Tiền “đọng” trong kho bạc, Nhà nước vẫn phải trả lãi vay

Thứ Năm, 26/10/2017, 07:49
Tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) 9 tháng đầu năm chỉ khoảng 7% dự toán – một tỷ lệ rất thấp, trong khi đó tỷ lệ huy động TPCP cao lại đạt đến 80,8% kế hoạch, với lãi suất bình quân khoảng 6,1%/năm.

Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra một thực tế đáng lưu ý: Tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) 9 tháng đầu năm chỉ khoảng 7% dự toán – một tỷ lệ rất thấp, trong khi đó tỷ lệ huy động TPCP cao lại đạt đến 80,8% kế hoạch, với lãi suất bình quân khoảng 6,1%/năm. Điều này tạo ra nghịch lý là một số tiền lớn đọng tại Kho bạc Nhà nước, trong khi Chính phủ vẫn phải trả lãi huy động.

Về thu ngân sách, lượng ước vượt 27.320 tỷ đồng so với dự toán là thấp nhất so với kết quả thực hiện dự toán trong 3 năm gần đây (đều tăng từ 8,6% - 9,6%). Bên cạnh đó, 13/48 địa phương dự kiến không đạt dự toán thu NSNN trên địa bàn, trong đó có Hà Nội ước đạt 92,03%; TP Hồ Chí Minh 97,9%; Vĩnh Phúc 77,6%; Bình Dương 89,1%; Đồng Nai 89%; Ninh Thuận 84%...

Thu ngân sách 9 tháng mới đạt 69,5% dự toán, đạt thấp cả về tiến độ dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ 3 năm gần đây; trong đó một số khoản thu rất thấp như thu bán vốn đạt 16,7%. Về cơ cấu thu, toàn bộ số vượt thu ngân sách là từ vượt thu ngân sách địa phương.

Thu ngân sách Trung ương (NSTW) 9 tháng mới đạt khoảng 63,2% dự toán, mặc dù cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (đạt 62% dự toán), song tiềm ẩn nguy cơ hụt thu năm thứ 3 liên tiếp (Năm 2016 hụt thu 321 tỷ đồng, năm 2015 hụt thu 2.144 tỷ đồng) nếu thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn theo tiến độ như 9 tháng đầu năm, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và bán vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn không đạt kế hoạch đề ra.

Việc NSTW năm 2017 có khả năng hụt thu là điều cần được lưu ý do năm 2017 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, khi điều chỉnh tỷ lệ điều tiết giữa các cấp ngân sách so với giai đoạn trước đã xác định trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo NSTW với vai trò chủ đạo theo Điều 55 Hiến pháp năm 2013. Do đó, KTNN cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu để khắc phục, đảm bảo nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chi của NSTW.

Về chi ngân sách, chất lượng công tác lập, xây dựng kế hoạch vốn năm 2017 được cho là còn hạn chế. Đầu tiên là phân bổ, giao kế hoạch vốn chậm. Đến ngày 21-8-2017, kế hoạch vốn năm 2017 chưa được giao còn khoảng 47.800 tỷ đồng (trong đó riêng vốn TPCP chưa giao khoảng 44.800 tỷ đồng/50.000 tỷ đồng kế hoạch vốn TPCP); chưa kể kế hoạch vốn TPCP năm 2016 cũng còn 10.159 tỷ đồng chưa được phân giao (trên tổng số 16.458 tỷ đồng kế hoạch vốn TPCP năm 2016 chưa phân bổ, chuyển nguồn sang năm 2017).

Việc chậm phân giao vốn đầu tư, nhất là vốn TPCP dễ dẫn đến lãng phí NSNN do phải trả lãi huy động, gia tăng chi phí đầu tư xã hội khi nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ ứng trước vốn đầu tư chưa thu hồi còn lớn, nhu cầu bố trí chi đầu tư phát triển cao.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng thấp. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn TPCP đạt rất thấp, chỉ đạt khoảng 7% dự toán. Điều đó cho thấy một số tiền dư lớn đọng tại Kho bạc Nhà nước trong khi Chính phủ vẫn phải trả lãi huy động. Việc chậm giải ngân tác động tiêu cực tới tăng trưởng, đồng thời gây lãng phí nguồn vốn huy động TPCP, hiệu quả sử dụng vốn ngân sách không cao...

PV

.
.