Ngành Nông nghiệp cần thay đổi tư duy sản xuất

Thứ Tư, 06/07/2016, 09:46
Số tiệu từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng tăng 5,52%. Ngành nông - lâm - thuỷ sản tiếp tục tăng trưởng âm khi giảm tới 0,18%, tương ứng 397.400 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là do sản lượng lúa đông xuân năm nay chỉ đạt 19,4 triệu tấn, giảm mạnh so với cùng kỳ khiến nông nghiệp giảm 0,78%.

Thêm vào đó, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long... gây thiệt hại nặng. Ước tính hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng cho nền kinh tế Việt Nam.

Dù lâm nghiệp tăng 5,75%, thuỷ sản tăng 1,25% nhưng do nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nên không thể cứu vãn sự suy thoái của ngành. Như vậy, sau 10 năm kể từ năm 2005, lần đầu tiên ngành Nông nghiệp tăng trưởng âm.

Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NN&PTNT cho biết, trong 6 tháng đầu năm, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tình hình xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán gay gắt xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên làm nhiều diện tích gieo trồng không thể sản xuất do thiếu nước; cá chết bất thường ở các tỉnh ven biển miền Trung; thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản sụt giảm… đã tác động mạnh đến kết quả hoạt động và thực hiện kế hoạch của ngành.

Sản xuất trồng trọt bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, dẫn đến tăng trưởng giảm. Vụ lúa đông xuân, cả nước đạt 19,37 triệu tấn, giảm 1,326 triệu tấn (-6,4%) so với vụ đông xuân năm 2015; riêng đồng bằng sông Cửu Long giảm 1,14 triệu tấn so với cùng kỳ (-10,2%).

Trong khi nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2016 đang trong đà tăng trưởng âm thì chính sách đầu tư vào nông nghiệp dường như chưa thực sự thu hút được doanh nghiệp tham gia.

Ông Lê Văn Bảnh cho rằng, chính sách cho nông nghiệp ở nước ta hiện có rất nhiều vấn đề. Chính sách cho nông nghiệp của nước ta rất đầy đủ, nhưng để tiếp cận được lại rất khó, đơn cử như doanh nghiệp muốn đầu tư sản xuất lớn thì phải có đất đai, nhưng đất đai lại do các hộ quản lý, sử dụng, nên họ không thể có diện tích đủ lớn để sản xuất. Rất ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ.

Sở dĩ như vậy các doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp hiện rất khó vay vốn của ngân hàng do ngân hàng lo ngại sẽ bị nợ xấu. Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, đã đến lúc ngành nông nghiệp cần thay đổi tư duy sản xuất.

Đối phó với tác động của thiên tai, khí hậu không đơn giản, song việc chuyển đổi và nâng cao giá trị cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu sẽ giảm bớt những thiệt hại do thiên nhiên gây ra. Điều cốt lõi của ngành Nông nghiệp là tích cực chuyển đổi để nâng cao chất lượng và giá trị..

“Tôi cho rằng, điều đầu tiên chúng ta cần quan tâm là tích cực chú trọng để việc gia tăng giá trị sản xuất, thay vì chỉ chạy theo sản lượng. Chẳng hạn như 6 tháng đầu năm nay, dù sản lượng một số ngành giảm, nhưng chất lượng, giá trị vẫn tăng như ngành rau quả xuất khẩu đã tăng tới 47% đạt giá trị hơn 1 tỷ USD. Do đó, theo tôi điều quan trọng là phải tích cực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng, có thể giảm cây/con nọ, tăng cây/con kia nhưng vẫn đạt yêu cầu, thậm chí vượt về giá trị, tăng trưởng là được”.

Ngọc Yến
.
.
.