Nông dân đồng bằng sông Cửu Long liên kết sản xuất sạch

Thứ Bảy, 13/08/2016, 07:45
Dù sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP hay VietGAP, nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn bán sản phẩm với giá ngang bằng ở chợ.

Nhận thấy hạn chế này, hàng chục HTX và THT ở ĐBSCL đã liên kết với nhau để tạo lượng hàng hoá lớn và được trợ giúp thông tin về thị trường nhằm tiếp cận người tiêu dùng.

Theo TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ), hiện nay nông sản ĐBSCL khi vào mùa thu hoạch rộ là trúng mùa rớt giá, đây là quy luật thị trường. 

HTX rau an toàn phường Long Tuyền (quận  Bình Thuỷ, TP Cần Thơ) tham gia mạng lưới sản xuất sạch.

Nguyên nhân khác do phía thương lái làm giá khi sản lượng cung tăng lên thì dễ trả giá rẻ hơn đối với nông dân sản xuất nhỏ lẻ và thiếu tổ chức. Đặc điểm hàng hóa nông sản ở ĐBSCL là tiêu thụ thô, thiếu khả năng chế biến và tồn trữ, không thương hiệu vì thế giá cả dễ lên xuống.

Ông Triệu Công Đỉnh, Giám đốc HTX Rau an toàn Long Tuyền (quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ) phản ánh: “HTX đã trồng rau theo tiêu chuẩn sạch từ lâu nhưng ngặt nỗi giá bán cũng bằng với giá ngoài chợ. Vì bán giá cao hơn, người tiêu dùng quay lưng. Nếu đem sản phẩm vào siêu thị lại càng khó vì nhiều thủ tục phức tạp, bị giam vốn”.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc HTX chôm chôm Bình Hoà Phước (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) nêu khó khăn: “HTX có 18ha trồng chôm chôm theo chuẩn GlobalGAP nhưng mỗi vụ chỉ bán được vài trăm ki-lô-gam xuất sang Trung Quốc. Mà giá cả cũng không cao hơn chôm chôm ngoài chợ là bao nhiêu, nhiều khi vào mùa thu hoạch rộ, lại bị thương lái ép giá”.

Nhận thấy những khó khăn trên, vừa qua, Câu lạc bộ Hỗ trợ nông gia thuộc BSA thành lập mạng lưới sản xuất sạch. Tham gia mạng lưới sản này có 44 HTX, THT ở các tỉnh, thành ĐBSCL cùng hàng chục công ty, doanh nghiệp là đơn vị tư vấn, hỗ trợ nông dân. Những HTX này kinh doanh các mặt hàng như: trái cây, rau củ quả, các loại mắm…

Theo ông Trần Hoàng Tuyên cho biết, mục đích chính của mạng lưới này là tập hợp nhu cầu của nhà sản xuất và nối kết chuyên gia về công nghệ, quản trị, truyền thông, các nhà nghiên cứu, các mối nối thông tin cơ hội và cảnh báo rủi ro.

Bước đầu BSA kết nối công ty, doanh nghiệp (DN) cung cấp các loại thiết bị, phân vi sinh… với những cơ sở trên để họ hợp tác với nhau. Ngoài ra, những sản phẩm từ HTX sẽ được bày bán tại phiên chợ “Xanh tử tế”, tổ chức hàng tuần tại địa chỉ 163 đường Pasteur (phường 6, quận 3, TP HCM).

Tại đây, HTX có cơ hội tiếp cận với những người có xu hướng chọn lựa thực phẩm an toàn. Trong quá trình này, nếu họ gặp được nhà phân phối lớn thì BSA sẽ hỗ trợ giao dịch như làm hợp đồng, giới thiệu sản phẩm…

Anh Huỳnh Thanh Tâm (ngụ ấp Phú Nhơn, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, Bến Tre), chia sẻ: “Từ năm 2014, tôi đã thử nghiệm việc khắc chữ lên trái dừa và đến đầu năm 2016 đã thành công. Khi bán trên thị trường, có rất nhiều đơn đặt hàng.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhiều người biết đến hơn nữa, ngoài dừa khắc chữ, tôi còn trồng dừa lấy nước không sử dụng phân, thuốc. Mong qua kênh kết nối này, sẽ quảng bá được hình ảnh trái dừa Bến Tre”.

Giám đốc HTX chôm chôm Bình Hoà Phước đồng tình: “Tôi mong sao khi tham gia mạng lưới sản xuất sạch sẽ kết nối với nhiều DN để họ bao tiêu, tìm nhiều thị trường nhất là châu Âu, Mỹ cho trái chôm chôm. Nếu xuất đi với số lượng lớn mới có lời, thu hút được nhiều xã viên tham gia”.

Văn Vĩnh-Như Anh
.
.
.