Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm Tết

Thứ Hai, 25/01/2021, 08:57
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, có sự phối hợp của Quản lý thị trường (QLTT), Cảnh sát kinh tế...

Các đoàn kiểm tra sẽ tập trung kiểm tra việc sản xuất, phân phối, kinh doanh, tiêu thụ những mặt hàng thực phẩm, rượu bia, bánh kẹo, nước giải khát... tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, cửa hàng, các kho lạnh chứa thực phẩm... Riêng tại 3 chợ đầu mối là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức, lực lượng kiểm tra sẽ trực 24/24 giờ để kiểm tra hàng hóa nhập chợ và hoạt động kinh doanh.

Trong những ngày gần đây, lực lượng kiểm tra đã phát hiện một số sai phạm của các cơ sở, cá nhân liên quan đến các mặt hàng tiêu thụ mạnh trong dịp Tết. Cụ thể, ngày 22/1, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT TP Hồ Chí Minh) kết hợp với UBND phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, bất ngờ kiểm tra 2 kho hàng tại hẻm 907 Hương Lộ 2, quận Bình Tân và phát hiện số lượng lớn bột ngọt giả nghi nhập lậu. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện gần 1.800 bao bột ngọt nhãn hiệu hai con tôm loại 25 kg/bao. Bề mặt bao bì của số bột ngọt này đều được in bằng chữ Trung Quốc, không có tiếng Việt.

Chủ lô hàng không có mặt tại thời điểm kiểm tra nên số bột ngọt này không có hoá đơn, chứng từ mua bán và nguồn gốc xuất xứ. Được biết, loại bột ngọt này cấm lưu thông trên thị trường Việt Nam, ước tính khối lượng bột ngọt bị phát hiện lên đến khoảng 45 tấn, ước trị giá gần 2 tỷ đồng.

Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh bắt vụ bột ngọt hiệu hai con tôm (Trung Quốc) không có hóa đơn chứng từ.

Ngày 13/1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH TMDV &XNK Đại Lợi (do ông Lê Văn Lợi làm Giám đốc, đại diện pháp luật) tại đường Văn Thân, phường 8, quận 6.

Qua khảo sát ban đầu, ước tính số rượu ngoại nhập đang để tại kho này khoảng 5.000 thùng (khoảng 25.000 chai). Trong đó có 3.903 chai (khoảng 750 thùng) không có hóa đơn chứng từ, không có tem nhãn, trị giá ước tính trên 7 tỷ đồng. Kiểm tra tiếp 5 kho hàng của công ty này tại phường 10, phường 7 (quận 5) và phường 14 (quận 10), ước tính số rượu ngoại nhập các loại đang chứa tại 5 kho này khoảng 7.000 thùng (khoảng 35.000 chai), cơ quan chức năng đang làm rõ các chứng từ liên quan đến số rượu ngoại đang chứa tại các kho hàng này.

Cũng liên quan đến mặt hàng rượu ngoại, ngày 5/1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an quận 12 triệt phá “xưởng” sản xuất rượu ngoại giả do Phạm Đình Hạnh (quê Thanh Hóa) thực hiện.

 Theo lời khai ban đầu của Hạnh, Hạnh chuyên làm giả 2 loại rượu ngoại hiệu Chivas và Hennessy với công thức: Cứ 4 chai rượu Vodka Hà Nội pha với 1 chai rượu ngoại thật cùng hóa chất tạo màu, hương liệu để cho ra 5 chai rượu ngoại giả cùng loại. Sau đó, Hạnh chiết số rượu giả này vào các vỏ chai rượu ngoại được mua trôi nổi bên ngoài rồi dán tem nhãn, bán ra ngoài thị trường.

Liên quan đến mặt hàng thực phẩm tươi sống, ngày 13/1, Đội Quản lý ATTP liên quận (quận Bình Tân - Tân Phú - Tân Bình) kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh thực phẩm tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, phát hiện cơ sở này đang kinh doanh 5.594kg thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và các phụ phẩm động vật (lá lách bò, trứng gà non, thịt lợn, sụn gà, cá thác lác). Lô hàng đã bị tiêu hủy và xử phạt 90 triệu đồng. Chủ hàng khai nhận, lô hàng này thu mua không có chứng từ, hóa đơn từ Hà Nội, Nha Trang.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2020, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã tổ chức kiểm tra phát hiện 302 vụ vi phạm về ATTP. Trong đó đã tạm giữ 244.726 sản phẩm với các vi phạm: không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, giả mạo nhãn hiệu... với tổng số tiền xử phạt hơn 4,9 tỷ đồng.

“Lực lượng QLTT thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, các đoàn liên ngành, chính quyền các quận huyện tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, chế biến, lưu thông, kinh doanh thực phẩm từ nay cho đến sau Tết Nguyên đán Tân Sửu. Mục tiêu là loại trừ các loại thực phẩm kém chất lượng, không có nguồn gốc, hết hạn sử dụng cho thị trường Tết”, ông Đạt nói.

Thị trường hàng Tết không chỉ sôi động ở các kênh bán hàng truyền thống mà còn nhộn nhịp hơn ở “chợ” mạng xã hội. Ban Quản lý ATTP cũng đưa kinh doanh qua mạng là đối tượng để lấy mẫu kiểm nghiệm và thanh tra, kiểm tra trong đợt Tết. Theo đó, các sản phẩm “nhà làm” bán trên mạng vẫn phải đáp ứng tiêu chí về chất lượng. Nếu là thực phẩm chế biến sẵn, cần phải có thủ tục tự công bố về hàm lượng, cam kết không có chất cấm, cóhạn sử dụng; nếu thực phẩm tươi sống thì phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chỉ những đơn vị kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử lớn, có địa chỉ kinh doanh và sản xuất rõ ràng, thì mới có thể kiểm soát được. Đối với những trường hợp thực phẩm bán qua mạng xã hội rất khó kiểm soát.

Đại diện Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân là do các đối tượng giao dịch mua bán trên trang thương mại điện tử, các nền tảng ứng dụng như website tự lập, Zalo, Facebook, YouTube... đăng ký thông tin không chính xác, không xác định được nơi chứa trữ hàng hóa nên việc kiểm tra, xử lý đối tượng vi phạm trong kinh doanh mạng xã hội gặp nhiều khó khăn.

Song song với việc kiểm tra, lấy mẫu để kiểm nghiệm tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, kho lạnh, ngày 22/1, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với Ban Quản lý ATTP thành phố tổ chức Hội nghị tuyên truyền, tập huấn kiến thức về ATTP, nhằm giúp cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến các mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, có ý thức tuân thủ pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành vi, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Qua buổi tuyên truyền, các cơ sở dịch vụ, sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã ký cam kết không tham gia mua bán thực phẩm giả, thực phẩm lậu, thực phẩm không đảm bảo ATTP, không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng...

T.Hà
.
.
.