Phải loại trừ cơ chế xin-cho để cạnh tranh lành mạnh

Thứ Ba, 05/06/2018, 08:05
Đây là nhận định của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đồng thời là Giám đốc chương trình Aus4Reform đưa ra tại hội thảo đánh giá một năm thực hiện chương trình Aus4Reform, hợp tác với Australia, về cải cách và tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ giai đoạn 2016 – 2021.


Theo ông Cung, nền kinh tế đã được hưởng lợi từ một năm hoạt động của chương trình. Môi trường đầu tư kinh doanh cũng đã có sự cải thiện, tăng được 14 bậc trên bảng xếp hạng, đạt vị thứ 68. Năng lực cạnh tranh Việt Nam cũng được Diễn đàn Kinh tế thế giới nâng hạng ở một số tiêu chí như hiệu quả của thị trường lao động, sự phát triển của thị trường tài chính, mức độ sẵn sàng về công nghệ.

Bên cạnh đó, hàng ngàn điều kiện kinh doanh đã được “điểm mặt, chỉ tên”, và được đề xuất cắt bỏ trong báo cáo gửi Thủ tướng hồi tháng 8-2017. “Con số 3.000 điều kiện kinh doanh được đưa ra khiến nhiều người bị sốc. Nhiều đồng nghiệp cũng nghi ngờ tôi tại sao lại có con số đó”, ông Cung nói. 

Chính phủ về sau đã chấp nhận kiến nghị này, hiện thực hoá trong Nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhiều bộ, ngành cũng đã chấp nhận mặt tồn tại này, thậm chí, Bộ Y tế còn rà soát lại và phát hiện thêm các điều kiện kinh doanh. Tháng 1-2018, Thủ tướng đã ký Nghị định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh. 

Theo ông Cung, quý I/2018, sẽ có 738 điều kiện kinh doanh được cắt bỏ và đơn giản hoá. Bên cạnh đó, chương trình cũng đạt được một số kết quả cụ thể về cải cách quản lý chất lượng đối với hàng hoá xuất nhập khẩu. Cụ thể, số hàng hoá kiểm tra trước thông quan giảm được hơn 15 điểm %, gần đạt mục tiêu đề ra là phải giảm được ít nhất 20 điểm %. Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho biết tỷ lệ hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan cũng giảm được hơn 1/3 (từ 30-35% xuống còn 19,4%). 

Bên cạnh đó, Nghị định 15/2018/NĐ-CP tạo đột phá trong kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP): Khảo sát thực tế cho thấy, giảm khoảng 90% số lượng hồ sơ phải thực hiện thủ tục công bố, kiểm tra ATTP. Giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan. Góp phần giảm đáng kể tình trạng kẹt cảng. Doanh nghiệp (DN) tiết kiệm được đáng kể chi phí và thời gian, tương ứng khoảng 90% về chi phí và hàng triệu ngày công/năm.

Đến năm 2020, tất cả các dịch vụ công đều được cung cấp trực tiếp cấp độ 4.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, bên cạnh những mặt đạt được thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm, xung quanh câu chuyện thị trường. Thị trường và cạnh tranh trong thị trường phải là trọng tâm của nền kinh tế. Bởi lẽ, nền kinh tế có cạnh tranh mới có những cải biến về kỹ thuật, động lực để phát triển và hoạt động hiệu quả. 

“Chỉ có cạnh tranh mới khiến DN áp dụng khoa học công nghệ, cải tiến, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế Việt Nam vẫn còn cơ chế “xin – cho” dẫn đến khoa học, công nghệ bị “đẩy” ra khỏi nền kinh tế. Mối quan hệ thân hữu đang triệt tiêu sáng kiến. Và nếu có cạnh tranh, cũng phải là cạnh tranh lành mạnh”, ông Cung nói.

Theo đó, Chính phủ cần phải đảm bảo cạnh tranh công bằng cho các DN, thông qua việc xây dựng và thực thi Luật Cạnh tranh. Bên cạnh đó, Chính phủ cần phải dỡ bỏ các rào cản gia nhập thị trường, hàng rào bất hợp lý để tăng quy mô, mức độ cạnh tranh của thị trường. Trong thời gian qua, Chính phủ đã tích cực thực hiện, thông qua Nghị quyết 19. 

Ngoài ra, ông Cung cũng cho rằng Chính phủ cần tiếp tục các hoạt động cải cách DN Nhà nước, khiến những DN này trở nên "trung tính", tránh bất bình đẳng trong kinh doanh. Đặc biệt, Chính phủ tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn, kết quả đồng đều hơn, tác động thực chất và toàn diện hơn. Các bộ nghiêm túc thực hiện cắt bỏ thực chất ít nhất 50% số điều kiện kinh doanh theo đúng yêu cầu về thời gian; kiểm soát không phát sinh thêm các điều kiện kinh doanh mới (như trường hợp Nghị định số 27/2018/NĐ-CP vừa qua); phải xây dựng và thông qua phương án tổng thể cắt bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; không làm theo từng Nghị định riêng lẻ như Bộ Thông tin Truyền thông làm thời gian qua; làm như vậy, không có đánh giá tổng thể và không kiểm soát được, không thực sự minh bạch… 

Bên cạnh đó, tạo áp lực và kỷ luật hành chính mạnh mẽ hơn đối với các chỉ số mà thứ hạng và điểm số còn thấp, không cải thiện đáng kể trong mấy năm qua, nhất là Khởi sự kinh doanh, Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, Giao dịch thương mại qua biên giới; Phối hợp tốt hơn, hiệu quả hơn với Toà án nhân dân tối cao để có cải thiện đáng kể chỉ số Giải quyết phá sản DN và Giải quyết tranh chấp hợp đồng. 

Thực hiện Chính phủ điện tử, hiện thực hóa Công nghiệp 4.0 trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh: Đến năm 2020, tất cả các dịch vụ công đều được cung cấp trực tiếp cấp độ 4; bãi bỏ sử dụng hồ sơ giấy trong thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) công. Chỉ đạo, bắt buộc tất cả các bộ, ngành phải kết nối tất cả các TTHC qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Hiện, Chương trình Aus4Reform đang hỗ trợ ba phương diện này. Theo ông Cung, Chính phủ vẫn đang loay hoay để tăng trưởng chứ chưa mở rộng được không gian phát triển kinh tế, đặc biệt là huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của đất nước.

Phan Đức
.
.
.