Vẫn còn sức ép lên lạm phát

Chủ Nhật, 04/09/2016, 23:13
Từ đầu năm đến nay, CPI cả nước đã tăng 2,58%, trong đó các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 8 là việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế theo bước 2 (bao gồm chi phí tiền lương) tại 16 địa phương, khiến chỉ số giá nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh tới 6,18% và việc 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí theo lộ trình khiến nhóm giáo dục tăng 0,47%.

Bộ Công Thương nhận định, từ nay đến cuối năm áp lực lạm phát vẫn còn do Chính phủ vẫn đeo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao và nhiều mặt hàng vẫn đang trong lộ trình tăng giá.

Giá thực phẩm dự báo ổn định

Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã đưa ra dự báo tháng 9 có những yếu tố tích cực giúp giá cả hàng hoá ổn định hoặc giảm như nguồn cung tương đối ổn định; giá nhiều hàng hóa trên thị trường thế giới ở mức thấp; giá lương thực thực phẩm trong nước ổn định với xu hướng giảm.

Nhu cầu mua sắm đầu năm học dự báo sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng nhẹ.

Ngược lại, những yếu tố gây sức ép tăng giá bao gồm giá xăng dầu có thể tăng trở lại; các địa phương tiếp tục lộ trình tăng giá học phí và dịch vụ y tế; và dịp nghỉ lễ 2-9, rằm Trung thu và vào mùa tựu trường khiến nhu cầu mua sắm và tiêu dùng sẽ tăng. Dựa trên những phân tích kết hợp với phần mềm dự báo, CPI tháng 9-2016 sẽ tăng khoảng 0,2% so với tháng trước.

Trong tháng 8-2016, giá thực phẩm tương đối ổn định, giá rau xanh tăng do ảnh hưởng bởi mưa bão. Giá thịt lợn bán lẻ hiện phổ biến quanh mức 100.000đ/kg, thịt bò 240.000 – 250.000đ/kg; gà ta sống 85.000đ /kg; gà ta nguyên con 105.000đ/kg; gà công nghiệp làm sẵn 45.000đ/kg… Riêng mặt hàng rau, củ quả, do thời tiết mưa bão ảnh hưởng đến nguồn cung, cộng với việc vận chuyển khó khăn nên giá một số loại rau đã tăng lên.

Tại chợ đầu mối Long Biên, Bộ Công Thương ghi nhận giá cải xanh, cải ngọt đều tăng 2.000đ/kg, lên 12.000đ/kg; cà chua 14.000đ/kg, tăng 1.000đ/kg; bí xanh tăng 3.500đ/kg lên 10.500đ/kg; rau ngót tăng 1.000đ/mớ lên 5.000đ/mớ, khoai tây 15.000đ/kg, tăng 3.000đ/kg…

Điều này cũng kéo giá tại các chợ bán lẻ lên cao hơn một chút. Bộ Công Thương cũng cho biết, giá thu mua lợn hơi tại các tỉnh phía Nam đồng loạt giảm do nhu cầu thu mua lợn của Trung Quốc thấp. Tại một số địa phương như Vĩnh Long, An Giang, giá đã giảm 2.000đ/kg đến 3.000đ/kg  so với thời điểm đầu tháng 7, hiện mức giá dao động từ 42.500đ/kg - 44.000đ/kg.

Tại Đồng Nai, giá lợn hơi bán ra tại các trại hiện cũng chỉ còn 42.000-43.000đ/kg, giảm 5.000-6.000đ/kg so với mức giá cuối tháng trước. Nếu so với mức giá “đỉnh” vào tháng 4 và đầu tháng 5-2016, giá lợn hơi trên địa bàn Đồng Nai đã giảm đến 12.000-13.000đ/kg, tương đương mức giảm hơn 23%. Dự báo cho tháng 9, giá thịt sẽ ổn định do nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc giảm, nguồn cung dồi dào.

Xuất khẩu gạo giảm hơn 20%

Về một số mặt hàng nông sản chiến lược như gạo, tính đến giữa tháng 8, các địa phương vùng ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 830.000ha vụ Hè Thu với năng  suất 5,7 - 5,8 tấn/ha; vụ Thu Đông xuống giống khoảng 490.000ha/867.000ha diện tích kế hoạch.

Do ảnh hưởng của mưa bão, các tỉnh phía Bắc là Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình bị ngập úng thiệt hại hơn 30.000ha lúa. Trong đó Hà Nam bị thiệt hại nặng nhất với hơn 83% diện tích bị ngập úng. Hiện giá lúa trong nước giảm do nguồn cung tăng vì đang vào vụ thu hoạch, trong khi nhu cầu mua xuất khẩu khá trầm lắng.

Giá lúa khô tại ĐBSCL loại thường dao động từ 4.900 – 5.000đ/kg, lúa dài khoảng 5.200 – 5.300đ/kg, giảm 200đ/kg mỗi loại so với cùng kỳ tháng trước. Giá gạo nguyên liệu loại 5% tấm khoảng 6.750 - 6.850đ/kg, gạo nguyên liệu 25% tấm là 6.400 - 6.500đ/kg tùy chất lượng và địa phương, giảm 50 - 100 đ/kg mỗi loại so với tháng trước.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo của cả nước từ đầu năm đến ngày 15-8 đạt hơn 3,1 triệu tấn và trị giá hơn là 1,4 tỷ USD, giảm 21% về lượng và 18% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là cũng là thời điểm xuất khẩu gạo đạt thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Nguyên nhân là do thiếu nhu cầu mua từ các thị trường nhập khẩu gạo chính, đặc biệt là Indonesia, Philippines và Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu châu Phi lại quan tâm nhiều hơn tới những phân khúc gạo có giá rẻ hơn như gạo cũ Thái Lan hiện đang có giá rất cạnh tranh.

Theo VFA, dự kiến xuất khẩu gạo của cả nước trong năm 2016 sẽ đạt khoảng 5,7 triệu tấn, giảm 14% so với năm 2015. Dự báo xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới khi đơn hàng xuất khẩu vẫn chưa nhiều trong khi nguồn cung tăng lên do vào đúng vụ thu hoạch.

Giá sữa dự báo không tăng từ nay đến cuối năm

Về mặt hàng sữa, giá cả không có gì biến động. Tính đến tháng 8-2016, tổng số mặt hàng sữa đã kê khai giá với Bộ Tài chính là 864 mặt hàng. Từ đầu năm đến hết ngày 15-8, nhập khẩu sữa đạt 531,3 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2015. 

Trong tháng 7, Singapore là thị trường cung cấp sữa lớn nhất cho Việt Nam với 13,14 triệu USD, tăng 10,7% về trị giá so với tháng trước đó, lũy kế 7 tháng đầu năm là 84,06 triệu USD, tiếp theo là New Zealand với 12,37 triệu USD, tăng nhẹ 0,6% so với tháng 6-2016, lũy kế đạt 119,5 triệu USD, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2015. 

Xếp vị trí thứ ba là thị trường Hà Lan với 6,47 triệu USD, tăng 21,4% so với tháng trước đó, lũy kế tăng 17,4%. Đáng chú ý, trong tháng này, nhập khẩu sữa từ Hoa Kỳ tăng mạnh, tăng 238% so với tháng 6-2016. Dự báo giá sữa sẽ ổn định đến hết năm.

Nam Phương
.
.
.