Cân nhắc khi rút trái phiếu trước hạn
Thời gian qua, các động thái mạnh tay của cơ quan quản lý để chấn chỉnh, minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) liên quan đến trái phiếu Tân Hoàng Minh, trái phiếu An Đông… đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Nhiều trái chủ tỏ ra lo lắng và mong muốn tất toán trái phiếu trước hạn.
Thực tế hiện nay, có tình trạng, nhà đầu tư mua TPDN theo tin đồn, đến khi thị trường TPDN có vấn đề, không cần biết lô trái phiếu hoặc DN mình đang mua “có vấn đề” hay không, cũng đua nhau yêu cầu các đơn vị phát hành tất toán trước hạn, thậm chí không cần quan tâm đến lãi mà chỉ cần lấy lại gốc về. Điều này khiến cho thị trường như người đang ốm lại bị đánh. Các chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định khi các nhà đầu tư yêu cầu mua lại trái phiếu trước hạn sẽ tăng thêm áp lực thanh khoản cho các DN bất động sản (vốn là những chủ thể có giá trị phát hành trái phiếu cao nhất).
Trên thực tế, việc tất toán trái phiếu trước hạn không chỉ một phía từ nhà đầu tư, mà có cả sự chủ động của chính các DN phát hành. Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 9, tổng giá trị trái phiếu được các DN mua lại trước hạn là hơn 28.800 tỷ đồng, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm trước. Tính lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu đã được các DN mua lại là hơn 142.200 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021. Những DN điển hình trong hoạt động tất toán nợ trái phiếu trước hạn phải kể đến Hoàng Anh Gia Lai, Cơ điện lạnh (REE), Tập đoàn Gelex, Công ty Yamagata, An Phát Finance, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), Ngân hàng OCB…
Dữ liệu của Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương – VCBS cho thấy top 20 các công ty mua lại trái phiếu trước hạn, đa phần là những “ông lớn” của ngành ngân hàng và bất động sản. Trong đó, dẫn đầu là BIDV đã mua lại trái phiếu trước 12.672 tỷ đồng. VIB, LPB, TPB, SHB… đều là những ngân hàng có lượng trái phiếu đã mua lại trước hạn lớn, tính từ trên xuống 8.800 tỷ đồng cho tới trên 4.000 tỷ đồng.
Việc mua lại trước hạn này, theo các chuyên gia, về lý thuyết sẽ có mặt tích cực đó là khi mua lại trái phiếu trước hạn thì DN không phải trả chi phí lãi vay đang khá cao, đồng thời giảm hệ số nợ/vốn chủ sở hữu. Qua đó DN cải thiện các chỉ tiêu tài chính. Song ở mặt tiêu cực, DN bị suy giảm dòng tiền và điều này sẽ vô cùng bất lợi trong bối cảnh DN cần nguồn vốn mà các kênh tiếp cận đều khó khăn. Trên thực tế, việc phát hành mới sẽ khiến DN phải chịu chi phí cao hơn khi lãi suất đã tăng cao hơn so với giai đoạn trước, đồng thời khả năng chào bán, phân phối trái phiếu cũng không còn dễ dàng với các quy định lỏng lẻo với cả phía nhà phát hành lẫn phía trái chủ, nhà đầu tư như trước đây. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP có bổ sung quy định DN phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.
Trở lại với hiện tượng nhiều trái chủ muốn đáo hạn trái phiếu sớm, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh TP Hồ Chí Minh Công ty Chứng khoán DSC cho rằng “Vấn đề ở đây là nỗi sợ, cảm xúc nguyên thủy của con người, trong bất kỳ cá nhân nào đầu tư cũng có nỗi sợ. Nỗi sợ là đúng nếu trái phiếu có vấn đề, chúng ta muốn thu hồi tiền ngay lập tức thì vấn đề đó không sai, nhưng nhiều người hành động theo hành vi bầy đàn, nghĩa là đi theo đám đông, nhìn thấy người khác rút trái phiếu cũng làm theo, mà không xem xét bản chất trái phiếu đấy có rủi ro không, để rồi tự gây thiệt hại cho chính mình khi phải lãi thấp hơn. Mặt khác, việc ồ ạt rút trước hạn gây áp lực rất lớn đến thị trường và các bên liên quan. Vì vậy, nhà đầu tư hãy nên bình tĩnh, phân tích kỹ càng, đừng đánh đồng tất cả trái phiếu trên thị trường”.
Có cùng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức ví giống như đường đông, nếu cứ đi bình tĩnh, tuần tự thì không tắc, chỉ ùn lại một chút, nhưng nếu chúng ta đi lộn xộn một chút lập tức tắc kinh hoàng. “Tương tự, nếu một trái phiếu bình thường, chỉ ít người rút trước hạn thì không sao, nhưng nếu hàng trăm, hàng nghìn người cùng rút, cũng giống như câu chuyện rút tiền ngân hàng, thì không có một ngân hàng nào, không một công ty nào đủ sức khỏe, đủ tiền chi trả bất thình lình như vậy. Thậm chí, nếu đua nhau có hành động như vậy thì đến hạn cũng không rút được, không có thanh khoản nữa, đó là chuyện mất cân đối bình thường. Còn nếu cứ bình tĩnh giải quyết thì chúng ta không bị tắc đường, chúng ta sẽ an toàn”, ông Đức khuyến nghị.