Thị trường và chất lượng là “át chủ bài” ngành nông nghiệp

Thứ Tư, 06/06/2018, 08:55
Nông sản Việt hiện đã có mặt ở khoảng 180 thị trường trên thế giới với nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng “top” đầu. Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả hơn, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm được đánh giá là con “át chủ bài”.


Tại chuyên đề nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt”, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 diễn ra ngày 5-6, tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico cho biết: “Tôi là một thương lái”. Bà từng bán được 400 tấn cam một ngày ở chợ Long Biên (Hà Nội), từng xắn tay đi mua cả nông trường những năm 2000. Năm 2002, có ngày bà cũng xuất khẩu 200-300kg vải thiều.

Thế nhưng, bà Thực cho biết, lực lượng “thương lái” như bà không còn nhiều khi không tham gia vào khâu thu mua tận gốc như trước. Thay vào đó là những thương lái Trung Quốc. 

Thu hoạch vải thiều.( ảnh minh hoạ Internet)

“Thương lái Trung Quốc vào đến tận vùng sâu, vùng xa, đến bất cứ ngõ hẻm nào của Việt Nam và họ giỏi hơn chúng ta là Việt Nam có gì ngon nhất, thời điểm nào thu hoạch, có gì ngon nhất họ đều biết được để thu mua”, bà nói. Theo bà, một trong những cái chợ lớn nhất thế giới hiện nay chính là Trung Quốc. 

“Nhưng có thể nói rằng, chúng ta không có gian hàng nào ở đó, chỉ ngồi ở nhà chờ họ đến mua. Nông sản Việt Nam đang như một cô gái quê danh giá, chỉ chờ họ tới nhà tán tỉnh và nói hãy mua tôi đi. Đây là điều chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ lại, thay vì nghĩ tới những thứ cao sang”, bà Thành Thực chia sẻ.

Tại diễn đàn, ông Trương Gia Bình - người điều phối phần thảo luận - đề cập, đâu là con át chủ bài của nông nghiệp Việt Nam để vươn ra quốc tế. Bà Thành Thực cho rằng, người quyết định giá trị thương mại là người sản xuất và với sự phát triển của công nghệ thông tin thì chợ thương mại điện tử vô cùng quan trọng. 

Theo bà Thực, Việt Nam mới chỉ làm tốt ở khâu nguyên liệu và nếu muốn dẫn dắt thị trường thì người Việt cần dẫn dắt cả khâu sản xuất. Điển hình như, Trung Quốc - thị trường lớn về tiêu dùng, họ biết cách chế biến và xuất đi khắp các nước và họ sẵn sàng đầu tư. Trong khi đó, Việt Nam quan tâm cung ứng thì bỏ lỡ các khâu khác.

Ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch HĐQT Lina Network cho rằng: “Át chủ bài” để phát triển nông nghiệp chính là thị trường. Hiện nay, nông nghiệp phát triển rất tốt, có lợi thế về các điều kiện địa lý, con người, chính sách… Người Việt Nam rất thông minh, sáng tạo nhưng luôn bị đặt vào tình trạng “được mùa mất giá” và ngược lại, thậm chí còn “mất mùa mất giá”, phải tập trung giải cứu. Do đó, có thể thấy Việt Nam chưa đáp ứng thị trường, phải tìm xem thị trường cần gì để đáp ứng cho phù hợp.

Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch điều hành Central Group (Thái Lan) cho hay: Nông sản Việt cần được quản lý chất lượng và thương hiệu nghiêm ngặt, đồng thời cần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Việt Nam là một trong 5 nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới. Tuy được khách hàng đánh giá cao về khả năng cung ứng hàng số lượng lớn, giá rẻ song chè Việt chủ yếu xuất thô, không có thương hiệu nên lợi nhuận thấp. Bên cạnh chè, trong những năm gần đây, gạo và tiêu đen Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh mạnh từ nhà xuất khẩu Campuchia. 

“Nếu không xây dựng được sự khác biệt, Việt Nam sẽ mất lợi thế xuất khẩu. Ngoài tập trung nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cũng cần đầu tư kỹ thuật để thiết kế, chế biến, đóng gói sản phẩm cho phù hợp, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm, từ đó gia tăng lợi nhuận trong quá trình xuất khẩu…”, ông Hải nói.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao cho rằng, có hai giải pháp nếu làm được sẽ rất hiệu quả. Một là thành lập một nhóm nghiên cứu thị trường luôn luôn “update” thông tin cho nông dân, doanh nghiệp, bộ, ngành. Thứ hai là cần tổ chức nhóm chuyên gia trẻ đi tất cả hội chợ quốc tế uy tín để nắm bắt thông tin, học hỏi. Theo đó, “át chủ bài” để phát triển nông nghiệp Việt Nam là chuẩn chất và giá trị gia tăng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng: Ngoài những kết quả tích cực đạt được, ngành nông nghiệp còn những hạn chế, tồn tại nhất định. Điển hình như, hạn chế trong khâu chế biến; bất cập trong quản lý vật tư đầu vào, vấn đề tổ chức sản xuất, kiểm soát lưu thông hàng hóa, chưa tổ chức được thị trường trong nước… 

“Để giải quyết những bất cập trên, nguyên tắc quan trọng là phải tiếp cận đúng hướng, lấy thị trường làm mục tiêu, lấy tiêu chuẩn thị trường làm thước đo chất lượng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Trân Trân
.
.
.