Sẵn sàng triển khai tự động hóa quản lý hàng hóa đường hàng không

Thứ Tư, 13/05/2020, 08:53
Theo Cục Hải quan Hà Nội, đơn vị đang hoàn thành các bước chuẩn bị cuối cùng để sẵn sàng triển khai chính thức Hệ thống một cửa quốc gia và Hệ thống quản lý, giám sát tự động tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài theo Nghị định 59/2018/NĐ-CP và Thông tư 39/2018/TT-BTC.

Sau một quá trình triển khai thí điểm và từng bước hoàn thiện hệ thống, Cục Hải quan Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan thuộc Tổng cục Hải quan, đơn vị có liên quan chuẩn bị để triển khai chính thức Hệ thống một cửa quốc gia đường hàng không và Hệ thống quản lý, giám sát tự động đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. Đến nay hệ thống đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra để tiến tới triển khai chính thức tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.

Ông Trần Quốc Định, Phó cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội.

Đánh giá về quá trình này, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Trần Quốc Định cho biết, trong quá trình triển khai, Cục Hải quan Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Tổng cục Hải quan và các bên liên quan quan trong việc xây dựng các quy định, thiết lập hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, phối hợp với các DN để chạy thử nghiệm, xử lý các vấn đề nghiệp vụ phát sinh, xử lý các lỗi hệ thống… 

Đồng thời, phối hợp cơ quan kinh doanh, kho bãi cảng, hãng hàng không chạy các dữ liệu thật và tỉ lệ tự động đạt mức rất cao. Đến nay, cơ bản đã hoàn thành việc triển khai thí điểm, đảm bảo triển khai chính thức. 

“Tới thời điểm này, 100% hãng hàng không đã gửi thông tin tới Cổng thông tin một cửa quốc gia theo quy định. Tỷ lệ thiết lập tự động thông tin hàng hóa dự kiến xếp dỡ đưa qua khu vực giám sát ổn định và đạt trên 95%. Tỷ lệ hàng hóa được quản lý, giám sát qua hệ thống đạt 99,9%. Còn lại được giám sát thủ công khi hệ thống gặp sự cố. Như vậy, hệ thống đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra để tiến tới triển khai chính thức tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.”- Phó Cục trưởng Trần Quốc Định nói.

Theo ông Định, quá trình triển khai Hệ thống một cửa quốc gia và Hệ thống quản lý, giám sát tự động hải quan tại sân bay Nội Bài là thay đổi căn bản phương thức quản lý từ thủ công sang điện tử, dựa trên việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và áp dụng các chuẩn mực quốc tế. Do đây là nghiệp vụ mới nên trong quá trình triển khai cả cơ quan Hải quan cũng như DN và các bên liên quan còn bỡ ngỡ, cần phải tổ chức hướng dẫn, đào tạo. 

Song cho đến nay, đa phần DN phản ánh, sau khi triển khai đều thấy rằng hệ thống vận hành trơn tru, các lỗi đã được xử lý triệt để, nâng mức tự động của hệ thống lên, cho phép các DN chủ động nắm thông tin tình hình hàng hóa về cảng hàng không, chủ động nhận hàng. 

Phía cơ quan Hải quan nhận được thông tin về hàng hóa rất sớm để có thể phân tích được hàng hóa từ đâu về, hàng hóa gì từ trước khi DN mở tờ khai hải quan. Với quy trình đó, DN đánh giá hệ thống đã nâng cao được mức độ tự động hóa hải quan, cũng như DN, kiểm soát rủi ro tốt hơn.

Nói về hệ thống này, ông Định cho biết, đây là hệ thống mới với sự tham gia của nhiều bên liên quan: Cơ quan Hải quan, Hãng hàng không, kho hàng không… để thiết lập có yêu cầu về pháp lý, xây dựng phần mềm. Hải quan chỉ là một bên tham gia xây dựng phần mềm nội tại Hải quan. 

Ngoài ra bản thân các hãng hàng không cũng phải hoàn thiện phần mềm kết nối với cơ quan Hải quan thông qua dịch vụ trực tuyến, mạng Sita… là các mạng quốc tế của hãng hàng không để trao đổi thông tin, hay các kho hàng không phải xây dựng phần mềm kết nối với cơ quan Hải quan.

Việc triển khai giám sát tự động hàng hóa đường hàng không có nhiều khác biệt so với đường biển, nếu đường biển ít chuẩn dữ liệu thì hàng không rất nhiều chuẩn. Mỗi Hãng hàng không quốc tế kết nối đến hệ thống cơ quan Hải quan có chuẩn riêng và cơ quan Hải quan phải đáp ứng tất cả các yêu cầu ấy. 

Thời gian vừa qua cơ quan Hải quan phải nỗ lực để tiếp nhận được nhiều nhất có thể về mặt thông tin, về mặt dữ liệu để đưa vào hệ thống của cơ quan Hải quan phân tích. 

Ngoài ra, về phía DN làm thủ tục XNK trước khi triển khai hệ thống chưa biết đến số quản lý hàng hóa thì sau khi triển khai đã quen thuộc với việc một lô hàng từ trước khi đến Việt Nam sẽ có số quản lý... 

Đó là quá trình đòi hỏi các bên đều phải tiếp cận và triển khai để nhất quán khi sử dụng, giống như thẻ căn cước công dân mỗi người có một số duy nhất hàng hóa cũng thế, mỗi lô hàng cũng có số quản lý để theo dõi, quản lý.

Đặc biệt, cơ quan Hải quan và các đơn vị có liên quan đều nhận thức được việc triển khai Hệ thống là cần thiết, vì ngành hàng không là ngành vận chuyển lượng hàng hóa rất nhiều trong khi trị giá lô hàng lại rất cao, do đó đòi hỏi quá trình luân chuyển phải thật nhanh, chuẩn xác, theo chuẩn mực quốc tế. 

Các nước trên thế giới đều phát triển theo chuẩn mực làm sao khi phát hành vận đơn từ phía xuất khẩu thì phía nhập khẩu đều nhận được và cho thông quan hàng hóa, do đó nếu mình không làm được việc này, tới đây sẽ khó triển khai vận đơn điện tử hàng không. Nó là yếu tố tiên quyết buộc các bên buộc phải nỗ lực triển khai. 

Một mặt để cơ quan quản lý nhà nước có được thông tin, phục vụ công tác quản lý, mặt khác DN hàng hóa được thông quan nhanh, chính xác, giúp chi phí đường hàng không ở mức tối thiểu, giúp DN cạnh tranh hơn trong giao thương quốc tế đường hàng không.

Lưu Hiệp
.
.
.