Vai trò cầu nối trong dự án phát triển sản phẩm nano ba kích

Thứ Hai, 14/06/2021, 16:52
Suốt quá trình nghiên cứu và hiện thực hoá ước mơ biến cây ba kích thành sản phẩm nano ba kích phục vụ chăm sóc sức khoẻ con người, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có vai trò quan trọng, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các nhà khoa học kết nối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ thương mại hoá sản phẩm.

Nhằm tăng cường giá trị của cây Ba kích hiện nay, đầu năm 2019, nhóm nghiên cứu của Dược sĩ Phan Kế Sơn và PGS. TS. Hà Phương Thư (Trung tâm Vật liệu y dược tiên tiến, trực thuộc Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã bắt tay vào thực hiện dự án cấp Nhà nước: “Thương mại hóa quy trình công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ phòng chống loãng xương từ Ba kích tím Quảng Ninh” thuộc Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 (Chương trình 2075), Bộ Khoa học và Công nghệ.

Đây là chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013, nhằm tập trung phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng, nguồn nhân lực và các thiết chế trung gian của thị trường khoa học và công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ; thúc đẩy quan hệ cung, cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ.

Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), phụ trách Chương trình 2075 – tham quan gian hàng trưng bày của nhóm nghiên cứu gồm Dược sĩ Phan Kế Sơn và PGS. TS. Hà Phương Thư (Viện Khoa học vật liệu).

Dự án thương mại hoá này do Viện Khoa học vật liệu là cơ quan chủ trì, phối hợp thực hiện cùng Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI với kinh phí từ Ngân sách Nhà nước và nguồn kinh phí đối ứng từ Doanh nghiệp – Công ty CVI về nguyên liệu, máy móc và trang thiết bị. Sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học và Doanh nghiệp không chỉ giúp cho việc nghiên cứu thành công của dự án mà còn chuyển giao được các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thương mại ra thị trường.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian thực hiện dự án, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ  – đơn vị đầu mối thực hiện Chương trình 2075 - đã có vai trò cầu nối quan trọng, khi chủ động bám sát các nhiệm vụ của dự án, hoàn thiện môi trường pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thị trường KH&CN; thúc đẩy hoạt động dịch vụ thị trường KH&CN cũng như nhu cầu công nghệ và nâng cao năng lực chuyển giao công nghê.

Thông qua chương trình 2075, với sự hỗ trợ của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, dự án đã hoàn thiện được quy trình công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng từ nguyên liệu nano Ba kích và thương mại hóa thành công quy trình công nghệ cũng như sản phẩm thực phẩm chức năng.

Bên cạnh đó, Chương trình 2075 đã giúp đẩy mạnh việc gắn kết việc gắn kết giữa các cơ quan nhà nước với cơ quan, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tổ chức trung gian và từ đó nâng cao hiệu quả thương mại hóa công nghê, góp phần thu hút các thành phần tham gia thị trường KH&CN.

Thái Hoàng
.
.
.