Cần thay đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn
Ngày 8/4 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành sản xuất đồ uống có cồn tại Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách”.
Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM, nghiên cứu được CIEM thực hiện trong bối cảnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành với đồ uống có cồn – phương pháp thuế tương đối - được đánh giá là chưa thực sự hiệu quả trong việc giảm lượng tiêu thụ đồ uống có cồn, bảo vệ sức khỏe người dân cũng như đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nhất là khi khu vực đồ uống có cồn phi chính thức vẫn đang chiếm tới 63% tổng khối lượng lít cồn nguyên chất được tiêu thụ.
Ngoài ra, thuế tương đối cũng không phù hợp với thực tiễn quốc tế khi phần lớn các nước phát triển, các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á đã chuyển sang thuế tuyệt đối (tính trên lít cồn hoặc lít sản phẩm) hoặc thuế hỗn hợp (kết hợp giữa thuế tương đối và thuế tuyệt đối).
Mặt khác, ở Việt Nam hiện còn thiếu các nghiên cứu định lượng nhằm chỉ ra mô hình thuế nào là phù hợp, giúp Nhà nước đạt được các mục tiêu chính sách và quan trọng hơn, tác động của mô hình đó đối với giảm mức tiêu thụ ra sao, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách như thế nào.
Kết quả nghiên cứu của CIEM đã chỉ ra tính ưu việt của mô hình thuế hỗn hợp – kết hợp phương pháp thuế tương đối trên giá bán buôn và phương pháp thuế tuyệt đối trên từng lít sản phẩm tiêu thụ hoặc lít cồn nguyên chất – so với phương pháp thuế tương đối hiện hành trong việc giảm tiêu thụ đồ uống có cồn gây hại, ổn định nguồn thu ngân sách. Cụ thể, phương pháp thuế hỗn hợp sẽ giúp tăng thu ngân sách khoảng 25% so với phương pháp thuế tương đối hiện hành và mức tiêu thụ toàn ngành sẽ giảm 5%.
Trên cơ sở đó, CIEM khuyến nghị Chính phủ nên ổn định môi trường chính sách trong những năm tới, đặc biệt là chính sách thuế, nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau nhiều năm chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh quản lý khu vực phi chính thức sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu chính sách nhằm giảm lạm dụng đồ uống có cồn nói chung, tăng thu ngân sách, và vẫn đảm bảo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp.
Ngoài ra, trong tương lai dài hạn, nhằm phục vụ cho việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, báo cáo nghiên cứu cũng khuyến nghị Chính phủ cân nhắc áp dụng phương pháp đánh thuế hỗn hợp dựa trên lít cồn nguyên chất thay vì thuế tương đối do tính ưu việt của mô hình thuế này trong việc giúp đạt được các mục tiêu chính sách cũng như phù hợp với bối cảnh và khả năng thích ứng của Việt Nam.