Vay tiêu dùng "săn" khách dịp cuối năm

Thứ Tư, 03/02/2016, 08:37
Phục vụ nhu cầu mua sắm trước Tết Nguyên đán, các tổ chức tín dụng đã tung ra nhiều chương trình cho vay ưu đãi, thậm chí với mức lãi suất ưu đãi được giới thiệu chỉ ở mức 0%. Khảo sát tại các trung tâm thương mại, siêu thị điện máy trên địa bàn Hà Nội cho thấy, nhiều sản phẩm như đồ điện tử, điện máy, đồ gia dụng... đang có mức lãi suất ưu đãi chỉ với 0%.


Nhiều ưu đãi lôi kéo khách hàng

Nhằm thu hút khách hàng, FE Credit đang kết hợp với chuỗi trung tâm và cửa hàng Vinpro trên toàn quốc triển khai chương trình khuyến mãi "Mua trả góp sản phẩm công nghệ và điện máy - lãi suất 0%". Theo đó, khách hàng có thể mua trả góp trong vòng 6-9 tháng các đồ điện tử gia dụng cho gia đình với giá trị khoản vay lên đến 60 triệu đồng cùng mức lãi suất cực kỳ ưu đãi: 0% mà chỉ cần trả trước từ 30% giá trị; thời gian áp dụng bắt đầu từ ngày 6-12-2015 đến hết 31-1-2016.

Mua sắm tăng dịp cuối năm thúc đẩy nhu cầu vay tiêu dùng. Ảnh minh họa.

Không nằm ngoài "cuộc đua", Home Credit, HD SAISON… cũng đã “bắt tay” với các nhà bán lẻ lớn như Nguyễn Kim, Pico, MediaMart để cung ứng ra thị trường một loạt sản phẩm vay trả góp như: Laptop, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, tivi… chính hãng với lãi suất ưu đãi 0%.

Thậm chí, tại thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại cũng tung ra thị trường các gói vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng vay mua ôtô, nhà đất, xây dựng sửa chữa nhà... Hiện tại, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đang triển khai gói vay ưu đãi lãi suất ở mức 8,99%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 7,99%/năm trong 6 tháng đầu của khoản vay với gói vay dành cho khách hàng vay mua nhà, xây dựng nhà, mua ôtô... Lãi suất sau thời gian ưu đãi bằng lãi suất tiết kiệm VND kỳ hạn 12 tháng của VIB cộng biên độ từ 3,3%/năm. Chương trình được áp dụng từ ngày 4-1 - 29-2-2016.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư, tiêu dùng tăng mạnh của khách hàng trong dịp Tết, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đang triển khai chương trình dành cho khách hàng vay cá nhân với mức lãi suất ưu đãi từ 8,6%/năm. Các khoản vay sẽ được VPBank phê duyệt trong tối đa 2 ngày làm việc với tổng hạn mức chương trình lên đến 4.000 tỷ đồng.

Theo đại diện của một số ngân hàng thương mại, bán lẻ đang trở thành xu thế tất yếu ở giai đoạn hiện nay. Chính vì thế, cuộc cạnh tranh đang ngày càng trở nên khốc liệt, đặc biệt là khi có sự tham gia của các công ty tài chính có tiềm lực.

Lãi suất cao, vì sao?

Với ưu thế giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản, không cần tài sản thế chấp, việc mua sắm các sản phẩm như đồ điện tử, đồ gia dụng, xe máy... thông qua các gói vay tiêu dùng đã giúp những người khó tiếp cận các khoản vay ngân hàng có được cơ hội mua sắm thuận tiện và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, việc không nghiên cứu kỹ hợp đồng có thể khiến khách hàng gặp rắc rối, đặc biệt là về lãi suất và phương thức trả nợ.

Lý giải về mức lãi suất cho vay tiêu dùng được đánh giá là tương đối cao, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất cho vay tiêu dùng cao là đương nhiên, bởi do đối tượng của các khoản vay là khách hàng cá nhân. Quy mô vay tiêu dùng thường nhỏ, phù hợp với giá cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Hơn nữa, kỳ hạn vay thường ngắn và trung hạn.

Cũng theo bà Thanh, phần lớn các khoản vay tiêu dùng được cung cấp dưới hình thức cho vay trả góp và không có tài sản đảm bảo, thường được thực hiện bởi các công ty tài chính vốn không có chức năng huy động vốn từ dân cư như ngân hàng. "Bên cạnh đó, đối tượng khách hàng của các khoản vay tiêu dùng thường là người dân khó hoặc không vay được từ các ngân hàng thương mại. Các đặc điểm này tác động đến quá trình hình thành và chi phí hình thành khoản vay, từ đó làm cho lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn so với lãi suất cho vay thương mại", bà Thanh nói.

Bà Thanh cũng cho biết, rủi ro tín dụng của các khoản vay tiêu dùng thường cao hơn cho vay thương mại, khiến chi phí bù đắp rủi ro cũng khá lớn. Đối với các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, chi phí cho các khoản cho vay tiêu dùng còn cao hơn của các ngân hàng thương mại, bởi chi phí đầu vào lớn hơn và đôi khi cũng có thể bao hàm cả chi phí cho các dịch vụ khác như: Phí chuyển khoản qua ngân hàng, phí bảo hiểm… Mặt khác, mức lãi suất cho vay tiêu dùng cũng có sự chênh lệch lớn giữa các sản phẩm khác nhau và các khách hàng khác nhau, phụ thuộc vào tính chất của sản phẩm cũng như mức độ rủi ro của từng khách hàng.

Dưới góc độ của một chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, chính rủi ro khi cho vay tiêu dùng cao đã kéo theo lãi suất cao. "Tuy nhiên, lãi suất cao là so với các khoản vay giá trị lớn, thời gian dài và có tài sản đảm bảo, còn so với những rủi ro tiềm ẩn của loại hình vay tiêu dùng tín chấp, thì mức lãi suất mà các công ty tài chính đưa ra mới chỉ đủ bù cho chi phí vận hành", ông Nghĩa nêu quan điểm.

Ngọc Hà
.
.
.