Sẽ xử lý những doanh nghiệp “xù” hợp đồng đấu thầu gạo dự trữ quốc gia

Thứ Hai, 20/04/2020, 07:56
Dư luận xôn xao trước câu chuyện doanh nghiệp (DN) trúng thầu hợp đồng bán gạo dự trữ quốc gia, nhưng vì thấy giá gạo xuất khẩu cao hơn, nên đã “xù” hợp đồng.

Trong mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao trước câu chuyện doanh nghiệp (DN) trúng thầu hợp đồng bán gạo dự trữ quốc gia, nhưng vì thấy giá gạo xuất khẩu cao hơn, nên đã “xù” hợp đồng đấu thầu, sau đó xin mở tờ khai hải quan để xuất khẩu gạo. Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) cho biết sẽ xử lý những trường hợp nói trên và đấu thầu lại để đảm bảo mua đủ gạo dựtrữ.

Theo Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 21/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu kế hoạch dự trữ quốc gia, năm 2020 Bộ Tài chính giao cho Tổng cục DTNN mua 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia.

Tổng cục DTNN đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, giao nhiệm vụ cho 22 cục DTNN khu vực tổ chức đấu thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật. 

Kết quả, đến hết ngày 8/4/2020, trong tổng số 190.000 tấn gạo kế hoạch đấu thầu có 12.000 tấn không có nhà thầu trúng thầu; 178.000 tấn gạo có 28 nhà thầu trúng thầu, nhưng mới chỉ có 4 nhà thầu (trong đó có 2 nhà thầu ký 100% số lượng trúng thầu và 2 nhà thầu ký một phần) đã ký hợp đồng 7.700 tấn gạo (đến nay, 3.000 tấn gạo đã được nhập kho dự trữ).

Điều đáng nói đó là một số DN trúng thầu đã không thực hiện hợp đồng cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia nhưng lại xin mở thủ tục hải quan để xuất khẩu gạo.

Có thể điểm danh 4 DN nằm trong danh sách nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020 như: Tổng Công ty Lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, đến thời điểm hiện nay chưa ký hợp đồng, tuy nhiên DN này lại đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn.

Hay Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn, DN cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu, tổng khối lượng hơn 13.000 tấn. 2 DN khác gồm Công ty CP Mỹ Tường và Công ty CP XNK Thuận Minh cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Cục DTNN khu vực, tuy nhiên 2 DN này cũng đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.

Trước hiện tượng này, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Đỗ Việt Đức cho biết, đối với các DN đã được phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu nhưng đã có văn bản từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng là không đáp ứng quy định của Luật Đấu thầu và văn bản hướng dẫn luật, sẽ bị xử lý theo quy định.

Căn cứ vào quy định của Luật Đấu thầu, trường hợp nhà thầu từ chối thương thảo hoặc từ chối hoàn thiện, ký kết hợp đồng thì nhà thầu sẽ không được nhận số tiền bảo đảm dự thầu là 1,5 đến 3% giá trị gói thầu, căn cứ quy mô và tính chất của từng gói thầu cụ thể. Số tiền này sẽ bị thu nộp vào ngân sách nhà nước.

Tổng cục trưởng Đỗ Việt Đức cũng cho biết, để thực hiện nhiệm vụ mua đủ số lượng gạo theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, Tổng cục DTNN đã báo cáo Bộ Tài chính cho tổ chức đấu thầu lại đối với số lượng 182.300 tấn gạo để bảo đảm đủ chỉ tiêu 190.000 tấn gạo nhập kho.

Theo ông Đức, hiện nay lượng lương thực tồn kho vẫn bảo đảm đủ khả năng để đáp ứng hỗ trợ nhân dân, các địa phương khi có các tình huống đột xuất, cấp bách, thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Việc mua 190.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, hàng năm của Tổng cục DTNN và đây là kế hoạch mua bổ sung để tăng nguồn lực dự trữ quốc gia, theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia.

Hà An
.
.
.