Tăng cường kiểm soát thị trường bánh Trung thu

Thứ Năm, 17/09/2020, 09:23
Chỉ còn hơn nửa tháng nữa đến Tết Trung thu, nhưng trên thị trường vẫn chưa có nhiều điểm, gian hàng bán bánh Trung thu (BTT). Do, ảnh hưởng dịch COVID -19 sức mua được dự đoán sẽ giảm so với mọi năm... Tuy nhiên, để góp phần bảo vệ quyền lợi và an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng (NTD), lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát thị trường này, kiên quyết xử lý hành vi vi phạm.


Ghi nhận một số tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh, như: Giao lộ Nguyễn Tri Phương – Ngô Gia Tự (quận 10), đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), đường Nguyễn Tri Phương (quận 5)… các điểm bán BTT xuất hiện từ rất sớm, cách đây khoảng một tháng, nhưng lượng người mua vẫn còn khá vắng vẻ. 

Một số tuyến đường như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Thập (quận 7) mọi năm có hơn chục điểm bán, nhưng năm nay vẫn chưa thấy xuất hiện điểm bán nào. Nhìn chung, thị trường BTT năm nay không quá nhộn nhịp, mặc dù các DN sản xuất cạnh tranh chạy đua về mẫu mã, giá cả.

Bánh Trung thu ngoại nhập rao bán trên mạng hoàn toàn không có thông tin liên quan đến thành phần, chất lượng, xuất xứ sản phẩm.

Anh Nguyễn Thái Sơn (ngụ tỉnh Long An), chủ của điểm bán BTT tại đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3 cho biết, đây là  năm thứ 3 gia đình anh thuê mặt bằng để bán BTT tại tuyến đường này và 5 điểm bán khác tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Long An. Các gian hàng này chủ yếu bán BTT Đồng Khánh Bông Lúa Vàng – là thương hiệu BTT của gia đình. Bên cạnh sản phẩm truyền thống của gia đình, điểm bán của anh còn có thêm BTT của Kinh Đô để khách hàng có nhiều lựa chọn. 

Theo đánh giá của anh Sơn, sức mua BTT năm nay yếu hẳn so với mọi năm, có lẽ do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên phần nào tác động đến sức mua. Chỉ riêng 2 ngày đầu mới khai trương từ 16 đến 18/8, doanh thu tại điểm anh bán chỉ hơn 1 triệu đồng/ngày. Trong khi đó chi phí bỏ ra rất nhiều như: thuê tủ kính bán bánh 400.000 đồng/ngày (10 tủ), tiền thuê mặt bằng, phí vệ sinh, lao động,...

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Đại diện cơ sở bánh Đồng Khánh Bông Lúa Vàng cho biết, mùa BTT năm nay cơ sở đã giảm khoảng 30% sản lượng so với năm ngoái, mặc dù giá nguyên liệu làm BTT năm nay đồng loạt tăng, nhất là giá thịt heo, nhưng công ty không dám tăng giá bán theo giá nguyên liệu, mà chỉ dám tăng nhẹ khoảng 1.000 – 3.000 đồng/bánh, tùy loại. 

Đại diện Bibica cho biết, mùa Trung thu năm nay, DN sản xuất sản lượng bằng với ngoái là 600 tấn BTT và giữ nguyên giá bán, trong khi giá nguyên liệu tăng 5%. Ngoài các điểm bán trực tiếp phủ khắp các tỉnh, thành trên cả nước, DN còn đẩy mạnh kênh bán hàng online với các đối tác liên kết như Tiki, Lazada, Shopee…

Ngoài các dòng BTT truyền thống, BTT cao cấp, BTT dinh dưỡng, BTT chay, BTT ăn kiêng... như mọi năm, năm nay các đơn vị sản xuất BTT cũng đã cạnh tranh nhau bằng nguyên liệu thiên nhiên với các loại hạt, các loại trái cây sấy dẻo. 

Bibica tung dòng bánh Lava trứng muối, theo hãng này, đây là dòng bánh truyền thống của HongKong nhưng được Việt hóa với vỏ bánh nướng mềm bọc nhân trứng kết hợp hạt sen, dừa tươi, điều, hạnh nhân, dâu tây, nho, mứt chanh… Kinh Đô cũng tung dòng bánh Lava trứng chảy với ba vị kem sữa, phô mai và đậu xanh, chà bông; BTT không đường... Công ty ABC Bakery đưa ra thị trường sản phẩm BTT thanh long kết hợp phô mai, hứa hẹn nhiều đột phá cho dòng bánh truyền thống. 

Hiện, trên thị trường giá BTT của các hãng có giá dao động khoảng từ 39.000 – 165.000 đồng/bánh dòng phổ thông; giá từ 250.000 – 2.500.000 đồng/hộp dòng bánh cao cấp.

Nếu tại các điểm bán trực tiếp chủ yếu các loại BTT của các thương hiệu Việt thì trên "chợ" online xuất hiện rất nhiều loại BTT “nhà làm” hoặc BTT ngoại nhập với giá rẻ hơn nhiều so với BTT các nhãn hiệu truyền thống, khiến NTD không khỏi băn khoăn. 

Những loại bánh này được bán trên rầm rộ trên Facebook và các sàn thương mại điện tử, các loại BTT “nhà làm” thì được giới thiệu sử dụng đường ăn kiêng, và các loại màu không dùng phụ gia hóa chất mà là màu tự nhiên của các loại rau quả như: Màu xanh dùng lá dứa, màu đỏ dùng củ dền, màu vàng dùng nghệ... 

Tuy nhiên, các sản phẩm BTT “nhà làm” trên bao bì hoàn toàn không có một thông tin nào về thành phần, chất lượng sản phẩm.tương tự, với các loại bánh ngoại nhập, nhiều nhất là BTT được người bán giới thiệu có xuất xứ Trung Quốc. Loại bánh này nhỏ chỉ 40gr, bán với giá 28.000 – 30.000 đồng/chục. Trên phần bao bì sản phẩm, ghi toàn chữ nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt, nên NTD cũng hoàn toàn không mù tịt, không có thông tin nào về thành phần, tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng...

Để kiểm soát thị trường BTT, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có công văn gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu 2020. 

Theo đó, trước Tết Trung thu, Cục QLTT các tỉnh, thành phố khu vực biên giới và dọc tuyến vận chuyến từ biên giới vào nội địa có phương án kiểm tra đột xuất; ngăn chặn và xử lý vi phạm về vận chuyển, kinh doanh các loại nhân bánh làm sẵn; BTT giá rẻ, BTT nghi ngờ có nguồn gốc từ nước ngoài nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Các đơn vị kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm BTT như nhân bánh, mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng, nước đường, trứng muối... 

Đặc biệt, lưu ý kiểm tra các cơ sở sản xuất BTT quy mô lớn, đầu mối cung cấp, địa điểm tập kết nguồn hàng. Tăng cường hậu kiểm an toàn thực phẩm BTT lưu thông trên thị trường, các loại BTT được sản xuất theo phương thức cổ truyền, BTT tự làm không công bố chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Sau Trung thu, Cục QLTT các tỉnh, thành phố kiểm soát việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng được bán giảm giá, khuyến mại hoặc tái sử dụng để sản xuất ra các sản phẩm khác gây mất an toàn trong quá trình sử dụng. Nếu phát hiện vi phạm kịp thời phối hợp với các cơ quan có liên quan để truy xuất nguồn gốc, đình chỉ lưu thông sản phẩm góp phần bảo đảm quyền lợi và an toàn sức khỏe cho NTD.

Thúy Hà
.
.
.