Cận Tết, thực phẩm bẩn, độc hại trà trộn thị trường

Thứ Năm, 18/01/2024, 07:07

Trong những ngày gần tới Tết Nguyên đán, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, thu giữ thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc khiến người tiêu dùng e ngại trước khi mua sắm khi Tết đang cận kề.

Đủ loại thực phẩm bẩn bủa vây

Ngày 17/1, trao đổi với PV Báo CAND, Thượng tá Vũ Thị Hoàng Yến, Đội trưởng Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết sau nhiều ngày đêm trinh sát tại 1 số nhà hàng và các xưởng sản xuất xúc xích, phát hiện 1 kho mỡ bẩn nằm sâu trong khu dân cư thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội.

Cụ thể, ngày 17/1/2024, Đội 7 phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17 Cục QLTT Hà Nội kiểm tra cơ sở tập kết và kinh doanh thực phẩm của Trần Văn Đức, ở thôn Thuỵ Ứng, xã Hoà Bình, huyện Thường Tín có 5,5 tấn mỡ bò, 720kg óc lợn. Ghi nhận tại kho, một số mỡ đã đổi màu và chảy nước. Toàn bộ số hàng hoá này không có hoá đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Cận Tết, thực phẩm bẩn, độc hại trà trộn thị trường -0
Công an TP Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý kho thực phẩm bẩn.

Ông Đức khai nhận đã thu mua mỡ bò, óc lợn trôi nổi trên địa bàn (liên lạc qua điện thoại, không biết địa chỉ), sau đó bán cho người dân, bếp ăn, quán ăn đường phố, xưởng sản xuất xúc xích ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Hay ngày 7/1, Công an xã Xuân Canh (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) phát hiện và tạm giữ 1,2 tấn nội tại động vật (tràng lợn) không rõ nguồn gốc xuất xứ, được đựng trong các thùng xốp có chữ nước ngoài. Số hàng hóa này đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, với tổng khối lượng cả trên xe và trong kho là 1.246kg.

Trước đó, ngày 4/12/2023, Đội QLTT số 9, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an xã Uy Nỗ, Công an huyện Đông Anh kiểm tra Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại thôn Ấp Tó, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Thu giữ gần 1 tấn hàng hóa thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có những sản phẩm "kẹo hình mắt người" mà dư luận quan tâm.

Trước đó, ngày 12/1, qua kiểm tra tại kho hàng thực phẩm đông lạnh do ông Lương Hùng Minh (SN 1971), tại thôn La Khê, phường Hương Vinh, TP Huế (Thừa Thiên Huế) làm chủ, tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế phát hiện số lượng lớn thịt lợn và nội tạng lợn với tổng trọng lượng hơn 5 tấn có dấu hiệu vi phạm.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không thực hiện việc đóng dấu kiểm soát giết mổ lên thân thịt gia súc hoặc có dán tem vệ sinh thú y. Một số hàng hóa là thịt đã có dấu hiệu đổi màu và bốc mùi hôi thối.

Theo Cục QLTT Hà Nội, thời gian qua, lực lượng liên ngành thực hiện kiểm tra khá chặt và liên tiếp bắt giữ các vụ tập kết, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng… Thống kê mới nhất của Tổng cục QLTT cho thấy, năm 2023, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, lực lượng đã kiểm tra 8.306 vụ, xử lý 6.773 vụ vi phạm; thu phạt trên 36,3 tỷ đồng; trị giá hàng hoá tịch thu 31,6 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng.

Cẩn trọng với thức ăn đường phố

Theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, trong những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các Đội QLTT tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đặc biệt các mặt hàng thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm phục vụ dịp lễ, Tết. Cùng với đó, để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2024, Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã thành lập 11 đoàn công tác cùng lực lượng liên ngành của địa phương cũng như chợ đầu mối, tập trung vào khâu phân phối hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Qua đó đảm bảo để người dân thành phố được sử dụng thực phẩm một cách an toàn và an tâm. Ngoài ra, Sở cũng sẽ áp dụng công nghệ thông tin vào các đề án truy xuất nguồn gốc, đề án về thực phẩm an toàn, giúp người dân có thể xác định được thực phẩm sạch, từ đó chung tay đẩy lùi thực phẩm bẩn; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt và các trường hợp ngộ độc có tính ngẫu nhiên như ngộ độc rượu, việc sử dụng các chất phụ gia.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT cho hay, trước đây, các tổ chức, cá nhân sử dụng đường mòn, lối mở trên biên giới phía Bắc để vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hoặc là chưa được phép lưu hành để đưa vào tiêu thụ trong lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay, đường mòn, lối mở bị ngăn chặn, các đối tượng chuyển hàng hóa nhập lậu qua biên giới phía Nam, đặc biệt là phía Tây Nam và một số cửa khẩu ở miền Trung sau đó đưa ngược ra phía Bắc tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, QLTT xác định việc đấu tranh, ngăn chặn thực phẩm bẩn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, trong cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lực lượng sẽ tăng cường quản lý địa bàn, nắm tình hình nhanh chóng, kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm bẩn. Đồng thời, kết hợp với lực lượng khác trên địa bàn để tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi phạm pháp, đảm bảo cho người dân được sử dụng sản phẩm an toàn.

Thượng tá Vũ Thị Hoàng Yến cho rằng, người dân nên cẩn trọng trong việc mua sắm và tiêu dùng, ăn uống đồng thời cũng cảnh tỉnh những người sản xuất, cơ sở sản xuất xúc xích, quán ăn đường phố cần lựa chọn nguyên liệu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng khi mua sản phẩm thực phẩm cũng cần lưu ý về nguồn gốc xuất xứ, cơ sở sản xuất.

Lưu Hiệp
.
.
.