Chuyện người quản lý

Lạm phát quý II có thể quay trở lại

Chủ Nhật, 01/05/2016, 00:54
Số liệu Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 -2016 tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 1,89% so với cùng kỳ năm trước; tăng 1,33% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2016 tăng 1,41% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 4-2016 là: chỉ số giá nhóm lương thực tăng 1,11% do các thương lái thu gom lúa gạo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký, bên cạnh đó tác động của khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên và xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy giá lúa gạo trên thị trường tăng.

Xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long góp phần làm tăng CPI tháng 4.

Bên cạnh đó, giá xăng tăng 1.190 đồng/lít, dầu diezen tăng 290 đồng/lít vào các ngày 21-3-2016 và ngày 5-4-2016 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 3,83% so với tháng trước góp phần tăng CPI chung khoảng 0,16%. Theo phân tích của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nguyên nhân chủ yếu khiến CPI 4 tháng tăng, là giá hàng lương thực và thực phẩm tăng khá mạnh, giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng ổn định.

CIEM cho biết kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế quý II ước đạt 6,17%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 8,02%, thấp hơn so với cùng kỳ 2015, đạt 9,28%. Thâm hụt thương mại ở mức 0,42 tỷ USD, chủ yếu cầu đầu tư và nhập khẩu tăng (dù không nhiều so với quý I). Mức tăng giá tiêu dùng trong quý II theo dự kiến của CIEM sẽ tăng vào khoảng 0,73%, cao hơn mức 0,65% của năm 2015.

Theo CIEM, lạm phát tăng trong quý I hầu như không phải do các yếu tố tiền tệ. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ cần tiếp tục điều hành thận trọng, gắn với neo kỳ vọng lạm phát để doanh nghiệp yên tâm hơn với quyết định đầu tư dài hạn. Ổn định tỷ giá vẫn là một yêu cầu cần thiết trong quý II (thậm chí ngay từ cuối tháng 4). Cần nghiêm túc rà soát dư địa các công cụ chính sách hiện có để ứng phó với những diễn biến bất lợi của đồng USD trên thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Anh Dương, Phó ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) lưu ý, một biến số quan trọng khác cần được theo dõi chặt chẽ là khả năng tỷ giá VND/USD có biến động mạnh trong thời gian tới. Đó là, chỉ số dẫn báo áp lực tỷ giá do CIEM xây dựng và tính toán dựa trên các chỉ số thành phần là lạm phát, lãi suất và thâm hụt thương mại liên tục có những biến động tăng, giảm ở mức xấp xỉ 1,0-2,0% trong 3 tháng đầu năm 2016.

Điều này cho thấy thị trường ngoại hối và tỷ giá vẫn cần theo dõi chặt chẽ trong quý II. Vấn đề này càng quan trọng hơn nếu Hoa Kỳ tăng lãi suất vào cuối tháng 4 và/hoặc Trung Quốc điều chỉnh mạnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ.

Phan Đức
.
.
.