Buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi hơn

Thứ Hai, 08/08/2022, 07:50

Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) phát triển kéo theo việc lợi dụng môi trường TMĐT, website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến, dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính... để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng nhiều hơn. Đây cũng là lĩnh vực mà các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát phát hiện và xử lý.

Xuất hiện nhiều thủ đoạn mới

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT- Bộ Công Thương) cho biết, việc gian lận thương mại ngày càng tinh vi, nhất là hành vi tẩy xóa mác đưa vào lưu thông hàng cận hạn sử dụng, hết hạn sử dụng. Một hành vi khác có chiều hướng gia tăng, đó là việc thành lập doanh nghiệp nhằm trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng… TMĐT trong thời gian đại dịch COVID-19 cũng rất phát triển. Các tổ chức, cá nhân lợi dụng giao diện điện tử sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn từ rao bán quảng cáo, đăng tải mặt hàng trên Facebook, Tik Tok, Instagram…

Buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi hơn -0
Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện một số mặt hàng giả, hàng nhái lưu hành trên thị trường.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý hơn 17,3 nghìn vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính, nộp ngân sách nhà nước trên 137 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 54 vụ việc. Trong đó, nổi cộm là các vụ buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Đại tá Vũ Như Hà, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), hình thức vận chuyển, buôn lậu hàng hoá nhập qua biên giới có xu hướng chuyển từ hình thức thủ công theo đường mòn, lối mở sang đường chính ngạch dưới hình thức mạo danh, lợi dụng xuất nhập khẩu. Các đối tượng tập trung vào những mặt hàng có biến động giá như xăng dầu, vàng, đường cát, nông sản... Theo ghi nhận của các lực lượng chức năng của Bộ Công an, trong thời gian vừa qua thì có tình trạng các đối tượng lợi dụng xuất nhập khẩu để buôn lậu, chuyển tiền, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế.

Về những thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại mới, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, trong số vụ việc do lực lượng Hải quan bắt giữ trong nửa đầu năm 2022, cơ quan Hải quan đã phân loại thành nhiều nhóm đối tượng vi phạm pháp luật "truyền thống" gian lận thương mại trước đây như xuất khống, gian lận chủng loại, trị giá, xuất xứ, số lượng... Đáng lưu ý, trong số hàng hóa gian lận trên có nhóm đối tượng lợi dụng TMĐT xuyên biên giới, các tổ chức kinh doanh câu kết với các đối tượng làm thuê… để thực hiện hành vi phạm tội.

Về vi phạm trên môi trường số, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, đặc thù của TMĐT là người mua, người bán không gặp nhau nên những hành vi vi phạm trong TMĐT có xu hướng gia tăng, đặc biệt có những hành vi mới, thủ đoạn tinh vi hơn, phức tạp hơn. "Các đối tượng đăng thông tin hoặc livestream bán hàng ở một nơi nhưng kho ở một nơi, bán hàng qua các trung gian để kiếm lời; chia kho ra ở rất nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, thậm chí hiện nay nhiều đối tượng để hàng hóa ở các khu chung cư. Thời gian tới phải đẩy mạnh tập trung xử lý những vấn đề liên quan đến lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả", ông Tuấn nói.

Đẩy mạnh công tác phối hợp trong phòng, chống buôn lậu

Những tháng cuối năm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ gia tăng theo hướng phức tạp do nhu cầu về hàng tăng mạnh vào thời điểm cuối năm. Nhất là hiện nay, hoạt động TMĐT trên nền tảng mạng xã hội và sàn TMĐT ngày càng phát triển, giao nhận hàng qua các dịch vụ chuyển phát nhanh, giao hàng tận nơi gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Đại tá Vũ Như Hà cho rằng, một điểm rất đáng lo ngại là việc gia tăng hành vi gian lận xuất xứ nguồn gốc… Do đó, chúng tôi đề xuất tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Ban Chỉ đạo 389 quốc gia duy trì việc tập hợp khó khăn, vướng mắc của lực lượng chức năng theo hướng phân loại nhóm để kịp thời tháo gỡ. Các cơ quan sớm kết nối cơ sở dữ liệu dân cư nhằm có phương án đối chiếu, từ đó phát hiện được những vụ việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp để hoạt động buôn lậu, trốn thuế.

Về khó khăn trong xử lý tang vật các vụ việc, đây là vấn đề cực kỳ nhức nhối. Chi phí cho bảo quản, lưu giữ, chưa nói đến định giá, giám định rất lớn, gây lãng phí, kiến nghị Trung ương sớm rà soát để có phương án tháo gỡ. "Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tập trung đấu tranh với các tổ chức buôn lậu, các đường dây tội phạm lớn; chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố đấu tranh, xử lý tội phạm tại địa phương; đề nghị các cơ quan chức năng như: Hải quan, Bộ đội Biên phòng, QLTT… phối hợp tích cực", Đại tá Vũ Như Hà kiến nghị.

Ông Trần Hữu Linh cũng cho biết, 6 tháng cuối năm 2022, lực lượng QLTT tiếp tục giám sát mặt hàng xăng dầu, một số mặt hàng nổi cộm như: Trang thiết bị y tế, dược phẩm, mỹ phẩm, đường cát, vật liệu nổ, ma túy…

Ông Nguyễn Văn Cẩn cũng cho biết thêm, lực lượng Hải quan tiếp tục tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên tất cả các tuyến, địa bàn trọng điểm, trọng tâm vào các mặt hàng cấm, hàng hóa có giá trị lớn, thuế suất cao, xuất nhập khẩu có điều kiện… nhằm ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng. Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ mới giải quyết được triệt để vấn nạn hàng giả, hàng nhái.

Lưu Hiệp
.
.
.