Chủ động "miễn dịch", tránh bị lừa đảo trên sàn thương mại điện tử

Chủ Nhật, 26/11/2023, 09:15

Trong mấy năm qua, thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam đã có sự phát triển mạnh, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Doanh nghiệp và khách hàng đều hưởng lợi vì có thêm 1 kênh mua bán hàng tiện lợi, năng động trên không gian mạng. Tuy nhiên, sự sôi động, thuận tiện này cũng đang bị nhiều người lợi dụng để gian lận, lừa đảo trục lợi, chiếm đoạt tiền khách hàng. Làm sao để người tham gia giao dịch TMĐT tránh bị lừa đảo, những doanh nghiệp làm ăn chân chính không bị ảnh hưởng? Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh đã có cuộc trò chuyện với Báo CAND về vấn đề này.

PV: Thưa ông, theo phản ánh, hầu hết những người tham gia giao dịch trên sàn TMĐT đều ít nhất 1 lần "dính bẫy" gian lận. Phải chăng sự phát triển nào cũng sẽ kéo theo những tiêu cực?

Ông Phan Dũng Khánh: TMĐT là xu thế tất yếu của nhân loại, và bản chất của nó là tích cực, nhưng nhiều người lợi dụng TMĐT để gian lận, lừa đảo trục lợi nên nó mới biến tướng và thành nỗi ám ảnh của khách hàng, nhất là những người mua hàng online bị lừa dẫn tới mất niềm tin. Thực sự xung quanh tôi cũng rất nhiều người bị mất tiền oan khi giao dịch TMĐT. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, khi nhu cầu tìm việc làm, mua sắm tăng cao thì các đối tượng càng đẩy mạnh hoạt động gian lận để trục lợi.

Chủ động
Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh.

PV: Ông có thể chỉ rõ những chiêu trò gian lận, lừa đảo trên sàn TMĐT?

Ông Phan Dũng Khánh: Có nhiều kiểu gian lận, nhưng phổ biến nhất, điển hình nhất là mua hàng này nhưng lại bị đổi sang hàng khác, thậm chí bị lừa đảo. Ví dụ có người mua điện thoại thì bị ship đến một cục gạch, hoặc mua quần áo thì chỉ nhận được đống vải vụn, hoặc mua quần áo hàng hiệu nhưng nhận phải quần áo kém chất lượng… Để lừa đảo, những người này mở gian hàng trên mạng. Nếu mở cửa hàng vật lý thì phải có địa điểm, trụ sở, có đăng ký, kể cả làm ăn gian lận thì vẫn có sự kiểm soát nhất định của các cơ quan chức năng trên địa bàn. Nhưng hiện nay, khi mở cửa hàng trên các sàn TMĐT, các đối tượng thường chọn những sàn có danh tiếng như Lazada, Shopee, Sendo… tự mua bán trực tiếp với khách hàng trên không gian mạng. Nhiều người để bán được hàng đã bỏ tiền mua view ảo, like ảo, làm giả các comment đánh giá tốt về các sản phẩm của mình.

Ngoài ra, lợi dụng những người nổi tiếng quảng cáo giùm, thuê siêu xe, biệt thự chụp hình đăng lên để quảng cáo trên các mạng xã hội như Facebook, Tik Tok, Youtube, Zalo… Thường người mua hàng luôn có tâm lý thích tham khảo bằng cách tìm review của các khách mua trước. Những người bán đã đánh vào tâm lý này nên tìm mọi cách để "bẫy" khách. Tuy nhiên, "chiêu" này cũng bị nhiều người cảnh giác, vì thường những kẻ lừa đảo sẽ chỉ tồn tại gian hàng một thời gian ngắn rồi biến mất, vì thế, nhiều người có kinh nghiệm thường chọn xem lịch sử bán hàng, gian hàng nào có "thâm niên" thì càng có độ uy tín. Nắm bắt được tâm lý mới, những kẻ lừa đảo đã có hiện tượng dùng tiền mua công nghệ để làm giả lịch sử.

Một hình thức nữa cũng khá phổ biến đó là thông báo đến người dân về việc trúng thưởng, quà tặng có giá trị cao, khuyến mại lớn để lừa nạn nhân nhằm đánh cắp thông tin tài khoản và tài sản (thường yêu cầu người nhận phải đặt cọc một số tiền nhất định) thông qua các trang web giả mạo. Các đối lượng sử dụng các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, Messenger, website…

PV: Như vậy thì người tiêu dùng "giữa muôn trùng vây", khôn ngoan cũng khó tránh khỏi bẫy lừa đảo, thưa ông?

Ông Phan Dũng Khánh: Đúng là quá tinh vi, vì có những đối tượng lừa đảo còn cao tay hơn, thay vì mở cửa hàng trên sàn TMĐT uy tín, họ còn tự mở cả sàn TMĐT với cái tên tương tự, nhập nhèm để đánh lừa khách hàng. Những sàn này bán hàng thì 100% là lừa đảo. Ví dụ một chai rượu ngoại có giá nhiều triệu đồng được các đối tượng mua vỏ chai, hộp chai cũ, về "mông má" lại, rồi đổ vào đó những chất lỏng khác nhau như nước lọc, nước pha màu… để lừa khách hàng. Giá bán dĩ nhiên "mềm" hơn so với giá thị trường nên sẽ dễ hút khách.

Một hình thức nữa là liên kết với những kẻ bán hàng đa cấp. Lúc này, người tiêu dùng nếu mua hàng sẽ dễ "dính" những hàng giả và hàng không thật về giá trị. Còn loại cao cấp hơn nữa là mở hẳn sàn tài chính, công ty uy tín, ví dụ sàn chứng khoán quốc tế, sàn giao dịch ngoại hối… khiến cho người tiêu dùng bị rơi vào "ma trận", không biết đâu là đúng, đâu là sai khi tham gia và dễ bị lừa. Điều này cho thấy thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi. Nhất là khi công nghệ AI phát triển như hiện nay, các đối tượng sẽ có rất nhiều cách để lừa đảo, ví dụ như sử dụng deepfake (giả mạo khuôn mặt) để lừa đảo qua các cuộc gọi có hình ảnh. Và với sự phát triển vượt bậc của công nghệ theo thời gian, phía trước sẽ còn rất nhiều chiêu trò lừa đảo, gian lận trên TMĐT khác nữa.

Chủ động
Gian lận thương mại điện tử gây lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội. Ảnh minh họa.

PV: Theo phản ánh của một số người tham gia TMĐT, không chỉ mua hàng, mà họ còn bị lừa đảo khi tìm việc?

Ông Phan Dũng Khánh: Khi kinh tế khó khăn, nhiều người thất nghiệp, nhu cầu tìm việc làm và kiếm thêm thu nhập tăng cao, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều người có tư tưởng thích việc nhẹ lương cao và ngại những công việc làm trực tiếp sẽ khiến họ rườm rà trong hồ sơ, thủ tục cũng như thời gian nên dễ bị các đối tượng lừa đảo. Những đối tượng này sẽ đưa ra những công việc "ngon ăn" đến mức chỉ cần đọc bài viết, like dạo và kiểm soát các bình luận, trả lời comments. Công việc nghe rất "công nghệ" nhưng thực tế là ảo. Thậm chí có người còn được phân công trả lời điện thoại của khách hàng. Lúc này, những người tham gia vô tình trở thành tiếp tay cho các gian lận TMĐT. Đáng nói là để tham gia, khách hàng phải nộp một số phí nhất định như phí xin việc, phí chụp ảnh… Các đối tượng khi lấy được tiền sẽ "bùng". Hay quảng cáo trên các website, các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber về việc "Tuyển người mẫu nhí tham gia chụp ảnh làm đại diện thương hiệu". Sau đó, sử dụng nhiều thủ thuật khác nhau để lừa đảo người dân, doanh nghiệp.

PV: Khi bị lừa, khách hàng dĩ nhiên là sẽ bị thiệt hại. Ông có thể lượng hóa mức độ thiệt hại này?

Ông Phan Dũng Khánh: Thiệt hại nặng nhất là những sàn liên quan đến tài chính. Vì ở đó, con số lừa đảo mỗi vụ có thể lên tới hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là những sàn giao dịch TMĐT bán lẻ không gây thiệt hại lớn, vì dù mỗi món đồ giá trị cũng chỉ vài triệu, thậm chí vài chục triệu thôi, nhưng nếu nhiều người sập bẫy thì con số sẽ rất lớn. Chưa kể, việc bán hàng gian dối sẽ gây mất niềm tin đối với người tiêu dùng, ảnh hưởng đến hoạt động TMĐT là một xu thế phát triển tất yếu của thời đại. Mở rộng ra với nền kinh tế, việc bán hàng lừa đảo, gian lận, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan sẽ gây lũng đoạn thị trường, gây cạnh tranh không công bằng đối với những nhà sản xuất chân chính, chưa kể nó sẽ gây mất an ninh trật tự xã hội…

PV: Vậy để làm trong sạch môi trường TMĐT, đồng thời tránh thiệt hại khi tham gia giao dịch, người dân phải làm gì, thưa ông?

Ông Phan Dũng Khánh: Trước tiên, khi mua hàng nên tỉnh táo và sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Người dân không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán. Người dân tuyệt đối không tham gia vào các nhóm tuyển cộng tác viên online khi chưa có thông tin xác thực, đặc biệt là thông tin chính thức từ các thương hiệu. Cùng với đó, không cung cấp những thông tin cá nhân cho người lạ, người không quen biết trên không gian mạng; không kết bạn, không vào các nhóm Zalo, Facebook, Viber… khi không quen biết. Không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, không tham gia các sàn giao dịch ảo, đầu tư tài chính tiền ảo, tài sản ảo trái phép, chưa được cấp phép. Một điểm quan trọng nữa đó là người dân, doanh nghiệp cần tự bảo vệ mật khẩu, khóa mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình. Ngoài ra, không cung cấp các thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho các đối tượng không quen biết; thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền; tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ các thông tin có liên quan đến tài khoản ngân hàng, mật khẩu tài khoản (mã OTP) cho bất kỳ ai.

Riêng với người xin việc, phải xem mục đích công việc là gì, của công ty nào, có hợp pháp hay không. Để làm được điều này, yêu cầu đối tượng cung cấp thông tin để mình nắm bắt. Thường các đối tượng lừa đảo nhỏ lẻ kiểu này đều làm theo kiểu "ăn xổi ở thì", sẽ không có chuẩn bị sẵn những giấy tờ thông tin kiểu này, rất dễ bị lộ. Theo tôi, nếu người tiêu dùng nào thực hiện thì sẽ "lật mặt" được 80% những kẻ lừa đảo trên TMĐT. Ngoài ra, người tiêu dùng phải tự trang bị cho mình kiến thức khi tham gia TMĐT, cập nhật các thông tin, chính sách của nhà nước, tiếp thu những cảnh báo của các cơ quan chức năng, truyền thông chính thống, chọn lọc thông tin, đừng nghe những chuyên gia Youtube, Tiktoker không có chuyên môn, trình độ ngồi "phán". Tóm lại phải tự mình nâng cao trình độ, chủ động "miễn dịch" để đối phó với lừa đảo.

PV: Còn trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý?

Ông Phan Dũng Khánh: Cần sớm ngăn chặn để sự lừa đảo không ngày càng phình to, lúc đó rất khó để xử lý. Một lỗ nhỏ cũng có thể làm đắm thuyền, nếu không ngăn chặn sẽ ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế. Trước tiên, cần hoàn thiện cơ chế quản lý, các quy định điều chỉnh phải thay đổi theo kịp đời sống. Người làm pháp luật phải cập nhật kiến thức. AI và công nghệ là sự phát triển của nhân loại, phải theo kịp thế giới, nhưng kéo theo đó là những mặt tiêu cực, rủi ro thì chúng ta phải phòng bị, ngăn chặn. Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, hiện đại hơn thì mình cũng phải hiện đại hơn để đối phó. Tội phạm trên mạng sẽ khó nắm bắt hơn ngoài đời, vì nhiều khi nó cũng vô hình, chưa kể còn có các yếu tố hợp tác quốc tế, xuyên biên giới. Ví dụ vụ lừa đảo diễn ra ở Việt Nam, nhưng đối tượng lừa đảo lại ở châu Âu hay châu Mỹ… sẽ rất khó khăn trong quá trình xử lý tội phạm. Vì vậy, để đối phó, không thể riêng một quốc gia nào mà phải hợp tác với nhau, liên kết với nhau…

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà An
.
.
.