Nông dân Lục Ngạn chong đèn thu hoạch vải từ mờ sáng
Những chủ vườn ở “thủ phủ vải thiều” Lục Ngạn (Bắc Giang) năm nay 'trúng lớn'. Cảnh thu hoạch vải nhộn nhịp từ lúc nửa đêm cho đến khi những xe vải nặng trĩu lần lượt lăn bánh đến khu vực thương lái tập kết vào buổi sáng.
Phóng viên CAND có mặt tại một vườn vải thiều tại Lục Ngạn (Bắc Giang) vào khoảng 3h sáng ngày 10/6, người nông dân nơi đây đã luôn tay, luôn chân, người bẻ vải người gói, người buộc, người vặt lá...
Từng chùm vải căng mọng đang vào độ chín nhất được hái xuống
Sở dĩ nông dân Lục Ngạn phải đi thu hoạch vải từ nửa đêm là bởi các thương lái chỉ thu mua vải buổi sáng, chiều sẽ đóng hàng và vận chuyển đi các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu nên đa số các hộ gia đình có nhiều vải thiều sẽ làm đêm và khi trời chưa kịp sáng, chuẩn bị sẵn hàng để sáng sớm hôm sau đi bán.
Gần 5h sáng, công việc thu hoạch vải vẫn rất tất bật và khẩn trương.
Vải từ trên cây khi hái xuống sẽ được chọn lọc, bỏ lá và cuống. Người bó cầm vào phần cuống, vừa nhặt xếp vừa áng chừng nắm tay để bó thành chùm nặng khoảng 3 kg, được biết loại vải đẹp năm nay có giá 20-23.000 đồng/kg.
Vùng đất Lục Ngạn có 3 loại vải, trong đó vải U Hồng và Thanh Hà thu hoạch sớm trước một tháng, sau cùng là vải thiều. Vỏ quả vải thiều có gai sần, hạt nhỏ, cùi dày và ngọt hơn các loại khác.
Theo ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: "UBND huyện Lục Ngạn đã xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh COVID-19 bao gồm, xuất khẩu bình thường, xuất khẩu 1 vài thị trường và trường hợp xấu nhất là chỉ tiêu thụ nội địa. Chúng tôi đã xác định tinh thần nếu như dịch bệnh còn thì sẽ tập trung xúc tiến, tiêu thụ trong nước, cụ thể là các thành phố lớn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, các tỉnh miền Tây, các khu công nghiệp…Bên cạnh đó, tổ chức các lò sấy khô, tích trữ, toàn huyện đã chuẩn bị 400 lò với công suất 13 đến 15.000 tấn".
Đến 5h30 sáng, những chuyến vải đầu tiên được đưa ra chợ bán.