Áp lực lên người lao động ngày càng lớn
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đồng thời biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch đã tác động rất lớn đến thị trường lao động thời gian ngắn vừa qua. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội, trong tháng 8/2021, thành phố đã giải quyết việc làm cho 3.284 lao động.
Đáng lưu ý là con số này đã giảm 10.362 lao động so với tháng 7/2021 (tương đương 75,9%). Số lao động phải nghỉ việc, giãn việc ngày càng tăng, trong khi đó số người được giải quyết việc làm mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ đang tạo áp lực rất lớn đến đời sống của số đông người lao động.
Nỗi lo cơm áo
Phải nghỉ việc từ đầu tháng 7 do công ty thu gọn các chi nhánh bán hàng, chị Nghiêm Thị Dinh (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, do nhận được hơn 3 triệu đồng/tháng tiền bảo hiểm thất nghiệp, cuộc sống gia đình vẫn “trụ” được trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, nếu không sớm tìm được công việc mới, khoản tiền trợ cấp thất nghiệp đó sẽ không thể lo được cho cuộc sống thường ngày của gia đình chị.
“Trước đây đi làm, tiền lương cộng thêm các khoản phụ cấp được hơn 8 triệu đồng, chồng làm tự do một tháng cũng được khoảng 7 triệu đồng nữa. Thế nhưng cũng chỉ đủ để trang trải mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình và hai con nhỏ đi học. Kể từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, chồng không có việc phải ở nhà, tôi thì đầu tháng 7 cũng phải nghỉ việc. Khoản tiền trợ cấp thất nghiệp hơn 3 triệu đồng/tháng vẫn có thể đảm bảo được lương thực, thực phẩm cho gia đình trong những ngày giãn cách xã hội. Nhưng giờ cả hai con bước vào năm học mới, lại thêm một khoản tiền nữa như sách vở, đồng phục… nên những ngày tới chắc chắn sẽ rất khó khăn. Chỉ mong dịch sớm được kiểm soát, dỡ bỏ được các biện pháp giãn cách xã hội, tìm được việc làm mới, lao động như chúng tôi mới có thể lo được cho gia đình”, chị Dinh than thở.
Làm việc tự do, anh Trần Việt Anh (cũng ở Khương Đình, Thanh Xuân) còn lo lắng hơn. Anh Việt Anh cho biết, vợ chồng mới sinh con nhỏ, hai tháng nay phải ở nhà do dịch bệnh, cuộc sống vợ chồng càng lúc càng bí bách. Không có thu nhập nên rất nhiều thứ cần chi tiêu trong nhà đều do bố mẹ anh phải “tài trợ”.
“Trong lúc khó khăn, người lớn có thể cắt bỏ một số nhu cầu nhưng con nhỏ thì tiền sữa, tiền bỉm… không thể bỏ được. Vợ chồng có được một khoản tiền nhỏ dành dụm phòng lúc nọ lúc kia cũng phải bỏ ra chi tiêu hết. Nhiều lúc ông bà nội phải hỗ trợ thêm. Lao động tự do như tôi được hỗ trợ 1,5 triệu đồng nhưng nay cũng mới chỉ làm hồ sơ gửi lên chính quyền, cũng chưa biết lúc nào được nhận. Kể cả có nhận được khoản tiền đó thì cũng không giải quyết được bao nhiêu những thứ cần phải chi tiêu hàng ngày. Quan trọng nhất là sớm hết giãn cách, có việc làm thì mới đảm bảo được cuộc sống”, anh Việt Anh cho biết.
Kịch bản nào cho thị trường lao động?
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, trong tháng 8/2021, thành phố đã giải quyết việc làm cho 3.284 lao động. Con số này đã giảm 10.362 lao động so với tháng 7/2021 (tương đương 75,9%).
Trong số lao động được giải quyết có 180 lao động có việc làm nhờ vay vốn ưu đãi để giải quyết việc làm; 682 lao động được tuyển dụng sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm, trung tâm dịch vụ việc làm; 2.422 lao động được cung ứng dịch vụ việc làm tại các doanh nghiệp và qua các hình thức khác, không có lao động nào đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo lý giải về con số lao động được giải quyết việc làm trong tháng 8/2021, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 và Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6/8/2021 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dừng tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày từ ngày 26/7.
“Các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội chuyển sang hình thức cung cấp thông tin thị trường lao động, kết nối việc làm bằng hình thức trực tuyến, online cho doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Vì vậy, công tác kết nối cung-cầu lao động gặp nhiều hạn chế trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội”, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội lý giải.
Mặc dù gặp không ít khó khăn trong giải quyết việc làm cho người lao động trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, cơ hội không phải không có với người lao động.
“Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm luôn được chúng tôi hết sức chú trọng. Tính riêng từ đầu tháng 8 đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận thông tin của hơn 200 doanh nghiệp, tuyển khoảng 3.000 vị trí việc làm. Qua đó cho thấy, nếu tích cực tìm kiếm việc làm, người lao động vẫn có thể nắm bắt được những cơ hội tốt”, ông Thành cho biết.
Ông Thành chia sẻ thêm, dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, từ đó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động trên địa bàn thành phố. Do đó, thị trường lao động, việc làm trên địa bàn thành phố sẽ phụ thuộc vào các kịch bản phòng, chống dịch.
Nếu dịch bệnh được khống chế hoàn toàn, sớm kết thúc giãn cách xã hội, vaccine được tiêm nhanh tạo được miễn dịch cộng đồng thì thị trường lao động sẽ dần “ấm” lên. Dự kiến số lao động mất việc làm sẽ còn khoảng 3-4 nghìn lao động/tháng. Với kịch bản Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội như hiện nay do vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro bùng phát dịch bệnh, việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 triển khai chưa đạt theo kế hoạch thì thị trường lao động vẫn có chiều hướng đi xuống với khoảng 5-6 nghìn lao động mất việc/tháng. Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng khoảng 20- 25%.
Còn với kịch bản xấu nhất, dịch bệnh chưa thể được kiểm soát, số ca mắc mới cộng đồng vẫn tăng, kinh tế chưa thể trở lại bình thường, quá trình tiêm chủng triển khai chậm do thiếu nguồn cung, Hà Nội tiếp tục phải giãn cách, áp dụng thêm những biện pháp mạnh hơn để phòng dịch thì thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
“Với kịch bản này, nhiều nhóm lao động sẽ rơi vào tình trạng mất việc làm, ảnh hưởng thu nhập. Đặc biệt là nhóm lao động yếu thế dễ bị tổn thương như: lao động di cư, lao động phi chính thức. Thất nghiệp gia tăng, sẽ có khoảng 7-8 nghìn lao động mất việc làm/tháng. Số doanh nghiệp dự kiến bị ảnh hưởng có thể lên đến 30- 40%”, ông Thành cho biết.