Xuất khẩu đứt đoạn khiến ngành gỗ “đóng băng”

Thứ Sáu, 17/04/2020, 09:33
Đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu trong đó có ngành chế biến gỗ của Việt Nam...


Có tới 80% đối tác từ EU và Mỹ hủy đơn hàng. Các làng nghề gỗ đóng cửa và thu hẹp sản xuất lên tới 70-80% quy mô hoạt động sản xuất, gần một nửa lao động trong ngành gỗ mất việc làm.

80% đối tác hủy đơn hàng

Theo thống kê của Hiệp hội nông nghiệp số, tính đến cuối tháng 3/2020 thì tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội là 410 tỷ đồng, trong đó riêng giá trị tồn kho đồ gỗ và  sản phẩm gỗ đã tới 260 tỷ đồng. Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Dương (BIFA) cho biết, những con số này trong những tháng qua cho thấy mức độ chịu ảnh hưởng xấu từ COVID- 19 của các doanh nghiệp ngành gỗ so với doanh nghiệp các ngành khác như thế nào. 

Đến giờ này các thị trường lớn hầu như đã đóng băng… Mỹ và EU thì đóng băng hoàn toàn. Nhật Bản và Hàn Quốc thì còn lác đác. Trung Quốc bắt đầu mở lại nhưng chắc chắn còn lâu mới quay trở lại được bình thường… Thị trường toàn cầu gần như mất hết.

Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là 5 thị trường chủ đạo của ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam, nhưng ở cả 5 quốc gia này đại dịch vẫn đang lan rộng, số người nhiễm bệnh thậm chí cả số người chết vì dịch bệnh vẫn tăng lên. 

Các biện pháp đóng cửa biên giới, đóng toàn bộ các chuỗi cửa hàng không thiết yếu ở các nước EU và Mỹ đã làm các đứt gãy nghiêm trọng các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều giao dịch thương mại bị đình trệ hay hủy bỏ. Điều này đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp ngành gỗ.

60-80% số người mua hàng ở Hàn Quốc và Nhật Bản đã thông báo dừng hoặc đang hủy đơn hàng ( ảnh minh hoạ internet).

Theo số liệu các doanh nghiệp cung cấp cho Hiệp hội gỗ là Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đến ngày 30-3 đã có tới 80% người mua từ EU và Mỹ, 60-80% số người mua hàng ở Hàn Quốc và Nhật Bản đã thông báo dừng hoặc đang hủy đơn hàng. 

Các doanh nghiệp ngành gỗ cho biết liên tục nhận được các thông báo từ đối tác về giãn thời gian giao hàng, dừng hoạt động giao hàng kể cả các lô hàng đã hoặc đang trong quá trình sản xuất. Nhiều đơn hàng bị cắt giảm, chậm thanh toán và thậm chí là hủy đơn hàng. Các doanh nghiệp cũng được thông báo một số khách hàng lớn rời vào tình trạng chuẩn bị phá sản.

Bà Cao Cẩm đại diện của VIFOREST cho biết, tổng hợp ước tính thiệt hại ban đầu do dịch bệnh từ 124 doanh nghiệp ngành gỗ này là 3.066 tỷ đồng, bình quân mỗi doanh nghiệp đã thiệt hại 25 tỷ đồng. Đây chỉ là những thiệt hại được đánh giá bước đầu. 

Có 24% số doanh nghiệp tham gia khảo sát hiện chưa xác định được thiệt hại. Khoảng 1% số doanh nghiệp phản hồi cho biết Đại dịch đã làm giảm 70% doanh thu của doanh nghiệp. Quy mô thiệt hại chắc chắc còn lớn hơn nhiều con số này.

Lo lắng về dịch bệnh kéo dài, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết, hiện các đơn hàng đang làm thì đình trệ, nhiều khách hàng dừng, hủy đơn hàng. Không có một đơn hàng mới nào được ký, Trước đây bình quân mỗi tháng doanh nghiệp xuất khẩu 50 container hàng gỗ dán sang Hàn Quốc và Nhật Bản. Nay thì COVID-19 đã làm ngưng trệ hết tất cả.

Đại diện  Công ty TNHH Juma Phú Thọ - một trong những công ty sản xuất và xuất khẩu gỗ dán lớn nhất tại Việt Nam cho hay, hiện lịch sản xuất phải điều chỉnh từng ngày. Doanh nghiệp như ngồi trên “đống lửa”, bởi vừa lo đại dịch cản trở lưu thông hàng hóa, không thanh toán được tiền hàng. 

Bên cạnh đó, ông Thang Văn Thông, phó Tổng giám đốc của Công ty Hào Hưng thì đau xót cho biết, Hào Hưng là công ty xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất cả nước, hiện nay, tác động của COVID-19, xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Không chỉ dừng, giãn đơn hàng, nhà nhập khẩu đang yêu cầu các doanh nghiệp dăm của Việt Nam giảm giá.

Doanh nghiệp bên bờ vực phá sản

Theo thông tin tổng hợp từ các hiệp hội VIFOREST, HAWA,BIFA, FPA Bình Định, đại dịch làm cho luồng cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu giảm ít nhất 70% về lượng nhập, thu hẹp 70-80% quy mô hoạt động sản xuất của các làng nghề.  COVID-19 đã làm các dự án sử dụng đồ gỗ xây dựng như các công trình dân sinh, khách sạn, nhà hàng dừng hoạt động. 

Tổng hợp thông tin từ 124 doanh nghiệp ngành gỗ, trong đó có 51% các doanh nghiệp này cho biết đã phải thu hẹp quy mô sản xuất do dịch, 35% đang sản xuất nhưng sẽ tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới, 7 % đã ngừng hoạt động và chỉ có 7% nói “vẫn bình thường”.

“Chỉ 2 tuần chúng tôi đã khoảng 4 triệu USD vì người mua hủy đơn hàng”, giám đốc một doanh nghiệp cho biết.

Nói về thiệt hại đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Lâm Việt cho rằng, thiệt hại về đơn hàng, kinh tế là thấy rõ tuy nhiên thiệt hại tổng thể còn lớn hơn nữa vì sẽ có rất nhiều người lao động mất việc làm cho dù các doanh nghiệp đang ngày ngày cố cầm cự sản xuất. Chúng tôi thường xuyên có 1000 lao động làm việc, nhưng cuối tháng 3 chúng tôi phải giảm 300 người, mấy hôm trước chúng tôi cũng vừa giảm tiếp 300 người nữa chỉ giữ lại được 400 người.  

Theo khảo sát của VIFOREST với 105 doanh nghiệp cho biết tổng số lao động trước khi có dịch là 47.506 người, nhưng đã phải cho 21.410 lao động nghỉ việc ( 45% số lao động). Đó là chưa kể hàng chục nghìn người ở các làng nghề đang phải nghỉ việc.

Thực tế cho thấy, áp lực đang đè nặng trên vai của doanh nghiệp khi mà đơn hàng mất, doanh thu không có nhưng vẫn phải chi các khoản bắt buộc… như tiền đóng bảo hiểm, tiền thuê cửa hàng, thuê xưởng sản xuất… Cho dù đã được giãn thời hạn nộp thuế nhưng nếu không có thêm sự trợ giúp của Chính phủ bằng việc cho miễn giảm những khoản này thì nhiều doanh nghiệp có thể phải buông tay chờ phá sản.

Trong thời gian tới, trước hết để tồn tại các doanh nghiệp cần có những hướng đi mới, với các thay đổi căn bản để phát triển bền vững. Xác định các dòng sản phẩm và thị trường chiến lược, hình thành và phát triển các liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, chuyển đổi dần từ phương thức bán hàng truyền thống sang hình thức bán hàng online, và phát triển thị trường nội địa. 

Thực hiện các thay đổi này đòi hỏi cần có sự ưu tiên và tập trung nguồn lực từ cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Lưu Hiệp
.
.
.