Nhiều khiếu nại về việc đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia

Thứ Hai, 06/04/2009, 17:09
Báo CAND liên tục nhận được rất nhiều đơn khiếu nại, phản ánh trực tiếp của các nhà dự thầu bán gạo dự trữ quốc gia tại các khu vực Hà Nam Ninh, Thanh Hoá... Tựu trung những ý kiến nêu trên là sự bất bình trước những quan điểm xét kết quả của Hội đồng xét thầu...
>> Tự dưng bị thua thầu

Báo CAND số ra gần đây có nêu hiện tượng Chi cục Dự trữ quốc gia khu vực Thái Bình có biểu hiện bất bình thường trong việc đấu thầu đợt 1 gồm 8 gói mua 4.500 tấn gạo 15% tấm (sản xuất khu vực miền Đông Nam Bộ) xét thầu, người bỏ giá thấp nhất bị Hội đồng xét thầu tìm mọi lý do "phụ" để loại bỏ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước vì phải mua giá cao.

Ngay sau khi báo nêu, Cục Dự trữ quốc gia đã có sự can thiệp rất tích cực và kịp thời, yêu cầu Thái Bình bàn giao toàn bộ hồ sơ để điều tra xem xét. Nhờ đó, cuộc đấu thầu đợt 2 đã diễn ra có phần công minh, nghiêm túc hơn.

Các nhà dự thầu lớn, uy tín và năng lực dù không có trụ sở tại Thái Bình vẫn được trúng thầu sau những cuộc rượt đuổi nhau căng kíp, quyết liệt hạ thấp giá đấu. Ngân sách Nhà nước chi tiêu cho việc mua gạo dự trữ vì thế cũng thấp hơn hàng trăm triệu đồng so với đợt 1.

Nhưng cũng trong thời gian này, Báo CAND liên tục nhận được rất nhiều đơn khiếu nại, phản ánh trực tiếp của các nhà dự thầu bán gạo dự trữ quốc gia tại các khu vực Hà Nam Ninh, Thanh Hoá... Tựu trung những ý kiến nêu trên là sự bất bình trước những quan điểm xét kết quả của Hội đồng xét thầu...

Công ty cổ phần Thành Đạt thành lập từ năm 1989 với ngành nghề kinh doanh chính là lương thực và dệt may quy mô lớn. Để bảo đảm các tiêu chí nêu trong hồ sơ mời thầu đợt 1 năm 2009 của Cục Dự trữ quốc gia khu vực Hà Nam Ninh và Thanh Hoá (ngày 12/3), công ty đã chuẩn bị một lượng hàng trên 20.000 tấn gạo 15% tấm mua ở khu vực miền Đông Nam Bộ, bỏ giá thấp nhất trong nhiều gói thầu và cầm chắc sẽ thắng thầu với số lượng 6.500 tấn gạo bán cho mục tiêu dự trữ quốc gia.

Tuy nhiên, đến ngày đóng thầu, Hội đồng xét duyệt lại nêu lý do doanh nghiệp thiếu một số thủ tục về hồ sơ (đều là những thứ không thể hiện năng lực tài chính, khả năng, uy tín trong kinh doanh lương thực) nên chỉ xét trúng thầu với số lượng chưa đến 2.000 tấn. Ngược lại, danh sách đơn vị trúng thầu có cả những đơn vị bỏ giá rất cao, mới thành lập trong năm 2009.

Nghiên cứu kỹ hồ sơ mời thầu, mục 2, chương III hồ sơ mời thầu có đặt ra yêu cầu đơn vị dự thầu phải có đủ năng lực kinh doanh, tài chính lành mạnh và ổn định được thể hiện tại các bản báo cáo tài chính của các năm 2007, 2008. Vậy các doanh nghiệp mới thành lập cách đây vài tháng thì làm sao có thể đáp ứng được những yêu cầu nói trên nhưng vẫn được... trúng thầu(?).

Bức xúc vì kết quả như vậy, Công ty cổ phần Thành Đạt đã làm đơn gửi Cục trưởng Cục Dự trữ quốc gia và các đơn vị chức năng đề nghị giải thích rõ một số nghi vấn sau: Thứ nhất, việc mua gạo dự trữ quốc gia là xét thầu hay đấu thầu? Nếu doanh nghiệp lớn, bỏ giá thấp nhất vẫn bị loại. Người không đủ tiêu chí, bỏ giá cao vẫn thắng thì từ nay không nên gọi là đấu thầu dễ gây nhầm lẫn. Thứ hai, rút "kinh nghiệm" từ đấu thầu đợt 1, 2, trong đợt 3 Công ty Thành Đạt sẽ thành lập một loạt công ty khác để tham gia đấu ở tất cả các gói thầu thì có đủ tư cách, tiêu chí hay không.

Đáng tiếc là cho tới nay, Cục Dự trữ quốc gia, các chi cục Hà Nam Ninh, Thanh Hoá, các ngành liên quan vẫn không ai trả lời những câu hỏi này.

Trường hợp tiếp theo cũng bức xúc không kém gì rơi vào Công ty cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, doanh nghiệp mạnh nhất của Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (DNNN).

Sau khi mua hồ sơ, làm đủ các thủ tục quy định kể cả nộp tiền đặt cọc nhiều tỷ đồng, Công ty cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh đã bước lên "sàn" đấu căng thẳng quyết liệt.

Trên cơ sở bỏ giá thấp nhất khi kết thúc phiên, cầm chắc sẽ thắng thầu 13.000 tấn gạo bán cho dự trữ quốc gia khu vực Tây Nguyên, Nghĩa Bình, Quảng Bình và Nghệ Tĩnh, ngay lập tức công ty này đã cho vận chuyển trên 30.000 tấn gạo đủ tiêu chuẩn từ Nam ra để cung ứng kịp thời.

Tuy nhiên, vào giờ chót, công ty ngỡ ngàng nhận được thông báo của các Hội đồng xét thầu về việc hoàn trả hồ sơ dự thầu do không hợp lệ vì báo cáo tài chính năm 2007 công ty này bị lỗ. Điều đó có nghĩa là Thanh Nghệ Tĩnh đã bị loại.

Cay đắng ở chỗ, Hội đồng xét thầu đã không thèm quan tâm đến kết quả chung trong cả 2 năm 2007 và 2008. Cân đối chung số lãi vẫn lớn hơn giá trị của các gói thầu đã bỏ trúng vì năm 2008 lãi trên 30 tỷ đồng. Trong khi đó, soán đoạt các gói thầu của mình lại là các đơn vị bỏ giá cao hơn, năng lực nhỏ hơn, không thể có báo cáo tài chính vì mới thành lập từ 3 đến 6 tháng trước ngày đấu giá.

Đề nghị Cục Dự trữ quốc gia, các Bộ ngành chủ quản cần tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn trong việc đấu thầu mua gạo dự trữ. Đừng để một số người lợi dụng mục tiêu dự trữ quốc gia để biến tướng thành cơ hội... "làm ăn"

Lê Minh Triết
.
.
.