Triển vọng lớn của ngành gỗ xuất khẩu

Thứ Ba, 01/01/2019, 09:56
Xuất khẩu lâm sản năm 2018 thu về kết quả rực rỡ với tổng kim ngạch đạt trên 9 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra (tăng khoảng 1,3 tỷ USD so năm 2017).

Thị trường xuất khẩu tập trung chủ yếu tại 5 thị trường chính gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc (chiếm hơn 87% kim ngạch). Với kết quả thành công của năm 2018, bước sang năm 2019, một số hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, sẽ là điều kiện vô cùng thuận lợi, hứa hẹn ngành xuất khẩu lâm sản trong năm 2019 sẽ sớm đạt mốc đề ra 10,5 tỷ USD và đặc biệt là thị trường tiềm năng sẽ tiếp tục được mở rộng...

Hiện cả nước có khoảng 4.500 doanh nghiệp (DN), cơ sở chế biến gỗ và lâm sản với 1.863 DN trực tiếp tham gia vào xuất khẩu. Trong đó, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có trên 700 DN. 

Nhiều DN cho rằng, tại Hội nghị Chính phủ về định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, tổ chức ngày 8-8-2018, Thủ tướng Chính phủ kết luận: “Ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phấn đấu trở thành Trung tâm sản xuất đồ gỗ có chất lượng của thế giới và khu vực. Định hướng trong 10 năm tới, ngành này sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam”.

Ngành gỗ xuất khẩu kỳ vọng sẽ gặt hái nhiều thắng lợi trong năm 2019.

Đây là thuận lợi về mặt chính sách. Cùng với đó là sự ra đời của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA FLEGT) và sắp tới là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), sẽ là động lực mạnh mẽ cho ngành.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những thách thức mà ngành lâm sản phải đối mặt. Với Hiệp định EVFTA, tuy hàng rào thuế quan cơ bản sẽ được dỡ bỏ, nhưng để tiếp cận thị trường EU, các DN xuất khẩu Việt Nam phải xử lý các yêu cầu nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chứng nhận và hạn chế hóa chất; Quy định về các chất nguy hiểm trong sản phẩm và quy chuẩn bao bì; Trách nhiệm xã hội của DN... Hoặc, với cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung, nhìn chung, cơ hội là có nhưng không lớn và cùng với đó có thể đi kèm với những rủi ro.

“Cơ hội không thể biến thành đơn hàng. Vì vậy, để nắm bắt cơ hội, tăng thị phần, các DN cần nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành chứ không phải bán giá rẻ. Về mặt Nhà nước, chúng tôi mong có trung tâm triển lãm quốc gia để các ngành kinh tế giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đơn hàng.

Thúy Hà
.
.
.