Có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước hoa, mỹ phẩm, điện thoại?

Thứ Năm, 09/05/2019, 09:17
Đây là câu hỏi được đặt ra khi UBND TP Hồ Chí Minh gửi tới Bộ Tài chính góp ý cho dự thảo "Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách Nhà nước", trong đó địa phương này muốn mở rộng cơ sở thuế tiêu dùng bằng cách đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với một loạt hàng hóa, trong đó có nước hoa, mỹ phẩm và điện thoại.


Đề xuất mở rộng cơ sở thuế tiêu dùng

UBND TP Hồ Chí Minh đưa ra các đề xuất liên quan đến 3 vấn đề về thuế TTĐB, thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Về thuế TTĐB, quan điểm của UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng có thể nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB đối với một số hàng hóa, dịch vụ sau: điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ. Nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ nên được bổ sung vào diện chịu thuế TTĐB, vì loại hàng hóa, dịch vụ này thuộc nhóm khá cao cấp, qua đó, giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên.

Đối với các hàng hóa, dịch vụ còn lại trong đề xuất trên tuy không phải là hàng hóa, dịch vụ cao cấp song cũng không phải là hàng hóa, dịch vụ rất thiết yếu, cần phải đưa vào diện chịu thuế TTĐB để hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý. Trong đó, điện thoại di động tuy là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc nhưng đưa vào diện chịu thuế TTĐB để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.

Ngoài ra UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, thuế GTGT cũng có dư địa để mở rộng. Hiện, cơ sở thuế GTGT hiện hành của Việt Nam bị thu hẹp khá nhiều do có tới 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế GTGT. So với thông lệ quốc tế (thường từ 4 đến 8 nhóm), số lượng hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT như vậy là quá nhiều. Với danh mục đối tượng không chịu thuế GTGT rộng không chỉ làm thu hẹp cơ sở thuế, mà còn có những tác động không tốt khác, nên UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng trong thời gian tới cần nghiên cứu thu hẹp đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT.

Theo đó, chỉ nên giữ lại đối tượng không chịu thuế GTGT đối với các hàng hóa, dịch vụ khó xác định GTGT như dịch vụ cấp tín dụng, kinh doanh chứng khoán...; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước trả tiền, chẳng hạn như: vũ khí, khí tài phục vụ quốc phòng, an ninh; phát sóng phát thanh truyền hình bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; hàng hóa, dịch vụ thực chất không nhằm mục đích kinh doanh vì lợi nhuận; hàng hóa, dịch vụ của những công đoạn khó quản lý thuế, chẳng hạn như sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản do người sản xuất trực tiếp bán ra.

Riêng với thuế TNCN, TP Hồ Chí Minh nêu hai vấn đề quan trọng cần làm để mở rộng cơ sở. Một là nghiên cứu giảm bớt một số khoản thu nhập được trừ không tính vào thu nhập chịu thuế và các khoản thu nhập miễn thuế. Việc này theo đánh giá vừa mở rộng cơ sở thuế vừa đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập. Thứ hai, theo UBND TP Hồ Chí Minh, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong thời gian tới nên theo hướng mở rộng phạm vi điều tiết sang người có thu nhập trung bình gắn với điều chỉnh biểu thuế. Nguyên nhân được cho là để gánh nặng thuế không dồn quá nhiều vào nhóm dân cư có thu nhập trung bình khá.

Nhiều ý kiến phản đối đưa điện thoại di động vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Không nên đánh thuế tràn lan

Đã có nhiều quan điểm trái chiều xung quanh đề xuất của UBND TP Hồ Chí Minh. Một số cho rằng, việc mở rộng cơ sở thuế là cần thiết, trong bối cảnh nguồn thu đang cạn dần, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nguồn thu thuế từ xuất nhập khẩu hết giới hạn. Song cũng có những quan điểm khẳng định rằng, không nên đánh thuế một cách tràn lan sẽ gây phản ứng ngược trong xã hội. 

Cụ thể, với thuế TTĐB, phải đánh vào hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng, những hàng tiêu tốn ngoại tệ nhập khẩu hoặc ảnh hưởng xấu tới môi trường.

TS. Nguyễn Thanh Bình, Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, đánh thuế một mặt hàng mới, đơn cử như điện thoại di động thì phải xem xét. 

“Theo tôi đây là hàng tiêu dùng bình thường, có ích cho cộng đồng và không thể đánh thuế TTĐB được. Chỉ khi người ta chứng minh đây là hàng xa xỉ, đắt đỏ, Nhà nước không khuyến khích sử dụng điện thoại thì mới có cơ sở áp thuế. Trong khi ấy, với điện thoại di động, Nhà nước cung cấp tần số, sóng cho các thuê bao sử dụng mà lại đánh thuế TTĐB là không hợp lý” – TS Bình phân tích.

Cùng chung quan điểm, LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam khẳng định thuế TTĐB là để đánh vào loại hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, độc hại hay ít nhất là vì lý do nào đó mà Nhà nước thấy rằng không khuyến khích.

“Nếu không phải thế thì nó đã là thuế GTGT. 30 năm trước, điện thoại là thứ xa xỉ mà còn không bị đính thuế, nay nó là một vật dụng thiết yếu, thông dụng, với số thuê bao ngang với dân số, nếu đánh thuế TTĐB với điện thoại, thì có thể đánh thuế với bất cứ mặt hàng nào. Chưa kể, kinh tế thị trường phát triển thì cần phải loại bớt nhiều hàng hóa chịu thuế TTĐB. Nước hoa, mỹ phẩm trở thành mặt hàng thiết yếu cho phụ nữ, từ người giàu đến người nghèo, chứ đâu phải hàng xa xỉ mà đánh thuế?”, ông Đức đặt câu hỏi.

Với lý do điều tiết thu nhập của những người có thu nhập khá, theo ông Đức, đây là phạm vi của Luật thuế TNCN. Được biết, nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng thu thuế cần đúng thu đủ, nhưng không thể tận thu một cách vô tội vạ.

Hà An
.
.
.