Tìm lối ra cho nông sản trong thời điểm giãn cách

Thứ Ba, 27/07/2021, 08:50
Những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng để phòng, chống dịch COVID-19 cũng là thời điểm nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào thu hoạch nông sản trong âu lo.


Ông Trần Cam (ngụ xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú) cho biết, lúc chưa giãn cách xã hội, gia đình ông có vườn bầu đang thu hoạch. Nhưng khi thực hiện giãn cách, các chốt kiểm soát được thiết lập, đi lại bị hạn chế thì sản phẩm thu hoạch không bán được. Sau khi nắm bắt thông tin, chính quyền địa phương liền có phương án để bà con bán được hàng mà vẫn bảm đảo an toàn trong phòng, chống dịch khi có tổ chức bài bản các điểm mua bán hàng hóa.

Tương tự, nhiều hộ trồng rau ở xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) cũng gặp khó khăn khi ngày đầu các chốt kiểm soát được thiết lập nên không thể đưa sản phẩm đi tiêu thụ. Tuy nhiên, bằng các giải pháp hợp lý của địa phương, rau màu của nông dân ở đây được đưa đi tiêu thụ ổn định. Theo ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, đơn vị phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chính quyền địa phương tìm thị trường tiêu thụ cho nông sản và cơ bản đã giải quyết xong nỗi lo của nhà nông.

"Với các loại rau, củ, quả, thực phẩm… chúng tôi đã tìm được hướng tiêu thụ cho bà con, không còn lo ế ẩm như những ngày trước. Phương tiện vận chuyển đã được cấp "luồng xanh" nên các doanh nghiệp thoải mái thu mua, tiêu thụ hàng cho bà con. Tuy nhiên, hiện còn trái nhãn là chưa được tiêu thụ mạnh. Chúng tôi đang kết nối với các doanh nghiệp và sàn giao dịch điện tử để tìm hướng tiêu thụ nhãn cho nhà vườn", ông Chiêu cho biết.

Công an các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long hỗ trợ nông dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản.

Diện tích trồng nhãn của tỉnh Sóc Trăng khoảng 3.130 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu. Trong đó diện tích nhãn đang cho trái là 2.536 ha, với tổng sản lượng khoảng 25.600 tấn. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước nên ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ nhãn của Sóc Trăng khi hiện nay đang vào vụ thu hoạch nhãn nhưng không có thương lái thu mua như những năm trước; giá bán đang giảm mạnh, từ 10.000-20.000 đồng/kg so với năm trước.

Ông Mã Chí Thọ, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, cho biết: "Hiện, nông dân thị xã đang bước vào thu hoạch nhãn xuồng, loại nhãn đặc sản nổi tiếng của Vĩnh Châu với trái to, dày cơm, ngọt. Những năm trước, vào vụ thu hoạch, thương lái đến chờ tại vườn thu mua với giá từ 35.000- 37.000 đồng/kg, nhưng nay, giá nhãn chỉ từ 10.000 - 20.000 đồng/kg vẫn khó bán. Thị xã đang tìm giải pháp để tiêu thụ cho nhà vườn". Trước thực trạng đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng phối hợp với các đơn vị có liên quan nhằm đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà vườn, trước mắt với cây nhãn.

Sở Công Thương, Bưu điện tỉnh, Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố đề xuất liên kết tiêu thụ nhãn với nhiều hình thức, như: Đưa sản phẩm nhãn lên sàn thương mại điện tử Postmart; thông tin tình hình thu hoạch đến các tỉnh, thành lân cận; các cơ quan, đơn vị, các siêu thị tại tỉnh để chung tay hỗ trợ một phần sản lượng nhãn sắp thu hoạch; tạo điều kiện thuận lợi, nhất là trong khâu vận chuyển để tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận...

Ngày 23/7, UBND tỉnh An Giang quyết định thành lập 2 đơn vị hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trên địa bàn. UBND tỉnh An Giang giao cho Sở NN&PTNT phụ trách đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin về sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh An Giang cũng quyết định thành lập Tổ phản ứng nhanh và bộ phận giúp việc hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trong tình hình dịch COVID-19. Tổ phản ứng nhanh gồm 22 thành viên do Giám đốc Sở NN&PTNT làm Tổ trưởng.

Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Tổ phản ứng nhanh có trách nhiệm triển khai, phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 huyện, thị xã, thành phố kịp thời tháo gỡ, xử lý các tình huống khó khăn để hỗ trợ địa phương thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản được thuận lợi, đảm bảo thông suốt, an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19...

Vào mùa thu hoạch nhưng giá các loại nhãn tại TP Cần Thơ giảm mạnh. Cụ thể, nhãn Ido chỉ còn 6.000 đồng/kg (trong khi đó cùng kỳ năm trước từ 25.000 - 30.000 đồng/kg). Còn thanh nhãn, hiện chỉ còn 25.000 đồng/kg (giảm khoảng 40.000 đồng/kg). Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh, các địa phương tại ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh đang thực hiện Chỉ thị 16 nên việc vận chuyển nhãn ra các chợ đầu mối, chợ truyền thống gặp khó khăn.

Ông Lâm Văn Tính (ngụ xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ), thấp thỏm: "Bà con ở đây đang lo vì không có thương lái đến hỏi mua. Một số chủ vườn gọi cho tiểu thương hỏi có mua nhãn không thì tiểu thương trả lời "bây giờ giãn cách rồi, chợ đóng cửa có ai đi chợ đâu mà mua".

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, từ đây đến cuối tháng 7, địa phương còn khoảng 200-300 tấn nhãn và trong tháng 8 có gần 2.000 tấn cần tiêu thụ. Giải pháp trước mắt, Sở NN&PTNT sẽ kết nối những HTX trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP với Sở Công thương TP Cần Thơ để Sở Công Thương gửi bán ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích.

Ngoài ra cũng đề xuất Sở Công Thương gửi đăng bán lên sàn thương mại điện tử của Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương). "Mình kết nối nhiều kênh khác nữa, như thông qua Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản của Bộ NN&PTNT để kết nối chung với cả nước. Còn đối với những nhà vườn, tổ hợp tác, HTX trồng nhãn khác có địa chỉ cụ thể, Sở hỗ trợ bán tại các điểm bình ổn giá của Cần Thơ, nhưng nhà vườn phải cam kết chất lượng và vệ sinh an toàn", ông Nghiêm nói. Trong vài ngày tới, Sở NN&PTNT sẽ ra mắt sàn thương mại điện tử, đang chờ đưa lên cơ sở dữ liệu. Sàn này chuyên về lĩnh vực kết nối cung cầu, phục vụ riêng trên địa bàn thành phố, giúp người mua và người bán kết nối với nhau.

Tổ công tác Bộ NN&PTNT vừa tiếp tục thông tin về tình hình kết nối, cung ứng, tiêu thụ hàng hóa tại địa bàn 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Theo tổ công tác, tính đến ngày 25/7, có tổng 388 đầu mối cung cấp nông sản, thực phẩm đăng kí với Tổ công tác, gồm 85 đầu mối rau củ, 102 đầu mối trái cây; 157 đầu mối thủy hải sản; 24 đầu mối lương thực; các mặt hàng khác 20 đầu mối.

Ngoài ra, 12/13 tỉnh ĐBSCL cũng cấp qua Tổng cục Thủy sản có 148 đơn vị nuôi trồng thủy sản với nhiều loại khác nhau sẽ thu hoạch trong thời gian tới. Trong tổng số 388 đầu mối đăng kí qua tổ, sản lượng hàng hóa có thể cung cấp đến 31/7 và đang có dấu hiệu thừa nhóm hàng trái cây, sản phẩm chăn nuôi và thủy sản. Cụ thể, nhóm rau củ tăng đột biến sản lượng khoai lang tím và khóm (dứa). Trong khi đó dưa leo có dấu hiệu cung vượt cầu.

Nhóm trái cây có số lượng đăng kí tăng cao nhất là nhãn, lượng cung các đầu mối trên 700 tấn/ngày. Nhãn, chuối đang có dấu hiệu khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các doanh nghiệp thu mua không thể tiếp cận hết các địa bàn…
V.ĐỨC - V.VĨNH - T.LĨNH
.
.
.