếu tăng khoảng 50% so với ngày thường, tăng 20-30% so cùng kỳ...
Để đánh giá đúng thị trường, đúng nhóm ngành hàng, cũng như sức tiêu thụ của NTD trong dịp Tết sắp đến, nhằm giúp DN chuẩn bị trước nguồn hàng, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam cho biết, qua khảo sát của đơn vị từ quý II_2023 đến nay cho thấy, những mối quan tâm hàng đầu của NTD có sự thay đổi lớn. Cụ thể, nếu khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì vấn đề bệnh tật, sức khỏe gia đình, an toàn thực phẩm… là những mối quan tâm hàng đầu của NTD, thì 2 quý gần đây thì vấn đề thu nhập, việc làm ổn định, là mối quan tâm hàng đầu của họ. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, không chỉ nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp cho biết gặp khó khăn tài chính (chiếm 32%) mà nhóm hộ gia đình có thu nhập cao, thu nhập trung bình cũng cho biết họ cũng khó khăn về tài chính (chiếm 26%).
Vì vậy theo bà Nga, Tết sắp tới trong bối cảnh NTD đang có nhiều lo lắng về tài chính, nên khi mua sắm họ sẽ xem xét lại mức độ quan trọng của hàng hóa và dịch vụ đối với gia đình. Những sản phẩm có tính ứng dụng cao gồm thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) sẽ được NTD chọn ưu tiên mua.