Sản xuất sạch là trách nhiệm chứ không phải “làm giá”

Chủ Nhật, 31/12/2017, 09:44
Câu chuyện làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao đang bị hiểu méo mó là hiện tượng “lạ” trong xã hội. Trách nhiệm của doanh nghiệp phải làm cho nông dân hiểu để cùng doanh nghiệp làm nông nghiệp sạch chứ không phải "làm giá".

Hiện có khoảng 70% dân số khu vực nông thôn sống dựa vào nông nghiệp. Lâu nay, câu chuyện về thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn, nông sản tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, lẫn tạp chất… đã làm giảm uy tín của sản phẩm nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). 

Trong khi câu chuyện làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao lại bị hiểu méo mó là hiện tượng “lạ” trong xã hội.

Ở góc nhìn của một doanh nghiệp (DN) làm nông nghiệp sạch, ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên (Cần Thơ) cho rằng, không phải có tiền là có thể giải quyết được bài toán nông nghiệp sạch. 

“Làm nông nghiệp rất rủi ro, vì thiên tai, dịch bệnh, thị trường. Để dẫn dắt nông dân làm nông sản sạch, an toàn và bền vững, DN phải chứng minh thực lực của mình và làm tốt hơn nông dân để nông dân tin tưởng mà làm theo. Xây dựng niềm tin tuyệt đối vào nhau mới có thể thắng lợi”, ông Cung khẳng định.

Mô hình sản xuất cam sạch ở Đồng Tháp của Công ty Đại Thuận Thiên.

Theo đuổi nông sản sạch hơn 10 năm, theo ông Cung, hiện nông sản xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc. Nhưng cũng phải nhìn nhận là thị trường Trung Quốc có rất nhiều phân khúc khác nhau và họ cũng rất cần nông sản sạch, nếu DN biết tận dụng tốt các cơ hội, có thể bán sản phẩm sang thị trường này với giá cao. 

Còn Thái Lan có đặc điểm tương đồng như Việt Nam trong sản xuất nông sản, nhưng vì sao họ có thể làm tốt và nông sản của họ đi vào thị trường Việt Nam với chất lượng tốt, ngon, giá rẻ dù chi phí vận chuyển cao? Đây là những câu hỏi mà DN và nông dân phải suy ngẫm để tìm cho mình con đường đi đúng nhất. 

Ông Cung ví dụ, nhiều người làm ra sản phẩm nông nghiệp sạch luôn nghĩ mình là “số 1” và yêu cầu giá bán phải cao. Nhưng sản xuất phải sạch là trách nhiệm, chứ không phải làm nông sản sạch để bán giá cao. Nhiều người làm nông sản sạch còn nghĩ mình là hiện tượng hiếm hoi trong xã hội. Điều này không đúng về cách nghĩ. Làm nông sản sạch là phải xuất phát từ cái “tâm”, ông Cung chia sẻ.

Trong tâm thế hội nhập, liên kết là con đường tất yếu để giữ vững thị trường “sân nhà” và xuất khẩu. Song, một số DN cho rằng, trong vai trò kết nối DN - nông dân, các cơ quan Nhà nước đôi lúc tạo nên sự ngộ nhận cho nông dân là vào liên kết để bán sản phẩm giá cao hơn. 

Trong khi các DN đều phải đi theo quy luật cung - cầu của thị trường, dù làm tốt nhưng bán với giá cao thì không thể bán được hàng do yếu tố cạnh tranh không có. 

Thực tế giá cao không phải là cốt lõi của vấn đề tạo ra lợi nhuận tuyệt đối cho nông dân, bởi chế biến, năng suất… cũng ảnh hưởng đến giá trị. Do vậy, phải giúp cho nông dân hiểu và thay đổi tư duy cho họ thấy “bán được là tốt”. 

DN là người mua và họ có quyền mua nhiều giá khác nhau. DN tự lèo lái “con thuyền” của họ, câu chuyện chiến lược liên kết, giá cả do hai bên mua, bán thỏa thuận với nhau và cơ quan quản lý đóng vai trò bảo vệ hành lang pháp lý, đưa bên mua, bán tôn trọng ký kết. Mặt khác, văn hóa kinh doanh cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của DN. 

Ông Cung nêu quan điểm: “Thương hiệu tập thể DN rất cần, nhưng thương hiệu cá nhân cũng cực kỳ quý. Ở Việt Nam, thương hiệu của người chủ lớn hơn của công ty. Khi người chủ DN giữ chữ tín với nông dân, dù bất cứ hoàn cảnh nào, thì nông dân không bao giờ bỏ DN. Còn nếu ông chủ DN thất tín, dù anh đổi tên hàng chục công ty cũng không thể đứng trên thị trường và thuyết phục nông dân theo mình”. 

Theo ông Cung, trách nhiệm của DN phải làm cho nông dân hiểu để cùng DN làm nông nghiệp sạch. Đó là trách nhiệm chứ không phải câu chuyện hiếm hoi mà một vài DN đang làm. Chính phủ đang có chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp sạch và là điều kiện tốt cho phát triển.    

* Tại Cần Thơ, bên cạnh sự nỗ lực bứt phá của DN, chính quyền đã sát cánh cùng DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo thành phố thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, làm việc trực tiếp, tìm hiểu hoạt động sản xuất, kinh doanh để phát hiện, gỡ khó cho DN. Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời với mục tiêu hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN; thành lập đường dây nóng của UBND thành phố để tiếp nhận và xử lý nhanh những kiến nghị, phản ánh của DN, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động… 

Đ.Văn – G.B.
.
.
.