Bài toán “đầu ra” cho nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Năm, 09/09/2021, 08:40

Câu chuyện “giải cứu” nông sản ở các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại “nóng” lên khi dịch COVID-19 bùng phát. Thị trường tiêu thụ trong nước trì trệ, gãy đoạn, còn xuất khẩu thì “trăm bề khó”. Nhưng thực tế, xâu chuỗi lại, “đầu ra” nông sản không chỉ là bài toán khó trong tình huống dịch bệnh, mà ngay cả các vụ mùa trong năm, nông dân ĐBSCL ám ảnh với điệp khúc “được mùa, rớt giá”…

Không được mùa nhưng vẫn mất giá là thực tế của vụ mùa năm nay tại ĐBSCL. Nông dân “kêu trời” vì ế hàng, dội chợ. Điển hình tại Nông trường Sông Hậu (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), từ lúc đợt dịch thứ 4 bùng phát, nông sản, rau, củ không thể bán được, phải nhờ “giải cứu”.

Anh Phạm Đỗ Minh Trung (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) hàng ngày lái xe tải, để thu mua nông sản giúp cho bà con nông dân tại nông trường cũng như các khu vực lân cận. Theo anh Trung, các loại rau, củ như mướp, bí đao, dưa leo… được mua từ nguồn kinh phí vận động đóng góp, sau đó vận chuyện về hỗ trợ cho các khu cách ly, người dân tại các khu phong tỏa, bếp ăn thiện nguyện, chợ 0 đồng...

Bà con nông dân không bán theo ký mà bán theo “mớ”, cứ chất đầy chiếc xe 1 tấn thì có giá 3 – 3,5 triệu đồng. “Nhìn mà thương bà con nông dân đứt ruột. Bỏ công sức ra trồng mấy tháng trời mà cái giá bán ra rẻ bèo, không đủ tiền phân bón. Trong khi đó, tại các điểm bán hàng bình ổn giá thì giá rau, củ vẫn bình ổn ở mức cao đắt đỏ, trung bình trên 10.000 đồng/kg”, anh Trung chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường Sông Hậu cho hay, ngoài các loại rau, củ ngắn ngày, thì diện tích trồng nhãn của nông dân tại nông trường khoảng 200ha, thu hoạch liên tục khoảng 1.600 tấn. Thế nhưng liên hệ với các đầu mối, thương lái quen thì họ đều từ chối vì hiện nay các chợ đầu mối nông sản lớn như chợ Bình Điền đều đóng cửa, không hoạt động nên không biết bán đi đâu.

Bài toán “đầu ra” cho nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long -0
Rau, củ, quả tại Nông trường Sông Hậu (TP Cần Thơ) được giải cứu với cách bán tính bằng “mớ”, thu nhập không đủ nông dân trả chi phí sản xuất.

Còn anh Châu Minh Tứ (xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết, 10 tấn xoài Đài Loan mà 2 vợ chồng bỏ công chăm sóc hơn 4 tháng ròng, đến thu hoạch lại ngay lúc dịch bệnh bùng phát. “Ngày thường thì 9.000 – 10.000 đồng/kg, bị dịch ảnh hưởng, không có thương lái thu mua, giá giảm 3.000 đồng/kg, rồi 1.000 đồng/kg. Tôi nản quá, bán được một mớ, còn lại bỏ chín rụng đầy ngoài vườn. Giá xoài gì mà rẻ hơn cám cho lợn ăn thì tâm trạng đâu mà thu hoạch. Thuê nhân công hái trái cũng đã lỗ so với số tiền thu được từ bán xoài”, anh Tứ chia sẻ.

Thực tế trên là tình trạng chung của nông dân vùng ĐBSCL. Tuy các ngành, các cấp, tổ chức đoàn thể đã chung tay “giải cứu”, nhưng cứ hỏi mười nông dân thì mười câu trả lời nhận được đều là: “Bán được mớ nào, thì mừng mớ đó, với giá này thì lỗ chắc”… Nhưng bản chất của “giải cứu” chỉ làm vơi đi cái ngọn của vấn đề trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” do dịch bệnh, còn phần gốc chính là bài toán đầu ra ổn định cho nông sản.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại va Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ, câu chuyện đầu ra cho nông sản là một vấn đề lớn của ngành nông nghiệp nước ta trong suốt thời gian qua. Bởi tư duy và quan điểm sản xuất của người làm nông chưa thấm hết quy luật của thị trường. Quá trình này xuất phát từ sự trợ cấp của Nhà nước trước đây, rồi đến bao tiêu nông sản qua những mùa vụ mất mùa do thiên tai. Đồng thời, tính đùm bọc trong xã hội ta còn quá lớn nên đã thành thói quen khi gặp khó khăn là chính quyền địa phương và nhà nông kêu gọi chung tay “giải cứu”.

Để tìm đáp án cho bài toán đầu ra nông sản, ông Lam cho rằng, trước hết cần phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Cần hướng đến thị trường cần gì thì sản xuất đó, hướng đến chất lượng chứ không theo số lượng, chỉ tiêu. Sản xuất không chỉ dựa trên mỗi lợi thế về địa hình hay thổ nhưỡng mà phải tính toán trên nhu cầu tiêu thụ. Khi đó, nông sản sẽ đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng thì sẽ không còn ùn ứ hay phải “giải cứu”. Đó là điều cần phải làm cho nông sản Việt Nam và ĐBSCL nói riêng, nếu muốn phát triển ổn định và bền vững.

“Trước mắt, dịch COVID-19 còn kéo dài và phức tạp, giải pháp tìm đầu ra cho nông sản lúc này là cần có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư vào các hệ thống kho lưu trữ. Cụ thể là kho lạnh để có thể thu mua và trữ các mặt hàng nông sản do nông dân sản xuất. Chính sách về lãi suất cần tính đến cho những ưu tiên này để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư”, Giám đốc VCCI Cần Thơ, chia sẻ.

Về lâu dài, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại vùng ĐBSCL, Giám đốc VCCI CầnThơ, nêu 3 mấu chốt cần giải quyết, gồm: Sản xuất ổn định với quy mô lớn, đồng bộ về chất lượng; Hạ tầng giao thông phục vu cho vận chuyển và ngành hỗ trợ đi kèm; tỷ giá cần ổn định để khuyến khích và đảm bảo xuất khẩu hiệu quả.

Song song đó, Nhà nước cần tập trung cho hạ tầng giao thông đường bộ và cảng biển để hàng hóa được lưu thông tốt hơn, khi đó các doanh nghiệp thương mại sẵn sàng thu mua nông sản và điều tiết được thị trường tiêu thụ. Một vấn đề nan giải khác là tính liên kết sản xuất, tiêu thụ và thị trường, đó là khả năng thực thi và chế tài của pháp luật. Do lợi ích ngắn hạn nên phía cung - nông dân hay phía cầu - doanh nghiệp, ít thực thi theo cam kết. Thực tế đang diễn ra nhiều nhưng dường như các biện pháp chế tài rất khó thực thi bởi 2 chủ thể trong mắc xích “doanh nghiệp - nông dân” khá nhạy cảm và phức tạp…

Trần Lĩnh
.
.
.